Bảo đảm chất lượng sống tại đô thị

Quá trình phát triển khu chung cư, đô thị mới tại các thành phố lớn đã diễn ra hàng chục năm nay, phần nào đáp ứng nhu cầu về nhà ở của đông đảo người dân.

Tuy nhiên, nhiều bất cập trong công tác quy hoạch và thực hiện, nhất là vào những năm gần đây như mật độ xây dựng quá dày nhưng thiếu các yếu tố tự nhiên như hệ thống cây xanh, khuôn viên, mặt nước,… đang khiến nhiều người lo ngại về chất lượng sống của dân cư tại các khu chung cư nói riêng, cũng như diện mạo của đô thị nói chung.

Tại nhiều đô thị lớn ở nước ta hiện nay, không hiếm gặp cảnh các tòa nhà cao tầng mọc san sát trên cả một đoạn đường kéo dài hàng ki-lô-mét nhưng thiếu hẳn bóng dáng cây xanh. Tại Hà Nội, các chung cư hai bên đường Lê Văn Lương (thuộc quận Cầu Giấy và Thanh Xuân) là thí dụ điển hình. Các tòa chung cư đồ sộ mấy chục tầng được xây sát đường, chỉ chừa lại một đoạn hè nhỏ hẹp. Nhìn rộng ra có thể thấy tình trạng thưa thớt những vườn cây, hàng cây. Mầu xanh của thiên nhiên trở nên hiếm hoi giữa các tòa nhà bê-tông được phủ kín bởi những tấm kính cỡ lớn, hệ thống bảng biển khổng lồ. Những hồ nước, thậm chí các bể nước tạo cảnh quan lại càng ít, hoặc không có. Tình trạng chung ở nhiều nơi là chỉ sơ sài những khuôn viên có diện tích nhỏ hẹp, dăm chiếc ghế đá, năm bảy bụi cây nhỏ, cây bóng mát đang lớn… được mặc định là sân chơi chung cho cả tòa nhà gồm hàng trăm căn hộ, với số dân có khi lên tới cả nghìn người. Nhiều tòa nhà do quá sát đường đông người qua lại nên không gian sống luôn bụi bặm, oi nồng. Chưa kể, không ít tòa nhà chỉ có một khoảng sân chung nhỏ hẹp song lại bị trưng dụng cho dịch vụ trông giữ ô-tô, xe máy, rửa xe, thậm chí là hàng quán lấn chiếm gần hết diện tích.

Hiện trạng trên còn phổ biến tại khá nhiều khu chung cư, đô thị mới tại Hà Nội như: Linh Đàm (quận Hoàng Mai), Văn Khê, Văn Phú (quận Hà Đông); những tòa chung cư hai bên đường nối từ Phùng Hưng - Hà Đông đến Cầu Bươu (huyện Thanh Trì)...

Còn ở TP Hồ Chí Minh, như báo chí từng phản ánh, đã có nhiều chung cư khi xây dựng không lưu tâm phát triển hệ thống cây xanh như thiết kế ban đầu trình phê duyệt, khi xây xong nhà để bán thì chủ đầu tư dường như “vô tình lãng quên”. Một số dự án như Easter City (huyện Bình Chánh), khu đô thị dịch vụ thương mại Nam Long (quận 7), khu dân cư Nam Long (quận 9), Khang Gia Gò Vấp… từng bị dư luận “chỉ mặt, đặt tên” về các bất cập này. Hoặc có chung cư bị báo chí phê phán vì đã coi nhẹ tiện ích của dân cư về cả hạ tầng kỹ thuật lẫn môi trường sống như khu dân cư An Lạc - Bình Trị Đông (quận Bình Tân). Trước bức xúc của cư dân liên quan không gian, môi trường sống tại nhiều khu đô thị mới, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các ban, ngành chức năng vào cuộc bằng hình thức thành lập tổ liên ngành, có chương trình kiểm tra định kỳ việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh tại các dự án khu dân cư. Tuy nhiên, những khu chung cư, đô thị mới thiếu cây xanh, thừa bụi bặm vẫn tiếp tục mọc lên hàng loạt, thậm chí dày đặc hơn, bộc lộ nhiều bất cập trong quy hoạch, xây dựng đô thị hiện nay mà vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Có thể thấy trong quá trình phát triển, khi diện tích đất các đô thị không thể sinh sôi nảy nở thì việc xây dựng hệ thống nhà cao tầng là giải pháp cần thiết, phù hợp. Song điều đó cũng đồng thời đặt ra yêu cầu về không gian xanh tự nhiên, được thể hiện qua những khuôn viên cây xanh, công viên nhỏ, mặt nước,... nhằm tạo sự cân bằng cho môi trường sống. Trước kia, không gian đô thị tại nhiều thành phố lớn chủ yếu là các phố cũ với những dãy nhà thấp tầng; sau đó là sự xuất hiện của các khu căn hộ từ ba đến năm tầng.

