Bảo đảm cuộc sống bình yên cho người lao động

Hiện nay, có hơn 14 triệu công nhân lao động (CNLĐ) đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp (DN), trong đó có hơn 10,5 triệu đoàn viên công đoàn sinh hoạt tại hơn 126 nghìn công đoàn cơ sở. Với sự phát triển lớn về số lượng, đa dạng về cơ cấu, trình độ, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, cũng đặt ra thách thức lớn đối với các ngành chức năng trong việc quản lý, bảo đảm an ninh - trật tự, nhất là đối với địa bàn những khu công nghiệp, nhà trọ đông CNLĐ.

Hiện nay, có hơn 14 triệu công nhân lao động (CNLĐ) đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp (DN), trong đó có hơn 10,5 triệu đoàn viên công đoàn sinh hoạt tại hơn 126 nghìn công đoàn cơ sở. Với sự phát triển lớn về số lượng, đa dạng về cơ cấu, trình độ, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, cũng đặt ra thách thức lớn đối với các ngành chức năng trong việc quản lý, bảo đảm an ninh - trật tự, nhất là đối với địa bàn những khu công nghiệp, nhà trọ đông CNLĐ.

Xây dựng các mô hình tự quản an ninh trật tự trong CNLĐ

Bên cạnh sự phát triển về số lượng, đa dạng về cơ cấu, trình độ văn hóa, chuyên môn, tay nghề được nâng cao, thì sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận CNLĐ còn hạn chế, chưa thực hiện tốt nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị. Nguyên nhân là do phần lớn CNLĐ xuất thân từ nông thôn, hiểu biết còn hạn chế, thiếu kỹ năng sống. Cùng với đó, mặt trái của cơ chế thị trường và diễn biến nhanh chóng của tốc độ đô thị hóa cũng kéo theo những hậu quả phức tạp về xã hội như: thất nghiệp, phân hóa giàu nghèo, tệ nạn xã hội, dịch bệnh… là những thách thức mà người lao động (NLĐ) phải đối mặt hằng ngày, hằng giờ ngay tại nơi họ sống, làm việc.

Nhằm bảo đảm an ninh trật tự cũng như phát huy vai trò của CNVCLĐ trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tháng 9-2017, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Bộ Công an đã ký kết Quy chế phối hợp. Đến nay, 100% LĐLĐ các tỉnh, thành phố đã triển khai chương trình phối hợp lực lượng công an, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể đến các công đoàn cơ sở. Trong ba năm thực hiện, các cấp công đoàn phối hợp lực lượng công an tổ chức gần 41 nghìn cuộc tuyên truyền cho 4,5 triệu lượt đoàn viên công đoàn và CNLĐ; tổ chức sản xuất, phát hành 1,5 triệu ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền. Biên soạn và phát hành gần 300 nghìn sản phẩm truyền thông về phòng, chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội.

Với phương châm "mỗi tổ chức công đoàn là khu bảo đảm về an ninh, mỗi đoàn viên là một an ninh viên", công tác phối hợp lực lượng công an trong bảo đảm an ninh trật tự luôn mang lại kết quả cao. Nhiều mô hình bảo đảm an ninh trật tự tại các khu nhà ở, nhà trọ luôn được các cấp công đoàn, lực lượng công an chú trọng xây dựng, phát triển. Nhiều địa phương xây dựng mô hình “Tổ an ninh công nhân”, “Khu công nghiệp, cụm công nghiệp an toàn về an ninh trật tự”, “Đội dân quân tự vệ trong doanh nghiệp”. Đến nay, cả nước thành lập 2.538 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân tại 22 địa phương. Các tổ tự quản khu nhà trọ phối hợp lực lượng công an, cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý cư trú, nắm bắt tình hình. Những việc làm thiết thực nêu trên đã giúp an ninh trật tự khu nhà trọ luôn được bảo đảm, giúp CNLĐ yên tâm lao động, sản xuất. Chị Nguyễn Thị Mai, công nhân tại khu công nghiệp Lễ Môn, Thanh Hóa cho biết: “Trước đây, khu trọ tôi ở luôn có tình trạng mất trộm, tình hình an ninh trật tự phức tạp. Công nhân xa nhà, đồng lương hạn chế, mua sắm được vài đồ dùng sinh hoạt, tối muộn về muốn nấu nhanh cơm canh ăn để nghỉ ngơi thì chẳng còn thấy nồi đâu, đành phải úp mì tôm ăn tạm. Kể từ khi có tổ an ninh công nhân, chúng tôi đi làm ca đêm rất yên tâm khi thấy đội các anh bên trật tự, công an cùng công đoàn đi kiểm tra an ninh khu trọ”. Có thể nói, mô hình tự quản trong công nhân là một hình thức tập hợp CNLĐ trong tình hình hiện nay, góp phần tích cực tạo dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa chính quyền, công đoàn, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức công đoàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức, nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của công nhân, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của NLĐ từ cơ sở, từ đó hạn chế xảy ra các vụ lộn xộn, gây mất trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Tăng cường chăm lo cho NLĐ, góp phần phòng, chống tội phạm

