Bảo đảm chất lượng bữa ăn bán trú cho HS dân tộc: Sao cho đủ chất, hợp vị

Hành trình đưa con chữ đến với HS dân tộc có thể bắt đầu từ nhiều cách khác nhau. Một trong những cách làm hiệu quả, thiết thực thời gian qua được nhiều trường PTDTBT áp dụng đó là luôn bảo đảm chất lượng từng bữa ăn bán trú cho HS tại trường.

GV trồng rau củ để tăng cường cho bữa ăn bán trú HS. Ảnh: Thanh Long

GV trồng rau củ để tăng cường cho bữa ăn bán trú HS. Ảnh: Thanh Long

Tăng chất lượng bữa ăn qua mô hình trang trại

Thầy và trò cùng trồng trọt, chăm sóc những vườn rau xanh mướt, các đàn gia súc, gia cầm trong nông trại nhà trường - đó là mô hình giáo dục gắn với lao động sản xuất được nhiều trường học vùng cao áp dụng. Những thành quả được tạo ra từ mô hình này lại quay ngược để phục vụ cho bữa ăn bán trú của HS trong quá trình học tập tại trường.

Với cách làm sáng tạo này, khẩu phần ăn của HS bán trú nhiều trường học đã được nâng cao dinh dưỡng, bảo đảm nguồn thực phẩm. Và đặc biệt, quá trình tham vào lao động sản xuất ngay tại trường học đã giúp HS được học và tích lũy nhiều kiến thức trực tiếp.

Tại vườn rau rộng vài trăm mét vuông, cô Đinh Loan Vân – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận (Quản Bạ - Hà Giang), giới thiệu: Đây là những luống rau xanh đang trong giai đoạn trổ mầm. Từ các loại rau canh như cải, mùng tơi, rau muống… đến các loại rau gia vị đều được trồng đầy đủ. Chỉ vài tuần nữa những luống rau xanh tốt sẽ được thu hoạch và đưa vào bữa cơm cho HS. Để bảo đảm cơ bản số lượng rau xanh, các thầy cô giáo và HS còn chủ động gieo trồng gối vụ, từ rau lá đến các cây củ quả.

Không chỉ dừng lại ở việc trồng rau, GV và HS của trường còn nuôi thêm đàn lợn 5 - 7 con bằng lượng cơm, canh thừa hàng ngày của hơn 200 HS bán trú.

Dẫu chỉ mang dáng dấp một mô hình trang trại nhỏ song hiệu quả thu về bằng kiến thức, kinh tế đối với HS lại không hề nhỏ. Nếu như trước đây, khi mô hình trồng rau nuôi lợn của GV và HS chưa phát triển, nhà trường phải huy động thêm cả việc đóng góp củi lửa, rau xanh của PHHS để bảo đảm tốt hơn bữa ăn bán trú cho HS. Giờ đây, phần lớn rau sạch, thịt lợn sạch được tạo ra từ nuôi trồng trang trại đã giúp nhà trường chủ động cả về số lượng và chất lượng. Giá trị từ mô hình trang trại được chứng minh hiệu quả trong thực tiễn nên GV, HS và PHHS đều tích cực hưởng ứng, ủng hộ nhà trường triển khai.

Nguồn vốn để mua cây và con giống ban đầu đều được nhà trường trích ra từ nguồn quỹ chung. HS các lớp được GV phân công luân phiên chăm sóc tưới rau, cho lợn ăn, vệ sinh chuồng trại.

Cô Vân cho biết thêm: Hiện nay GV, HS nhà trường đã học hỏi và đang thực hiện nuôi lợn bằng cách ủ chua thức ăn không phải nấu cám chín. Qua theo dõi, đàn lợn phát triển nhanh, khỏe mạnh, chất lượng thịt bảo đảm mà không hề thua kém cách nuôi lợn theo phương pháp truyền thống là nấu chín cám. Đến nay, mỗi năm trường có thể thu hoạch từ 2 - 3 lứa lợn, rau xanh thu hoạch theo tuần, tháng. Lượng rau xanh và thịt lợn sạch do chính tay HS và GV tạo ra góp phần ổn định về lượng và chất cho từng bữa ăn bán trú.