Nhưng khi ấy, trên nhiều hè phố đã có sẵn hoặc được trồng thêm các hàng cây. Cùng với đó là những mảnh sân chung giữa các tòa nhà làm nơi sinh hoạt cho người dân, cây cối cũng được chú ý trồng nhiều để tạo bóng mát. Đặc biệt, diện tích mặt nước ao, hồ vẫn còn nhiều, hệ thống sông ngòi được duy trì. Vì thế, nhìn chung không gian xanh của cuộc sống ở đô thị cơ bản được bảo đảm. Song những năm gần đây, các khu chung cư, đô thị mới phát triển với tốc độ quá nhanh dẫn đến tình trạng quá tải về hạ tầng. Việc tạo dựng mầu xanh, bóng mát, không gian chung tại nhiều nơi chưa được coi trọng, tuân thủ nghiêm túc, trở thành một trong các nguyên nhân làm tăng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông.

Thực trạng này ngoài nguyên nhân yếu kém trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị còn có nguồn gốc từ sự ích kỷ, coi lợi nhuận trên hết của không ít chủ đầu tư, dẫn đến hiện tượng tận dụng tối đa diện tích đất để xây nhà cao tầng, bỏ qua yêu cầu phải dành một tỷ lệ tương xứng cho không gian xanh, khuôn viên, mặt nước để bảo đảm sự cân bằng cho môi trường sinh hoạt đô thị. Đồng thời đã và đang xuất hiện những quan điểm hạn chế, sai lầm trong phát triển đô thị khi đề cao và tập trung đáp ứng nhu cầu sống tiện nghi, xa hoa nhưng phụ thuộc tối đa vào vật liệu, máy móc, không coi không gian xanh, khuôn viên, mặt nước là những phương tiện hữu ích từ thiên nhiên giúp cân bằng cuộc sống. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ các hạn chế, bất cập trong chính sách, quy định của pháp luật, định hướng của các ban, ngành chức năng và chính quyền tại một số nơi trong vấn đề quản lý, xây dựng, phát triển đô thị. Theo đó, việc tạo dựng không gian xanh, khuôn viên, mặt nước cho các khu chung cư, đô thị chưa được xác định là yêu cầu cần thiết, hoặc thiếu giám sát, chưa mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện về điều kiện sống của con người.

Ngày nay, chất lượng sống là tổng hòa của rất nhiều yếu tố, không chỉ được quyết định bởi mức thu nhập, hay khả năng đáp ứng nhu cầu vật chất của người dân. Chất lượng sống còn phải được bảo đảm bằng các yếu tố tinh thần, bằng khả năng và điều kiện hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật, thông tin, tri thức của cộng đồng. Cùng với đó là các yếu tố môi trường, tự nhiên, mức độ kết nối của con người với không gian thiên nhiên. Những bất cập, hạn chế trong việc xây dựng các khu chung cư, đô thị mới hiện nay đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến sự bất ổn. Bởi việc sinh sống tại những tòa nhà biệt lập, thiếu không gian sinh hoạt chung để giao tiếp, giao lưu, dễ dẫn đến xu hướng sống khép kín, thiếu sự gắn kết, chia sẻ trong cộng đồng, cũng như dễ tạo điều kiện cho sự gia tăng của lối sống ích kỷ, thực dụng.

