Bảo đảm an ninh vắc xin

Để bảo đảm an ninh vắc xin tại Việt Nam, Bộ Y tế vừa đưa thêm một vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bộ Y tế khảo sát tiêm chủng tại tỉnh Hà Tĩnh Ảnh: Sở Y tế Hà Tĩnh cung cấp.

Bộ Y tế khảo sát tiêm chủng tại tỉnh Hà Tĩnh Ảnh: Sở Y tế Hà Tĩnh cung cấp.

Trong chương trình tiêm mở rộng, Bộ Y tế có bổ sung thêm một vắc xin 5 trong 1 mới tương tự như Quinvaxem, ComBe Five đã và đang được sử dụng tại Việt Nam.

Ông Đặng Đức Anh khẳng định, vắc xin này do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất, có thành phần kháng nguyên giống như các vắc xin Quinvaxem và ComBe Five. Vắc xin này ngừa 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib, trong đó thành phần ho gà là toàn tế bào. Các phụ huynh nên yên tâm vì vắc xin đã đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

“Việc đưa thêm vắc xin mới vào sử dụng trong chương trình TCMR nhằm bảo đảm an ninh vắc xin ở Việt Nam. Như vậy, ngành Y tế sẽ không bị phụ thuộc quá nhiều vào các nhà sản xuất. Chúng ta đã có thời gian bị động trong vấn đề cung cấp vắc xin cho người dân khi nhà cung cấp ngừng sản xuất.

Thực tế lượng vắc xin ComBE Fiveso với nhu cầu mới đạt khoảng 60 - 70%. Đưa thêm một vắc xin vào chương trình nhằm giúp Việt Nam chủ động về nguồn cung ứng cho tiêm chủng”, ông Đặng Đức Anh, Giám đốc Dự án tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ.

Việc nhiều trẻ không tiêm chủng do cha mẹ e ngại phản ứng sau tiêm và chờ vắc xin dịch vụ cũng sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng. Tỷ lệ tiêm chủng thấp, không đủ người có miễn dịch trong cộng đồng, mầm bệnh dễ dàng lan tràn. Khi đó, tất cả những người chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh, bất kể những người “sống thuận theo tự nhiên” hay không. Những trẻ nhỏ chưa đủ điều kiện để tiêm chủng (chưa đến tuổi tiêm chủng, trẻ đang mắc bệnh nặng, trẻ trong giai đoạn tạm hoãn tiêm chủng, trẻ chống chỉ định tiêm vắc xin) sẽ bị tấn công với tỷ lệ biến chứng và tử vong cao. Chỉ có miễn dịch đặc hiệu với từng bệnh mới giúp trẻ không mắc bệnh đó.

Dự kiến, vắc xin mới này sẽ bắt đầu được đưa vào tiêm ở quy mô nhỏ tại 5 tỉnh thành miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên từ tháng 5/2019. Nếu theo đúng kế hoạch, vắc xin này sẽ được đưa vào tiêm chủng rộng rãi cùng với ComBE Five trong năm 2019.

Trước đó, vắc xin ComBE Five đã sử dụng khoảng 300 đến 400 nghìn liều từ tháng 12/2018, tỉ lệ gặp phản ứng nặng sau tiêm khoảng 0,05% và đã có những ý kiến đề nghị bổ sung vắc xin tương tự vào chương trình.

Bộ Y tế vẫn sẽ tiếp tục triển khai tiêm vắc xin ComBE Five trong Chương trình TCMR cùng với vắc xin mới.

Trao đổi với Báo GD&TD, ông Đặng Đức Anh cho biết: Nếu cha mẹ không cho trẻ đi tiêm, trẻ sẽ có thể mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và lây lan ra cộng đồng.

Đưa trẻ đi tiêm là trách nhiệm của gia đình để bảo vệ sức khỏe của chính con em mình và cộng đồng. Trẻ sẽ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cao hơn so với những cháu được tiêm phòng vắc xin. Khi trẻ mắc bệnh sẽ trở thành nguồn lây ảnh hưởng tới những cháu nhỏ khác trong cộng đồng.

Minh Châu

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/bao-dam-an-ninh-vac-xin-3997752-b.html