Bảo đảm đầu tư sẽ thu hút nguồn vốn chất lượng

Đây là nhận định của phần lớn các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Hội thảo 'Góp ý dự Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)'.

Đánh giá về 2 Dự thảo đặc biệt quan trọng này, Giáo sư, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: Dự thảo Luật Đầu tư tuy có danh mục các ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư nhưng chưa quy định rõ ràng mức độ ưu đãi cần thiết; Dự thảo Luật Doanh nghiệp không thấy đề cập đến những nội dung của hai Nghị quyết 50 và 52 của Bộ Chính trị.

Do đó, Chủ tịch Hiệp hội VAFIE đề xuất Ban soạn thảo cần lưu hai vấn đề quan trọng: Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang bắt đầu thực hiện ở nước ta, có nhiều vấn đề mới nảy sinh mà chưa có pháp luật điều chỉnh, điển hình là Grab và Uber, Fintec, AI, một số ngành nghề không tồn tại, một số ngành nghề mới xuất hiện. Vì vậy, cần có cách tiếp cận thích hợp để không lấy luật pháp hiện hành điều chỉnh hành vi mới và không căn cứ vào luật pháp hiện hành để xử lý theo hướng “vi phạm luật pháp” vì cả hai đều cản trở việc thực hiện theo hướng đổi mới, sáng tạo.

 Giáo sư, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Giáo sư, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Giáo sư Nguyễn Mại cũng lưu ý cần có các biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, bởi đây là yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật đã được quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư, tuy nhiên, quy định này mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi đầu tư; trong khi nhà đầu tư đòi hỏi nhiều hơn thế.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh cần có một chương trình "Bảo đảm đầu tư" để quy định đầy đủ các nội dung có liên quan đến quyền lợi nhà đầu tư, gồm bảo đảm quyền sở hữu tài sản; bảo đảm chuyển tài sản, lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài; bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật và bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Phan Lê Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific Corpration) cho rằng Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014 là hai luật có vai trò hết sức quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (dự thảo Luật sửa đổi), ông Hoàng đề nghị giữ nguyên quy định như hiện nay, đó là: “Đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, dự án thực hiện trên địa bàn của địa phương nào thì chủ đầu tư sẽ thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư tại địa phương đó. Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính để thực hiện dự án sẽ tiếp nhận, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 38 của Luật Đầu tư năm 2014”.

Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư sẽ thu hút nguồn vốn chất lượng.

Còn về Quyền của cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu cổ phần, ông Hoàng cho rằng, việc bỏ điều kiện sở hữu cổ phần trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng là phù hợp, vì đã là cổ đông của công ty thì đương nhiên cổ đông phải được thực hiện ngay các quyền của mình mà không phân biệt cổ đông cũ hay cổ đông mới. Tuy nhiên, quy định về giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% xuống còn 1% thì không phù hợp, không đảm bảo được môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bảo vệ quyền lợi cho cổ đông nhỏ là việc làm đúng, nhưng để ổn định công ty thì vẫn cần phải có một tỉ lệ nhất định để biểu quyết theo số đông, đảm bảo cho quyền lợi cũng như trách nhiệm cổ đông lớn. Do vậy, ông Hoàng đề nghị giữ nguyên tỉ lệ sở hữu 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên của cổ đông hoặc nhóm cổ đông như quy định tại Khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Ông Hoàng cũng đề nghị: Quy định thống nhất về thủ tục thay đổi thông tin cổ đông trong Luật Doanh nghiệp theo hướng: Các trường hợp bắt buộc thực hiện thủ tục thay đổi thông tin cổ đông thì thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Đồng thời, đối với các trường hợp không bắt buộc thực hiện thủ tục thay đổi thông tin cổ đông nhưng nếu doanh nghiệp có nhu cầu thông báo/đăng ký thì cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn tiếp nhận thủ tục để giải quyết theo quy định. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho cổ đông trong các giao dịch chuyển nhượng theo quy định hoặc chứng minh năng lực khi cần có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đông Nghi

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/bao-dam-dau-tu-se-thu-hut-nguon-von-chat-luong-6306.html