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Kết luận số 96 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về "Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp". Công tác này nhận được sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng công an. Nhờ đó, hai bên và các ngành chức năng giải quyết tốt các vụ việc bức xúc trong công nhân, kéo giảm số vụ ngừng việc tập thể qua từng năm. CNVCLĐ cả nước đã cung cấp cho cơ quan công an hơn 20 nghìn tin báo, góp phần kịp thời nắm bắt tình hình, phòng, chống lôi kéo, kích động đình công; phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự.

Những năm trở lại đây, trước tình trạng “tín dụng đen” hoành hành, gây nhiều hệ lụy trong đời sống NLĐ, lực lượng công an các địa phương trên cả nước đã đấu tranh, triệt phá nhiều tổ chức cho vay nặng lãi, bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, CNLĐ, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Cùng với đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo công đoàn các cấp đã vào cuộc rất kịp thời, tích cực phối hợp lực lượng công an, vừa tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao cảnh giác về phương thức, thủ đoạn và hậu quả do “tín dụng đen” gây ra, vừa duy trì và xây dựng các nguồn quỹ của các cấp công đoàn như: Hỗ trợ vốn cho NLĐ nghèo tự tạo việc làm (Quỹ CEP); “Tương trợ nội bộ”; Quỹ Mái ấm Công đoàn, tương thân tương ái, chương trình phúc lợi cho NLĐ... nhằm hỗ trợ cho đoàn viên, CNLĐ gặp khó khăn về tài chính. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp đang gây ảnh hưởng nặng nề đến việc làm, thu nhập của hàng triệu NLĐ, khiến nhiều người lâm vào cảnh khó khăn, đối mặt với việc phải vay nợ để trang trải cuộc sống. Đồng hành cùng CNLĐ nghèo vượt khó trong dịch Covid-19, từ đầu tháng 3-2020, Tổ chức tài chính vi mô CEP (thuộc LĐLĐ TP Hồ Chí Minh) triển khai chương trình “CEP - Chia sẻ yêu thương”. Với tổng kinh phí 6,5 tỷ đồng, CEP hỗ trợ tài chính cho NLĐ gặp khó khăn thông qua các hoạt động: cho vay miễn giảm lãi, kéo dài thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn; gói hỗ trợ giảm lãi suất đối với khách hàng ngành giáo dục, hỗ trợ cho vay khẩn cấp lãi suất thấp… Từ chương trình của CEP, hàng nghìn gia đình CNLĐ đã được hỗ trợ để từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nhằm giúp đỡ kịp thời NLĐ vượt qua khó khăn, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định 643/QĐ-TLĐ về việc hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ nguồn tài chính công đoàn và các nguồn huy động xã hội khác với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Những năm qua, các cấp công đoàn và lực lượng công an cả nước đã hoàn thành tốt các mặt công tác trong chương trình phối hợp đem lại sự an ninh, an toàn tại nơi ở, nơi làm việc của CNVCLĐ. Thời gian tới, tổ chức công đoàn tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục, phát huy lòng yêu nước, ý thức chính trị, giữ vững bản lĩnh, tăng "sức đề kháng" trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tăng cường phối hợp lực lượng công an các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong lực lượng CNVCLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, bảo đảm cuộc sống bình yên của NLĐ. Góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

ĐẶNG THỊ LỢI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/bao-dam-cuoc-song-binh-yen-cho-nguoi-lao-dong-613705/