Bảo đảm chất lượng sản phẩm và giảm rác thải

Với dân số hơn 10 triệu người, TP Hồ Chí Minh là thị trường có sức tiêu thụ các mặt hàng nông sản rất lớn. Tuy nhiên, khi lượng hàng hóa đổ về các chợ đầu mối của thành phố ngày càng nhiều thì lượng rác thải phát sinh cũng tăng lên.

Điều này vừa gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa gây áp lực lớn cho công tác thu gom và xử lý rác. Vì vậy, sơ chế nông sản tại nguồn trước khi đưa vào thị trường TP Hồ Chí Minh là một vấn đề đang được ngành công thương thành phố rất quan tâm.

Sơ chế tại nguồn sẽ giảm chi phí

Theo quy hoạch phát triển ngành thương mại TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố sẽ đưa sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đến với người tiêu dùng. Qua đó, thành phố không ngừng thúc đẩy giao thương hàng hóa với các địa phương trong cả nước và hướng đến vai trò là trung tâm mua sắm-thương mại quốc tế ở khu vực Đông Nam Á. Để góp phần thực hiện mục tiêu này, ngành công thương TP Hồ Chí Minh bắt đầu bằng việc triển khai công tác sơ chế hàng nông sản tại các tỉnh, thành phố đang phân phối cho 3 chợ đầu mối trên địa bàn: Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn. Đây là những nơi cung ứng hàng hóa cho 236 chợ, 203 siêu thị, 46 trung tâm thương mại và hơn 2.300 cửa hàng bán lẻ hiện đại trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, 3 chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng 9.000 tấn hàng hóa/ngày, trong đó hàng nông sản chiếm tới 80% và thải ra môi trường khoảng 240 tấn rác/ngày, đêm. Ban quản lý các chợ đầu mối hiện phải tốn hơn 8,5 tỷ đồng/năm cho công tác thu gom, vệ sinh, tiêu độc khử trùng, vận chuyển và xử lý rác tại chợ. Thành phố cũng tốn chi phí xử lý lớn khi rác phát sinh từ hoạt động sơ chế là rác hữu cơ mà đáng ra có thể ủ làm phân xanh, tạo chất dinh dưỡng cho đất trồng, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nếu như việc sơ chế được thực hiện tại nguồn thì người nông dân chỉ tốn công chứ không tốn chi phí cho quy trình tạo thành phân bón cho cây trồng.

Trên thực tế, chi phí sơ chế tại 3 chợ đầu mối sẽ cao hơn chi phí sơ chế tại nguồn. Sự chênh lệch này sẽ được cộng dồn vào giá thành sản phẩm hàng hóa đang kinh doanh tại chợ. Các loại chi phí chủ yếu, như: Thuê mặt bằng, thuê nhân công, nước sạch, xử lý rác... Theo ông Nguyễn Nhu, Phó giám đốc Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức: Mỗi ngày, lượng hàng nông sản chưa sơ chế nhập vào chợ Thủ Đức khoảng 3.800-4.000 tấn, những ngày tết lên đến 7.000-7.500 tấn. Cùng với đó, lượng rác thải bình quân khoảng 80-100 tấn/ngày và cần 50 công nhân làm việc từ 4 giờ đến 16 giờ hằng ngày để xử lý rác. Tuy nhiên, chợ chỉ sạch trong khoảng thời gian từ 16 giờ đến 19 giờ, sau đó lượng nông sản tiếp tục nhập vào chợ thì rác lại được xả ra. Vì vậy, việc sơ chế tại nguồn là rất cần thiết".

Hàng nông sản đã qua sơ chế được bày bán trong siêu thị Coo.p mart TP Hồ Chí Minh.

Phối hợp sơ chế để quản lý chất lượng

Việc các hoạt động sơ chế mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành nông nghiệp nước ta. Nhiều mặt hàng do không sơ chế, đóng gói, bảo quản với điều kiện phù hợp ngay sau khi thu hoạch dẫn đến giảm giá trị của sản phẩm, tỷ lệ hao hụt cao, đặc biệt là với các mặt hàng dễ hư hỏng như rau, củ, quả.

Do tỷ lệ hao hụt nông sản cao, người tiêu dùng đang phải trả giá đắt hơn để sử dụng một đơn vị sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, hàng hóa chưa được sơ chế cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến tính hiệu quả của công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng hóa. Điều này vô tình làm khó người tiêu dùng trong việc nhận diện sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của từng địa phương, làm giảm tính cạnh tranh của hàng nông sản...

Để từng bước giải quyết vấn đề này, tại Hội thảo “Giải pháp sơ chế tại nguồn đối với các mặt hàng nông sản cung ứng vào thị trường TP Hồ Chí Minh” mới đây, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh mong muốn các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện tốt công tác sơ chế tại nguồn đối với hàng nông sản. Sở Công Thương thành phố cũng đã nghiên cứu, xây dựng giải pháp và vạch ra lộ trình cụ thể, từng bước thực hiện công tác sơ chế tại nguồn đối với 3 chợ đầu mối. Cụ thể trong thời gian tới, tất cả hàng hóa nông sản thực phẩm của các tỉnh từ miền Tây, miền Đông, miền Trung và phía Bắc nhập vào các chợ phải được sơ chế, phân loại, kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, đóng gói vào bao bì. Sau đó hàng nông sản mới được phân phối trực tiếp vào các chợ bán lẻ, siêu thị, các cửa hàng, các nơi tiêu dùng trên địa bàn thành phố...

LÊ CÚC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bao-dam-chat-luong-san-pham-va-giam-rac-thai-558108