Bảo đảm an toàn cho bác sĩ

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Công an về tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện, sau liên tiếp vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ. Hơn lúc nào, tính mạng các y, bác sĩ phải được bảo vệ để yên tâm cứu chữa người bệnh.

Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh), tối 27/7, trong khi đang ngồi chờ liên hệ với bác sĩ tai mũi họng để nội soi gắp xương cá cho một bệnh nhi thì bác sĩ PHT bất ngờ bị bố em bé xông vào tấn công, đẩy vào tường và bóp cổ. Đáng chú ý, trước đó vài tháng, bác sĩ T cũng bị 2 người khác tấn công, dọa giết khi đang trực ở phòng cấp cứu.

Cũng tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trưa 6/8, tiếp tục xảy ra một vụ bác sĩ bị hành hung khi đang làm nhiệm vụ. Người nhà yêu cầu nhân viên y tế dắt bệnh nhân bị suy hô hấp nặng đi vệ sinh nhưng không được nên bất ngờ dùng dao bấm lao vào đâm bác sĩ đang tham gia cấp cứu mẹ mình. May mắn là bác sĩ phát hiện và né tránh kịp thời.

Trước đó, ngày 30/7, tại khoa chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, một số bệnh nhân cầm dao đuổi nhân viên y tế…

Trên đây mới chỉ là một số vụ bạo hành nhân viên y tế mà báo chí nêu. Có thể ở nhiều bệnh viện, sự việc được ngăn chặn kịp thời hoặc đơn giản không muốn phiền hà, báo cáo với cấp trên mà các bệnh viện đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Ở nhiều khoa, phòng, nhất là những khoa cấp cứu, cảnh người nhà bệnh nhân ùn ùn kéo đến, người thì cởi trần, xăm trổ, người thì mùi rượu nồng nặc, khi được bảo vệ, y bác sĩ nhắc và ngăn cản không cho vào là lập tức chửi bới, văng tục, đe dọa… không phải là chuyện hiếm gặp. Những lúc như thế, y bác sĩ vừa phải lo cứu chữa người bệnh, vừa bị ức chế tâm lý, cảm thấy bị xúc phạm, thậm chí sỉ nhục, không an toàn và chỉ sơ sẩy lời ăn tiếng nói một chút là có thể bị tấn công bất cứ lúc nào.

Một khi bác sĩ làm việc trong môi trường không an tâm, an toàn thì người bệnh sẽ bị chịu ảnh hưởng nhất. Đặc biệt, ở những phòng cấp cứu, có khi chỉ vài phút đã có thể cứu sống được mạng người, trong khi cứ phải giải thích hoặc nghe những lời lẽ xúc phạm, tấn công, đe dọa từ người nhà bệnh nhân, họ khó có thể tập trung 100% sức lực để cứu chữa người bệnh.

Bảo đảm cho nhân viên y tế yên tâm công tác chính là phương pháp tốt nhất để người bệnh có được sự chăm sóc chu đáo, đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác điều trị. Và như vậy, cần một sự bảo vệ đủ mạnh từ lực lượng công an, bảo vệ chuyên nghiệp đối với những “điểm nóng” là các khoa cấp cứu, mổ hay nội soi… Với những vụ việc nổi cộm, đưa ra xét xử công khai để tăng tính răn đe.

Cùng đó, các bệnh viện, y, bác sĩ, nhân viên y tế cũng cần thay đổi, mềm dẻo hơn khi tiếp xúc, giải thích rõ tình trạng với người nhà bệnh nhân, để tránh bị hiểu lầm không quan tâm hay không được thăm khám kịp thời. Có như vậy mới giảm các vụ hành hung bác sĩ, bảo đảm an toàn, an tâm trong bệnh viện.

Hồng Tâm

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/388890/bao-dam-an-toan-cho-bac-si.html