Bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi

Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi (NCT) luôn là nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Nhiều chính sách thiết thực được ban hành; các chương trình và đề xuất hệ thống giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho NCT cũng đang được triển khai.

Già hóa dân số đã trở thành xu thế toàn cầu. Từ năm 2011, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ lệ người trên 65 tuổi là 7% dân số (tương đương 10% số người trên 60 tuổi). Cả nước hiện có khoảng 11,4 triệu NCT. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, giai đoạn năm 2045 đến 2050 Việt Nam sẽ trở thành nước dân số siêu già (khi tỷ lệ người 65 tuổi là 30% trở lên). Từ năm 1960, khi tuổi thọ trung bình của thế giới là 48 tuổi thì tuổi thọ trung bình của dân số Việt Nam là 40 tuổi. Thế nhưng, đến năm 2016, trong khi tuổi thọ bình quân của dân số thế giới là 70,15 tuổi thì tuổi thọ bình quân của Việt Nam đã tăng cao và đạt 73,4 tuổi. Dự báo cho thấy già hóa dân số ở nước ta tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới và sẽ trở thành vấn đề lớn nếu Việt Nam không chuẩn bị trước một hệ thống an sinh xã hội tốt dành cho người già thông qua cải cách hệ thống bảo trợ xã hội, mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế và khuyến khích các đơn vị sử dụng lao động tạo việc làm và môi trường làm việc phù hợp với NCT để họ có ích hơn.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thông tin và dữ liệu, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Quốc Anh cho biết, chất lượng cuộc sống NCT được đánh giá dựa trên các yếu tố: tuổi thọ bình quân khỏe mạnh; tình hình bảo hiểm y tế đối với NCT; hệ thống khám, quản lý sức khỏe và y tế cho NCT... Tuổi thọ bình quân khỏe mạnh hay tuổi thọ không bệnh tật là tiêu chí quan trọng phản ánh chất lượng cuộc sống NCT, đi kèm theo đó là các chính sách ưu đãi, chăm sóc. Bảo hiểm y tế tăng có ý nghĩa rất quan trọng đối với NCT, số lượng người nhận bảo hiểm y tế được bao phủ rộng hơn và tăng lên từng năm, thế nhưng NCT vẫn còn gặp khó khăn nhất định khi đi khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế từ khả năng chi trả và khả năng tiếp cận dịch vụ do mô hình sử dụng dịch vụ y tế ở các tuyến khác nhau.

Mạng lưới khám, chữa bệnh cho NCT hiện đang được thực hiện lồng ghép trong hệ thống y tế từ Trung ương đến địa phương. Bệnh viện Lão khoa Trung ương là đơn vị tuyến cuối cùng về khám, chữa bệnh; tại các địa phương, từ đầu năm 2017 có hơn 70 bệnh viện các tuyến đã thành lập khoa lão, khoa lão ghép hoặc đơn nguyên khoa lão, nhưng rất ít đơn vị hoạt động theo đúng nghĩa dành cho NCT. Theo thống kê, năm 2017, có 792.430 NCT được khám sức khỏe định kỳ tại trạm y tế xã.

Ở nước ta những năm gần đây đã hình thành một số mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc dài hạn cho NCT, như: Mô hình chăm sóc dài hạn NCT tại cộng đồng; Mô hình chăm sóc NCT tại gia đình miễn phí dựa trên tình nguyện viên; Mô hình chăm sóc NCT tại nhà trả công. Thế nhưng, công tác chăm sóc và phát huy vai trò của NCT ở nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số. Điều này tạo không ít khó khăn trong việc hoạch định chính sách đối với NCT.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT trong bối cảnh già hóa dân số, Việt Nam cần sớm đưa nội dung nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là nội dung nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT, vào luật ngay từ giai đoạn dân số trẻ hoặc già hóa dân số để đáp ứng thực trạng NCT. Củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh cho họ.

PGS, TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chia sẻ: Gia đình vẫn là môi trường có vai trò quan trọng nhất quyết định đến yếu tố tinh thần của NCT, tuy nhiên, để có một không gian thật sự lành mạnh cần tăng cường hơn nữa sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức xã hội nhằm xây dựng môi trường thân thiện từ chính nơi sinh sống. Ban hành các bộ tiêu chí đánh giá, như bộ tiêu chí xã, phường thân thiện với NCT, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho NCT. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, giám sát thực hiện nâng cao chất lượng cuộc sống NCT Việt Nam. Nâng cao chất lượng cuộc sống về đời sống tinh thần, thể chất và tham gia hoạt động xã hội tạo điều kiện NCT phát huy vai trò và kinh nghiệm của mình trong các lĩnh vực đời sống xã hội, tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phù hợp với nhu cầu, khả năng; thực hiện sự bình đẳng trong thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản để NCT thấy họ luôn có ích. Cùng với đó, đẩy mạnh khai thác các đề tài nghiên cứu khoa học về chất lượng cuộc sống của NCT trên quy mô quốc gia và những vùng, nhóm NCT đặc thù. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT thích ứng với già hóa dân số góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT.

NINH CƠ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44320202-bao-dam-an-sinh-xa-hoi-cho-nguoi-cao-tuoi.html