Để nâng cao chất lượng sống ở đô thị, trong đó có các khu chung cư, cần triển khai các giải pháp đồng bộ. Như: có quy định cụ thể về vai trò giám sát của cơ quan chức năng, của cộng đồng cư dân đối với trách nhiệm tạo dựng, chăm sóc các hạng mục khuôn viên, cây xanh, mặt nước của chủ đầu tư, cũng như có biện pháp chế tài nếu chủ đầu tư hay đơn vị cung ứng dịch vụ không thực hiện trách nhiệm này. Ngày 3-4-2008, Bộ Xây dựng đã ban hành “QCVN: 01/2008/BXD Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch Xây dựng” theo Quyết định số: 04/2008/QĐ-BXD. Quy chuẩn yêu cầu: “Đất cây xanh sử dụng công cộng trong đơn vị ở tối thiểu phải đạt 2m2/người, trong đó đất cây xanh trong nhóm nhà ở tối thiểu phải đạt 1m2/ người”. Cùng với đó, ở phần “Quy hoạch cây xanh đô thị”, Quy chuẩn phân tích: “Cây xanh sử dụng công cộng (quảng trường, công viên, vườn hoa, vườn dạo..., bao gồm cả diện tích mặt nước nằm trong các khuôn viên các công trình này và diện tích cây xanh cảnh quan ven sông được quy hoạch xây dựng thuận lợi cho người dân đô thị tiếp cận và sử dụng cho các mục đích luyện tập thể dục, thể thao, nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn...).

Đối với các diện tích mặt nước không thường xuyên có nước, cần phải có các giải pháp quy hoạch bảo đảm cảnh quan môi trường khi không có nước”. Cùng với đó, “Các không gian xanh trong đô thị phải được gắn kết với nhau bằng các đường phố có trồng cây và các dải cây để hình thành một hệ thống xanh liên tục. Phải tận dụng đất ven hồ, kênh rạch và mọi khoảng trống có thể được cho cây xanh. Đồng thời, theo Điều 12 Luật Xây dựng năm 2014, một trong các hành vi bị nghiêm cấm là “Xây dựng công trình không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được lựa chọn áp dụng cho công trình”. Qua đây có thể thấy, nếu thực hiện nghiêm túc các quy định này sẽ trực tiếp góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, cải thiện đời sống của cư dân.

Từ thực trạng cho thấy dường như nhiều năm qua, việc rút kinh nghiệm, điều chỉnh trong phát triển đô thị, chung cư vẫn ít được lưu tâm.

Số chung cư tuân thủ đúng quy định về diện tích xây dựng và không gian công cộng không nhiều. Trong khi đó, những khối nhà cao tầng đồ sộ, bề thế vẫn tiếp tục mọc lên san sát nhưng rất thiếu các yếu tố tự nhiên, môi trường cân bằng, hài hòa. Dù điều kiện, hoàn cảnh ở nhiều khu vực, địa bàn đô thị có điểm khác nhau vẫn cần xác định nguyên tắc chung, cơ bản tiên quyết trong việc quy hoạch, xây dựng các khu chung cư, đô thị mới là chất lượng sống của người dân phải luôn được đặt lên hàng đầu. Đây chính là cơ sở để yêu cầu, đòi hỏi các chủ đầu tư phải có trách nhiệm với khách hàng, tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, triệt để ngăn chặn tình trạng khai thác những khu đất nhỏ, hẹp, tận dụng tối đa diện tích đất để xây dựng nhằm thu lợi nhuận, không bảo đảm các không gian sinh hoạt công cộng theo quy định. Thực hiện nghiêm điều này, sẽ góp phần tháo gỡ áp lực từ tình trạng quá tải và nạn ô nhiễm đang có xu hướng ngày càng tăng tại các đô thị vốn đã rất chật chội, bức bối hiện nay.

NGUYỄN QUANG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37968702-bao-dam-chat-luong-song-tai-do-thi.html