Bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa có Công điện gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.

Công điện được ban hành trong bối cảnh giá xăng dầu giảm mạnh 4 đợt liên tiếp trong hơn 1 tháng qua nhưng giá bán hàng hóa, dịch vụ vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay đến hết năm 2022.

Thông tin minh bạch về hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong chấp hành pháp luật về giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phòng chống dịch.

Kịp thời báo cáo Bộ về tình hình biến động giá cả thị trường hàng hóa nói chung và hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những mặt hàng lương thực, thực phẩm, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phòng chống dịch, qua đó có những kiến nghị, đề xuất cụ thể về kiểm soát và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

"Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố triển khai ngay kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay đến hết năm 2022; xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm, bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trên địa bàn được giao quản lý", Công điện nêu rõ.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, trong đó giao Bộ Công thương trong phạm vi, lĩnh vực, thẩm quyền quản lý đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găn hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu trong nước đã qua 20 đợt điều chỉnh giá, trong đó 13 đợt tăng, 7 lần giảm, với mức giảm hơn 6.500 đồng mỗi lít xăng, nhưng đến thời điểm này giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn chưa giảm tương ứng theo giá xăng dầu. Một số mặt hàng thiết yếu, nhất là thịt lợn tăng vọt khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,4%, tăng 3,59% so với tháng 12/2021 và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính CPI tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển do đó tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng.

Bảo Lâm

Nguồn VietQ: https://vietq.vn/bao-dam-cung-cau-hang-hoa-on-dinh-thi-truong-d202814.html