Bảo đảm an toàn cho trẻ em - trách nhiệm đầu tiên thuộc về gia đình

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích… ở trẻ em đã xảy ra trên phạm vi cả nước. Chiều 11-6, trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới về vấn đề bảo đảm an toàn cho trẻ, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho rằng, để trẻ em được sống, học tập trong môi trường an toàn, luôn cần sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm từ nhiều ngành, nhiều phía, trong đó trách nhiệm đầu tiên thuộc về gia đình.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam.

- Ông có thể cho biết rõ lý do vì sao gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ em?

- Từ xưa đến nay, gia đình được ví như tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội sẽ phát triển và ngược lại. Hơn nữa, nội dung các quy định của pháp luật hiện hành cũng đặc biệt đề cao vai trò của gia đình đối với hoạt động chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Trong một số trường hợp đặc biệt, trẻ em sẽ được đưa đến chăm sóc, nuôi dưỡng tại các gia đình thay thế.

Theo hướng này, các cơ quan chức năng đã quan tâm xây dựng mạng lưới chăm sóc, bảo vệ trẻ em từ cơ sở, bắt đầu từ gia đình. Trong đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm đời sống cho các gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo hoặc không may gặp rủi ro, thiên tai; gia đình có trẻ em bị khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo... Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch chú trọng xây dựng mô hình gia đình văn hóa. Ngành Y tế thường xuyên quan tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em…

- Như ông vừa trao đổi thì mạng lưới chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã được thiết lập đến từng gia đình. Trong khi đó, số vụ việc xảy ra đối với trẻ em có xu hướng tăng, diễn biến ngày càng phức tạp, đối tượng làm hại trẻ em chủ yếu là bố, mẹ, người thân, quen, người có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ. Vậy, ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

- Từ kinh nghiệm tham gia quy trình giải quyết, xử lý các vụ việc xảy ra đối với trẻ em, tôi nhận thấy, nhiều người lớn, kể cả những người có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em còn thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng ứng xử, giao tiếp, chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Công tác tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em từ mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng còn hạn chế.

Nguyên nhân khác là nguồn lực đầu tư cho công tác trẻ em chưa đáp ứng được nhu cầu. Hệ thống chính sách, pháp luật bảo vệ trẻ em tuy tương đối đầy đủ, nhưng chế tài xử lý các hành vi vi phạm còn chưa đủ sức răn đe. Đáng nói hơn, việc thực thi các chính sách pháp luật về trẻ em còn thiếu sự quan tâm, chủ động vào cuộc ở một số đơn vị, địa phương. Điều đó lý giải vì sao, rất hiếm gia đình không thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em (chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự) bị xử phạt vi phạm hành chính.

- Theo ông, những cá nhân, gia đình không có đủ năng lực để bảo đảm an toàn cho trẻ em nên được xử lý ra sao?

- Việc xử lý các đối tượng có hành vi xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đã được quy định rõ ràng trong nhiều bộ luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Cụ thể, Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ, khi bố, mẹ không có năng lực bảo vệ con, tức là để con bị xâm hại từ bên ngoài hoặc chính bản thân bố, mẹ có hành vi xâm hại con…, thì trẻ em sẽ được cách ly khỏi bố, mẹ. Quy trình cách ly để chuyển sang chăm sóc thay thế đã được thiết lập rõ ràng, trong đó Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn là người có vai trò quyết định quy trình cách ly trong thời gian 15 ngày. Sau 15 ngày vụ việc không được giải quyết triệt để, Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn sẽ chuyển hồ sơ vụ việc lên tòa án cấp quận, huyện, thị xã đề nghị tiếp tục giải quyết.

Đặc biệt, tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng các quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em…

Như vậy, theo các quy định của pháp luật hiện hành, tất cả các vụ việc làm ảnh hưởng đến trẻ em đều có thể giải quyết đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm.

Chẳng hạn, với vụ việc học sinh một trường trung học cơ sở ở Hải Dương bị điện giật khi nhà trường phân công trèo cây thông chặt tỉa cành, dẫn đến tử vong xảy ra đầu tháng 5-2020, thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là hiệu trưởng nhà trường. Vụ việc người mẹ nhẫn tâm vứt bỏ con sơ sinh giữa trời nắng nóng như đổ lửa ở xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây gây bức xúc dư luận xã hội những ngày gần đây sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, bị mất quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu bé trong thời điểm hiện tại, kể cả trường hợp người mẹ này mong muốn xin được nuôi con để chuộc lỗi lầm…

- Nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em, theo ông các bên liên quan cần làm gì?

- Trước hết, tôi mong muốn mỗi người dân, gia đình quan tâm, chăm sóc bằng tình yêu thương và trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Nếu phát hiện thấy hành vi, vụ việc làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sự phát triển của trẻ, người dân hãy lên tiếng phản ánh, tố giác. Các địa phương, đặc biệt là Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tham gia chặt chẽ hơn vào quy trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác trẻ em.

Trong quá trình sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em, các cơ quan chức năng nên tăng nặng hình phạt, nhằm tạo ra hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ trẻ em. Về phía Cục Trẻ em, chúng tôi tiếp tục kiến nghị nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi, lên dưới 18 tuổi; đồng thời phối hợp với các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp tư vấn, hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vấn đề xảy ra với trẻ em.

Nhân Tháng Hành động vì trẻ em (diễn ra từ ngày 1 đến 30-6), một lần nữa tôi hy vọng các cấp, các ngành chức năng và mỗi người dân trong cộng đồng luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/969848/bao-dam-an-toan-cho-tre-em---trach-nhiem-dau-tien-thuoc-ve-gia-dinh