Bảo đảm ATVSTP dịp Tết: Để thực phẩm bẩn 'không còn đất sống'

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân lại tăng cao, đi kèm với đó là nỗi lo về mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Nhằm bảo đảm ATVSTP dịp Tết, các ngành chức năng từ Trung ương tới địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Song, để thực phẩm bẩn “không còn đất sống”, mỗi cá nhân, hộ gia đình cần nâng cao nhận thức, không tham gia vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ... và kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn.

Trung ương thành lập 6 đoàn kiểm tra

Nhằm bảo đảm ATVSTP cho nhân dân đón Tết, vui Xuân, đồng thời góp phần bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm và an sinh xã hội, ngày 25-12-2017, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ban hành Chỉ thị số 09/CT, về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018.

Theo đó, Ban chỉ đạo liên ngành các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về VSATTP cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP. Tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, như: Các chợ, trung tâm thương mại đầu mối; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt và các sản phẩm từ thịt, rau củ quả tươi sống, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, phụ gia thực phẩm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tập trung trên địa bàn. Kết hợp lấy mẫu thực phẩm, ưu tiên xét nghiệm sớm các chỉ tiêu về ATTP. Phát hiện sớm các hành vi vi phạm về ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về ATTP theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cửa khẩu, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu thực phẩm qua biên giới... Các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất, đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn để chủ động cấp cứu và điều trị, điều tra, xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Tổ chức trực chuyên môn 24/24 giờ trong những ngày nghỉ trong dịp Tết và lễ hội.

Tiểu thương chợ Long Biên (quận Ba Đình, TP Hà Nội) vô tư giẫm chân lên thớt thái thịt. Ảnh chụp ngày 6-2-2018.

Cục ATVSTP, Bộ Y tế cho biết: “Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP đã thành lập 6 đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố, gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cà Mau, Kiên Giang, Lạng Sơn và Cao Bằng”.

“Đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Mậu Tuất và các lễ hội như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, phụ gia thực phẩm và các cơ sở dịch vụ ăn uống”, Cục ATVSTP thông tin.

Liên tục triệt phá

Chiều 6-2-2018, Báo cáo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kế hoạch hành động bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản khẳng định: “Vấn đề ATTP đang được kiểm soát khá chặt chẽ, đặc biệt đã giải quyết dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu lạm dụng hóa chất kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đưa tạp chất vào tôm, tiêm thuốc an thần cho gia súc trước khi giết mổ... Trong năm, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công an phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ tại lò mổ Xuyên Á, TP Hồ Chí Minh (xử phạt hành chính 320 triệu đồng và tiêu hủy hơn 3.000 con heo); tổ chức thanh tra, kiểm tra 293 cơ sở, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 3,9 tỷ đồng đối với 100 cơ sở bơm chích tạp chất, sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất...”.

Hình ảnh vô cùng mất vệ sinh tại chợ Long Biên (quận Ba Đình, TP Hà Nội). Ảnh chụp ngày 6-2-2018.

Trước đó, ngày 3-2-2018, các trinh sát Đội 6, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) Số 17 (Chi cục QLTT TP Hà Nội) và Công an huyện Đông Anh tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh, chế biến sản phẩm động vật của ông Nguyễn Hữu Doanh (sinh năm 1968, ở thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh). Thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện các công nhân tại cơ sở đang ngâm tẩm ô-xi già (dùng để vệ sinh dụng cụ y tế) vào hàng tạ thịt, tai lợn để chế biến bán ra thị trường. Cùng ngày, lực lượng liên ngành trên phát hiện cơ sở kinh doanh của ông Nguyễn Năng Ngọc (sinh năm 1968, ở thôn Cổ Điển, xã Hải Bối) đang hoạt động, ngâm tẩm gân trâu, bò với bột tẩy trắng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tại TP Hồ Chí Minh, ngày 3-1-2018, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất giò chả Ngọc Châu (ấp Nam Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) do ông Lê Đình Sơn làm chủ. Thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không chứng minh được nguồn gốc các nguyên liệu như tai heo, da heo cơ sở đưa vào chế biến; phát hiện 2 container ở khu vực bãi giữ xe gần đó chứa gần 27 tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng do ông Lê Đình Sơn làm chủ hàng. Ngày 4-1-2017, Đội Quản lý An toàn thực phẩm số 4 (Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh) phát hiện cơ sở chế biến thực phẩm tại số nhà 4B, đường Trung Mỹ Tây 13 (tổ 82, khu phố 3, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12) do ông Nguyên Văn Quảng làm đại diện sử dụng chất tẩy trắng H2O2 trong chế biến thực phẩm.

Mỗi người tiêu dùng hãy là một giám sát viên

Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế, để hạn chế và từng bước đẩy lùi được nguy cơ mất vệ sinh ATTP, yêu cầu đặt ra là phải có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, các cơ quan truyền thông cùng chính quyền địa phương trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP.

“Bộ luật Hình sự hiện nay đã có thêm chế tài quy định, tất cả cá nhân, tổ chức nào cố tình sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm hoặc trong chăn nuôi, trồng trọt, đều sẽ bị xử lý hình sự. Quy định này đã giúp các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội Nguyễn Ðắc Lộc cho biết.

Song, để thực phẩm bẩn “không còn đất sống”, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi cá nhân, hộ gia đình cần nâng cao nhận thức, không tham gia vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ... kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn; mỗi người tiêu dùng hãy là một giám sát viên, cùng đấu tranh với các hành vi vi phạm chất lượng, vệ sinh ATTP.

Bài và ảnh: HOÀNG HẢI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/bao-dam-atvstp-dip-tet-de-thuc-pham-ban-khong-con-dat-song-531151