Bảo đảm an toàn đê điều trong mùa mưa lũ

Thời gian qua, công tác xử lý vi phạm pháp luật đê điều đã được các địa phương quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, không ít tuyến đê vẫn bị xâm hại, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các sự cố đê điều, đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Khu vực thường xuyên bị đổ trộm rác thải trước đây được phường Yên Nghĩa (Hà Đông) cải tạo, chỉnh trang sạch đẹp. Ảnh: KIM NHUỆ

Khu vực thường xuyên bị đổ trộm rác thải trước đây được phường Yên Nghĩa (Hà Đông) cải tạo, chỉnh trang sạch đẹp. Ảnh: KIM NHUỆ

Thời gian qua, công tác xử lý vi phạm pháp luật đê điều đã được các địa phương quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, không ít tuyến đê vẫn bị xâm hại, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các sự cố đê điều, đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Nhiều năm nay, khu vực đê tả Đáy, nhất là đoạn giáp ranh giữa địa bàn phường Yên Nghĩa và phường Đồng Mai (quận Hà Đông) thường xuyên diễn ra tình trạng tập kết phế liệu, đổ trộm phế thải xây dựng, rác thải sinh hoạt, trong đó có nhiều loại giường tủ, bàn ghế gỗ cũ, hỏng, gây nhếch nhác cảnh quan, ô nhiễm môi trường, bức xúc dư luận. Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, vừa qua, UBND quận Hà Đông và UBND phường Yên Nghĩa đã hợp đồng với đơn vị vệ sinh để vận chuyển rác thải tồn đọng, lập dự án đầu tư cải tạo đường hành lang chân đê, phát quang cây cỏ dại, vệ sinh môi trường và trồng hoa tạo cảnh quan môi trường. Đồng thời, UBND phường Yên Nghĩa lắp đặt biển cấm, ca-mê-ra giám sát và tổ chức lực lượng tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm đê điều. Theo đại diện UBND phường Yên Nghĩa, tuyến đê nằm trong khu vực giáp ranh giữa hai phường, khuất trong khu dân cư, vì thế, UBND phường đã giao cho Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tự quản từng vị trí đê; tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên cùng tham gia bảo vệ đê, thực hiện các biện pháp gìn giữ, bảo vệ môi trường. Nhờ đó, đến nay tuyến đê có sự thay đổi rõ rệt. Mặt đê được thảm nhựa bằng phẳng. Mái đê sạch sẽ, cỏ dại được phát quang và trồng hoa đẹp mắt. Việc sử dụng mái đê để trồng rau màu của người dân cũng chấm dứt.

Đại diện Chi cục Đê điều và phòng, chống lụt bão Hà Nội cho biết, trong năm 2019 và bốn tháng đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố xảy ra hơn 120 vụ vi phạm pháp luật đê điều, trong đó có nhiều vi phạm quy mô lớn như xây dựng công trình rộng hàng nghìn mét vuông trong hành lang thoát lũ tại xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên); đóng cọc bê-tông cốt thép, đổ sàn bê-tông đặt máy cẩu hàng hóa trên kè Sen Chiểu, Phương Độ (huyện Phúc Thọ)... Các vi phạm được lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản sớm và số lượng các vụ vi phạm cũng giảm đáng kể so với các năm trước. Sau khi thiết lập hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp các sở, ban, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã xử lý được gần 80 trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm đê điều của các địa phương vẫn chủ yếu dừng lại ở việc lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, chưa xử lý, giải tỏa dứt điểm các vi phạm, hoặc tổ chức, cá nhân vi phạm đã nhận trách nhiệm và xin tự xử lý, nhưng tiến độ thực hiện chậm trễ. Phó Chi cục trưởng Đê điều và phòng, chống lụt bão Hà Nội Trần Thanh Mẫn lo ngại, nếu các địa phương không kiên quyết giám sát, xử lý triệt để các vi phạm sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn đê điều trong mùa mưa bão. Điển hình như các vi phạm đê điều tại xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ); các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm (huyện Đông Anh); xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên). Trong khi đó, mùa mưa bão năm nay trên các tuyến đê Vân Cốc, tả Đuống, hữu Hồng, hữu Cầu còn bốn vị trí đê điều trọng điểm, gồm: Cụm công trình cống Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ); cụm công trình đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu (huyện Đông Anh); cụm công trình cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) và cụm công trình đê, kè, cống trên đê hữu Cầu (huyện Sóc Sơn). Ngoài ra, trên các tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng, hữu Đuống, tả Đuống, đoạn đi qua các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thường Tín, Phú Xuyên, Gia Lâm và các quận: Long Biên, Hoàng Mai còn 12 vị trí đê điều xung yếu.

Thực hiện kế hoạch phòng, chống lụt bão, thời gian qua TP Hà Nội đã tăng cường đầu tư các công trình thuộc diện quản lý hành lang chân đê, nâng cấp, gia cố mặt đê; phòng, chống việc lấn chiếm và tái lấn chiếm. Thành phố cũng chủ động công bố tình trạng khẩn cấp nhiều sự cố sạt lở bờ sông và giao trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương lập phương án xử lý, biện pháp khắc phục sự cố khẩn cấp để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Đánh giá về hiện trạng công trình chống lũ trong mùa mưa bão năm nay, đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Ủy viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết, thực hiện Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 2-5-2020 của UBND thành phố về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị của thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án. Tất cả 16 vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu trên hệ thống đê điều thành phố đều đã được lập kế hoạch, phương án bảo vệ, bảo đảm an toàn theo từng mức báo động lũ. Các sự cố sạt lở bờ sông được khoanh vùng, kiểm soát chặt chẽ và có kế hoạch khắc phục cụ thể.

Mặc dù đã rất chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão, tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, UBND thành phố cần chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương xử lý dứt điểm các vi phạm đê điều; kiên quyết không để phát sinh các vi phạm mới. Đồng thời, chủ động xây dựng và thực hiện các phương án phòng, chống lụt bão theo phương châm “bốn tại chỗ”, nhất là tại các vị trí trọng điểm, xung yếu, các vị trí sạt lở khẩn cấp, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong mùa mưa bão.

MINH VÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/44822902-bao-dam-an-toan-de-dieu-trong-mua-mua-lu.html