Bảo đảm cung ứng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg phê duyệt 'Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030' (gọi tắt là Chương trình). Đây là văn bản pháp lý quan trọng, tạo đà nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại.

Ưu việt của chuyển đổi số

Có lần, do yêu cầu công việc phải tìm đọc lại bài báo nổi tiếng Ba lần “đuổi kịp trung nông” (Báo Nhân Dân ngày 9-1-1961) của nhà báo Hà Đăng-mở đầu phong trào thi đua “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, chúng tôi chỉ mất khoảng 5 phút đăng nhập vào trang web Thư viện Quốc gia Việt Nam là đọc được bài báo. Giả sử nếu số báo có bài viết kể trên chưa được số hóa thì ít nhất chúng tôi phải mất 30 phút (chưa tính thời gian di chuyển đến thư viện) viết phiếu yêu cầu, chờ nhân viên thư viện lấy báo từ kho lưu trữ. Ví dụ kể trên cho chúng ta thấy sự ưu việt của chuyển đổi số trong hoạt động thư viện có tác dụng chia sẻ tài liệu nhanh, gọn; phục vụ nhu cầu người đọc ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào, miễn là có kết nối internet.

 Sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh học tập tại thư viện.Ảnh: HOÀI THƯƠNG.

Sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh học tập tại thư viện.Ảnh: HOÀI THƯƠNG.

Không phải chỉ chờ đến khi Chương trình được phê duyệt, hệ thống thư viện nước ta mới chú ý đến việc chuyển đổi số. Hơn 20 năm trước, ngay từ khi internet chưa xuất hiện ở Việt Nam, một số thư viện lớn, như: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh... đã tiên phong thực hiện số hóa tài liệu quý hiếm, dễ hư hại theo thời gian. Hiện nay, số hóa tài liệu trở thành một hoạt động nghiệp vụ thư viện phổ biến, nhưng quá trình thực hiện nhanh hay chậm tùy thuộc vào kinh phí và nhân lực ở từng đơn vị. Kinh phí cơ quan chủ quản cấp cho thư viện hiện nay chủ yếu phục vụ việc mua sách in mới, bảo quản, kiểm kê tài liệu đang lưu trữ. Thư viện Quân đội hiện là một trong những đơn vị có tốc độ số hóa tài liệu khá nhanh, với 600-700 đầu sách số hóa/năm. Sự quan tâm, đầu tư của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác số hóa tài liệu là những điều kiện cần thiết để Thư viện Quân đội tiếp tục đẩy nhanh tốc độ số hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu bạn đọc trong và ngoài quân đội.

Không đơn thuần là số hóa

Cần nói thêm rằng, số hóa tài liệu chỉ là một phần trong chuyển đổi số ngành thư viện, ngoài ra còn nhiều vấn đề quan trọng khác như: Sử dụng chung phần mềm quản lý thư viện; xây dựng trang web tích hợp; chia sẻ và liên thông dữ liệu các thư viện; kết nối với các chương trình dữ liệu mở... Chính vì khối lượng công việc lớn, phức tạp nên trong Chương trình đề ra mục tiêu chủ yếu đến năm 2025 chỉ tập trung chuyển đổi số ở thư viện có vai trò quan trọng (Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và phần lớn thư viện thuộc các trường đại học, cao đẳng. Tập trung vào một số loại hình thư viện được xem là định hướng đúng đắn vì chuyển đổi số thư viện cần nguồn kinh phí không hề nhỏ; không thể đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả trong khi ngân sách có hạn, khả năng kêu gọi xã hội hóa được dự báo gặp nhiều khó khăn.

Trong Chương trình đã nêu rõ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành thực hiện chuyển đổi số thư viện. Vai trò chủ trì, là đầu mối của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất quan trọng vì qua thực tế tìm hiểu của chúng tôi, việc số hóa, chia sẻ tài liệu nhiều năm qua của các thư viện chưa thiết thực, hiệu quả, còn chồng chéo, gây lãng phí thời gian, nguồn lực. Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam nêu kinh nghiệm: “Ở nước ngoài, việc số hóa tài liệu được giao cho một đầu mối. Đầu mối này sẽ nhận kinh phí trực tiếp từ nhà nước, các cá nhân và tổ chức khác nhau, nhờ đó hoạt động điều phối giữa các thư viện không bị chồng chéo, bởi các thư viện thường có nguồn tài liệu lưu trữ giống nhau. Ngoài ra, quy vào một đầu mối sẽ quy chuẩn được các tiêu chí số hóa tài liệu (độ phân giải ảnh chụp tài liệu, cách làm biên mục...), để đến khi cần chia sẻ tài liệu với thư viện các nước ngoài không mất thời gian xử lý lại”.

Những trở ngại để thực hiện Chương trình đã thấy rõ, cho nên cần có một kế hoạch tổng thể bước đầu và tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản như: Xây dựng, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy chuyển đổi số ngành thư viện; xây dựng và phát triển các dự án thuộc Chương trình; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực... Ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết: “Hiện nay, Vụ Thư viện đang soạn thảo kế hoạch triển khai Chương trình, xác định rõ những nhiệm vụ có thể triển khai ngay trong năm 2021; đồng thời cố gắng tập trung hoàn thiện kế hoạch tổng thể trong tháng 3. Vụ Thư viện sẽ bám sát danh mục các nhiệm vụ trọng tâm; xác định nhiệm vụ cụ thể để phân công, triển khai nhiệm vụ đúng người, đúng việc”.

TRẦN HOÀNG HOÀNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bao-dam-cung-ung-dich-vu-moi-luc-moi-noi-654946