Bảo đảm an ninh nguồn nước

Giá nước sạch sinh hoạt mới áp dụng từ ngày 15-11 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cao hơn mức cũ 6%. Ðơn giá cao nhất là 12.100 đồng/m3, áp dụng với định mức sử dụng nước hơn 6 m3/người/tháng…

Bể chứa nước sạch của Nhà máy nước BOO Thủ Đức 3 với công nghệ xử lý tiên tiến.

Bể chứa nước sạch của Nhà máy nước BOO Thủ Đức 3 với công nghệ xử lý tiên tiến.

Giá nước sạch sinh hoạt mới áp dụng từ ngày 15-11 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cao hơn mức cũ 6%. Ðơn giá cao nhất là 12.100 đồng/m3, áp dụng với định mức sử dụng nước hơn 6 m3/người/tháng…

Tình hình ô nhiễm môi trường và sự tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nước sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố, đặc biệt là hệ thống sông Sài Gòn và sông Ðồng Nai làm ảnh hưởng việc sản xuất và cung cấp nước sạch cho thành phố. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, để bảo vệ tài nguyên nước, thành phố cần triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Theo đó, đối với quản lý tài nguyên nước, cần có quy hoạch tổng thể tài nguyên nước, kế hoạch quản lý tài nguyên nước dài hạn và ngắn hạn phục vụ công tác cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, hiệu quả, góp phần giảm đến mức thấp nhất khối lượng điều tra, thăm dò chuyên ngành trong thủ tục đề nghị cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cũng chính là góp phần cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước bằng công nghệ tự động, trực tuyến; xây dựng cơ chế phối hợp tổng thể giữa các ban, ngành có liên quan công tác quản lý theo định hướng thống nhất quản lý; tăng cường công tác quản lý hoạt động xả thải…

Nhằm tránh nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và thiếu nước sạch sinh hoạt để phục vụ người dân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan đã chỉ đạo về kế hoạch cấp nước an toàn và an ninh nguồn nước thành phố. Trong đó, giao Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) phối hợp các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn và bảo đảm an ninh nguồn nước, trình UBND thành phố. Trong kế hoạch nêu trên có việc quan trắc, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước các sông Ðồng Nai, Sài Gòn; kênh Ðông Củ Chi… Qua đó, đề ra giải pháp phòng, chống, ngăn chặn hành vi xả thải gây ô nhiễm nguồn nước từ các khu công nghiệp, khu dân cư, khu chế xuất… Quy trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện. Kế hoạch còn bao gồm việc kiểm soát an toàn trên hệ thống cung cấp nước sạch; phương án thực hiện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro xảy ra trên hệ thống mạng lưới đường ống…

Ðể cung cấp nước sạch cho người dân, ngành cấp nước thành phố lấy nước thô từ sông Sài Gòn (tại trạm Hòa Phú, huyện Củ Chi) và từ sông Ðồng Nai (trạm bơm Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai). Từ các trạm bơm này, nước được dẫn về cụm Nhà máy nước Tân Hiệp và Nhà máy nước Thủ Ðức để xử lý, rồi cung cấp cho người dân. Ðể bảo đảm chất lượng nước, đề phòng các sự cố, Sawaco đã lên nhiều phương án kiểm tra, giám sát một cách nghiêm ngặt nguồn nước thô trước khi vào nhà máy. Cụ thể, để giám sát chất lượng nước từ xa, định kỳ hằng tháng, Sawaco thuê ca-nô chở các chuyên gia đi giám sát nguồn nước dọc lưu vực sông, cả các kênh rạch lớn chảy vào sông; lấy mẫu nước để kiểm tra chất lượng, ghi nhận các điểm phát sinh nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, tiến hành biện pháp khắc phục, phòng ngừa. Theo Phó Tổng Giám đốc Sawaco Bùi Thanh Giang, để đề phòng các sự cố, Tổng công ty còn thực hiện công tác giám sát hằng giờ và trang bị hệ thống giám sát chất lượng nước online từ đầu nguồn đến khi nước vào nhà máy xử lý, cũng như cả hệ thống đường ống cung cấp đến người dân. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cũng thực hiện giám sát độc lập chất lượng nước trên địa bàn. Không chỉ vậy, tại các nhà máy nước đều triển khai chương trình cấp nước an toàn. Theo đó, đã xây dựng các thông số tới hạn đối với những chỉ tiêu có nguy cơ rủi ro cho hệ thống cấp nước, đồng thời chuẩn bị phương án ứng phó.

SAWACO cho biết, hiện hệ thống cấp nước thành phố có tổng công suất cung cấp nước sạch theo thiết kế là 2,4 triệu m3/ngày. Nhưng khi vận hành thực tế, các nhà máy nước còn một lượng công suất dự phòng (khoảng 500.000 m3/ngày). Do đó, nguồn nước sạch cấp cho người dân luôn bảo đảm đầy đủ và ổn định. Ứng phó với các nguy cơ mất an toàn nguồn nước do sự cố ô nhiễm từ đầu nguồn bởi sự xả thải từ các khu công nghiệp, nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp xuống sông, nguồn nước nhiễm mặn hay do biến đổi khí hậu, ông Giang cho rằng, về lâu dài cần có phương án xây dựng các hồ lắng lọc. Sawaco đã có đề xuất các giải pháp, trong đó có cả phương án xây dựng đập ngăn mặn ở thượng nguồn sông Sài Gòn và hồ lắng lọc, điều tiết dọc sông Ðồng Nai hoặc sông Sài Gòn trong nội dung điều chỉnh bổ sung quy hoạch cấp nước thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn 2060. "Nếu được phê duyệt, chúng tôi sẽ tiến hành thực hiện ngay, bởi đây là phương án nhằm bảo đảm an toàn nguồn nước cho thành phố trong 50 năm sau", ông Giang nhấn mạnh. Sawaco cũng đề xuất phương án thành phố xem xét xây dựng các bể chứa nước ngầm trong khu vực nội đô. Ðây sẽ là nguồn dự trữ nước sạch cho người dân khi có các sự cố bất ngờ xâm hại an toàn nguồn nước. Thông qua hệ thống giám sát online, nếu phát hiện các chất hữu cơ hoặc amoni tăng cao, bộ phận vận hành sẽ điều chỉnh Clo xử lý nước từ trạm bơm về đến nhà máy. Trong trường hợp ô nhiễm vượt ngưỡng xử lý, buộc phải ngưng lấy nước sông Sài Gòn, Sawaco cũng có phương án đề nghị Nhà máy nước Kênh Ðông tăng công suất, và đề nghị hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn, rửa ô nhiễm.

NGUYÊN QUỐC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/42281702-bao-dam-an-ninh-nguon-nuoc.html