Bảo đảm an toàn cho du khách tại các điểm đến: Cẩn trọng không thừa

Dịch vụ du lịch ở "phố cà phê đường tàu": Không thể kinh doanh theo kiểu "đùa với tử thần"

(HNM) - Việc giải tán “phố cà phê đường tàu” ở khu vực quận Hoàn Kiếm mới đây cho thấy sự cần thiết phải ngăn chặn nguy cơ gây mất an toàn tại các địa điểm thu hút khách du lịch trên địa bàn Hà Nội. Cẩn trọng là không thừa, khi thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật để ngăn chặn những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra do sự chủ quan, coi thường tính mạng của người trong cuộc.

“Phố cà phê đường tàu” khu vực quận Hoàn Kiếm từng gây mất an toàn cho khách du lịch. Ảnh: Quốc Tuấn

Còn nhiều nguy cơ mất an toàn

Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách khi đến Hà Nội, chính quyền và các cơ quan chức năng từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã đã, đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn những nguy cơ có thể gây mất an toàn cho du khách. Tuy nhiên, ở không ít khu du lịch, điểm vui chơi trên địa bàn thành phố vẫn có nguy cơ xảy ra mất an toàn cho khách.

Gần đây, vào đầu tháng 10-2019, các lực lượng chức năng đã ra quân rào chắn, cảnh báo du khách tại khu vực “phố cà phê đường tàu”, đoạn từ phố Trần Phú đến phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm). Đến chiều 15-10, các địa điểm này hầu như vắng bóng du khách, khác hẳn với thực trạng hơn một tuần trước đó, khi du khách, trong đó có nhiều khách nước ngoài, ngồi uống nước, cà phê… la liệt trên hoặc sát đường tàu để tận hưởng “cảm giác mạnh”. Anh Tạ Trung Kiên, hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội cho rằng, việc dừng hoạt động các quán cà phê sát đường tàu là hoàn toàn hợp lý. Mặc dù, du khách thích đến những địa điểm lạ và độc, nhưng uống cà phê bên đường tàu như vậy là không bảo đảm an toàn cho du khách.

Ở khu vực “phố cà phê đường tàu” thì như vậy, còn trên đường tàu gần Ga Long Biên, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm vẫn còn du khách chụp ảnh ngay trên đường ray. Ngay dưới cầu Long Biên, ở bãi giữa sông Hồng cũng là địa điểm thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Anh Trần Văn Quốc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, đã từng thấy nhiều nhóm khách nước ngoài đến cuối bãi giữa sông Hồng ngồi uống bia với nhau. “Lỡ họ nổi hứng, nhảy xuống sông Hồng để bơi thì rất dễ xảy ra tai nạn” - anh Trần Văn Quốc nói.

Đặc biệt, sự việc đau lòng xảy ra ở một điểm vui chơi có sử dụng xe đạp vịt tại xã Lại Yên (huyện Hoài Đức) vừa qua tiếp tục là lời cảnh báo về việc tự ý kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Khoảng 21h ngày 14-10-2019, điểm vui chơi này vẫn cho khách chơi trên hồ bằng xe đạp vịt nên khi xảy ra tai nạn trở tay không kịp, khiến 2 cháu nhỏ bị chết đuối.

Rõ ràng, ở các địa điểm vui chơi, du lịch tự phát hay có sự quản lý của Nhà nước đều có thể xảy ra nguy cơ mất an toàn. Song, hầu hết điểm đến, điểm vui chơi có sự quản lý nhà nước, thì có ý thức giữ an toàn cho du khách hơn. Chẳng hạn, tại điểm vui chơi Lai Farm (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì), có dịch vụ chèo thuyền, nhưng khi tham gia dịch vụ, du khách đều phải mặc áo phao. Nếu du khách không mặc áo phao, nhân viên ở đây kiên quyết không cho xuống thuyền. Hay như ở Công viên Thủ Lệ, Bến thuyền hồ Trúc Bạch… khi trời sắp tối, đơn vị quản lý sẽ thông báo để khách trả xe đạp vịt, phòng tránh nguy cơ mất an toàn khi trời tối.

Tôn trọng quy định

Trong thời gian vừa qua, ngành Du lịch và các đơn vị chức năng luôn đề cao công tác tuyên truyền, giám sát khâu bảo đảm an toàn cho du khách tại các điểm vui chơi, điểm đến du lịch. Việc kiểm tra định kỳ hay đột xuất với sự phối hợp liên ngành Du lịch, Giao thông - Vận tải, Công an… cũng được thực hiện.

Gần đây, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục gửi văn bản đến các địa điểm, cơ sở hoạt động du lịch có bể bơi, vui chơi dưới nước, các cơ sở hoạt động du lịch có sông, hồ, suối, thác yêu cầu phải bảo đảm các tiêu chí, quy trình hoạt động theo đúng quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đơn vị quản lý dịch vụ phải xây dựng quy trình, phương án cứu hộ bảo đảm an toàn cho khách du lịch; bố trí lực lượng cứu hộ trực tại những vị trí nguy hiểm…

Việc phát triển du lịch phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn cho du khách. Ảnh: Thái Hiền

Chánh Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội Vũ Công Huy cho rằng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng như khách tham gia cần tôn trọng các quy định của cơ quan chức năng. Trong đó, sự nghiêm túc thực hiện của các cơ sở kinh doanh dịch vụ là rất quan trọng, bởi qua đó sẽ điều chỉnh hành vi của du khách. Bản thân du khách cũng phải có ý thức bảo đảm an toàn cho chính mình, nhất là khi tham gia vui chơi, trải nghiệm ở các khu vực núi, sông, nước…

Theo ông Lương Văn Tuân, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Beauty Tours, với những địa điểm chưa được chính thức khai thác làm du lịch, nhưng lại được du khách hay lui tới như khu vực bãi giữa sông Hồng, cần có sự quản lý chặt chẽ và có lắp đặt hệ thống biển cảnh báo. Còn theo ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, sau khi xử lý cần phải duy trì kiểm tra, ngăn chặn để không tái diễn vi phạm.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, đối với những điểm du lịch mới, lạ có những yếu tố hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu của du khách đều được khuyến khích, song phải theo quy hoạch phát triển du lịch và phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

“Việc bảo đảm an toàn tại địa điểm thu hút khách du lịch cần được coi trọng, không thể để xảy ra tình trạng hoạt động tự phát. Chỉ như vậy mới nâng cao được hình ảnh, sự quảng bá về Thủ đô cũng như đất nước, con người Việt Nam”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/du-lich/948189/bao-dam-an-toan-cho-du-khach-tai-cac-diem-den-can-trong-khong-thua