Tăng cường chất và lượng cho bữa ăn bán trú HS. Ảnh: Thanh Long

Không để HS bỏ bữa

Tại các trường PTDTBT, HS không chỉ được nhà trường, thầy cô dạy kiến thức mà còn có trách nhiệm chăm sóc từng bữa cơm, giấc ngủ, sức khỏe khi các em sống xa gia đình. Chính vì vậy trách nhiệm của nhà trường và thầy cô đối với mỗi HS vô cùng quan trọng. Làm sao để HS không bỏ bữa, không bỏ dở khẩu phần ăn, uống hợp khẩu vị, qua đó tăng cường sức khỏe cho HS… luôn là trăn trở của Ban Giám hiệu, cán bộ cấp dưỡng khi thông qua và thực hiện thực đơn bữa ăn bán trú.

Các GV đảm nhiệm công tác chủ nhiệm lớp ghép của HS dân tộc Chứt tại Trường PTDTNT Hương Khê (Hà Tĩnh) chia sẻ: Đa số HS dân tộc Chứt khi mới vào trường vẫn theo lối sống lạc hậu, hoang dã. Điều đó thể hiện trong sinh hoạt, ăn ngủ… Ví như, các em thích chạy nhảy, leo trèo, bốc đất, ném đá, đánh lộn nhau. Thậm chí HS leo cây hái quả bàng non ăn ngấu nghiến, hoặc nhai giấy, bút chì như nhai kẹo. Vào nhà ăn tập thể thì ngồi lết dưới đất, bốc thức ăn bằng tay. Trong lớp học chạy nhảy thường xuyên khó ngồi yên một chỗ, nói chuyện riêng bằng tiếng dân tộc…

Những bữa ăn bán trú đúng sở thích hợp khẩu vị HS về cơ bản đã chấm dứt được tình trạng HS bỏ dở bữa, GV không còn phải nhắc nhở chuyện HS đổ cơm thừa hay nhờ bạn ăn hộ. Thậm chí, có nhiều trường hợp HS được ăn hợp khẩu vị còn xin thêm khẩu phần....

Cô Lê Thị Đặng – Hiệu trưởngTrường TH số 1 Mường Mươn

Để giúp HS nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống tại trường lớp nhưng cũng không gây choáng ngợp, khác lạ hoàn toàn… các giáo viên chủ nhiệm tham mưu lên Ban Giám hiệu trường chuyển đổi một số thức ăn mà học sinh dân tộc Chứt thích ăn như ngô nướng, khoai nướng, hoa quả tươi… Tuần nào các em cũng được ăn những thức ăn hợp khẩu vị của mình. Được hướng dẫn và ăn uống no đủ, hợp vệ sinh nên HS dần dần bỏ được thói quen ăn quả xanh, nhai bút chì, giấy vở... Sau thời gian nhập trường, chiều cao và cân nặng của HS phát triển trông thấy, sức khỏe được bảo đảm.

Trường TH số 1 Mường Mươn (Mường Chà – Điện Biên) cũng có số lượng HS dân tộc Thái, Dao bán trú khá đông vì thế thói quen ăn uống của HS cũng thể hiện tập quán, thói quen khá rõ nét. Trong khẩu vị hàng ngày, các em thường ăn nhạt, không ăn chua và không ăn mặn. Mặt khác, các em đặc biệt thích ăn những rau xanh thuộc loại củ, quả…

Ban đầu khi HS mới vào trường, nhân viên cấp dưỡng chưa hiểu được đặc tính thói quen này, cho HS ăn uống như bình thường nên khẩu phần ăn của HS thường bị bỏ dở. Sau một thời gian quan sát và điều tra sở thích HS nhà trường đã có sự điều chỉnh, tăng cường tốt hơn chất lượng các bữa ăn bán trú. Làm sao để những bữa ăn hợp khẩu vị với học sinh nhất nhưng vẫn bảo đảm chất dinh dưỡng. Dù thực phẩm là thịt, cá hay trứng, đậu phụ và rau xanh thì cách chế biến đã hướng tới hợp khẩu vị của các em.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bao-dam-chat-luong-bua-an-ban-tru-cho-hs-dan-toc-sao-cho-du-chat-hop-vi-3999410-b.html