Bảo đảm an ninh mạng và an ninh quốc gia

Ngày 23-11, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường. Buổi sáng, các đại biểu nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Luật này; thảo luận về dự án Luật An ninh mạng. Buổi chiều, QH thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Bảo đảm an ninh quốc gia trên không gian mạng

Đầu giờ làm việc buổi sáng, các đại biểu QH nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Luật với 421 đại biểu tán thành, tương đương 85,74% tổng số đại biểu QH.

Tiếp đó, QH thảo luận về dự án Luật An ninh mạng. Các đại biểu: Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An); Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cùng một số đại biểu khác cho rằng, một số nội dung trong dự thảo Luật An ninh mạng chưa tách bạch rõ ràng giữa an ninh mạng với an toàn thông tin mạng và trùng lặp với quy định của Luật An toàn thông tin mạng đã ban hành.

Điều này có thể dẫn tới sự chồng chéo giữa các bộ luật và gây nên sự phức tạp về thủ tục hành chính, nhất là đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là các quy định của Luật An ninh mạng cần xây dựng với mục tiêu cao nhất là tập trung bảo vệ an ninh quốc gia. Muốn vậy, Ban soạn thảo cần tiếp tục tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh luật, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nhưng vẫn giữ được các điều kiện thuận lợi để tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh thông tin trên mạng được bảo đảm hoạt động.

Một nội dung được nhiều đại biểu QH quan tâm thảo luận là quy định các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, in-tơ-nét tại Việt Nam phải bắt buộc đặt máy chủ tại Việt Nam. Đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cùng một số đại biểu QH cho rằng, trên thực tế các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông như Google, Facebook chỉ có một số trung tâm dữ liệu để chứa máy chủ trên toàn thế giới, chứ không phải ở quốc gia nào cũng đặt máy chủ. Việc đặt máy chủ dữ liệu ở đâu không quan trọng bằng việc quản lý sử dụng dữ liệu đó như thế nào.

Cần thiết kế Luật để vừa bảo đảm an ninh mạng, vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh và đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, việc quy định các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông, in-tơ-nét phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người Việt Nam sử dụng trên lãnh thổ nước Việt Nam là phù hợp, việc này sẽ giúp kiểm soát dữ liệu người dùng, phục vụ công tác điều tra, ngăn chặn, phòng, chống tội phạm, chống các thế lực phản động đưa thông tin xuyên tạc, bịa đặt.

Bên cạnh đó, một số đại biểu QH nêu ý kiến, Luật An ninh mạng không nên đặt ra những quy định trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, cần cụ thể hóa các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia vào Luật này để phù hợp với môi trường không gian mạng. Xây dựng chương riêng, quy định đầy đủ các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng trong Luật này.

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu QH về dự thảo Luật An ninh mạng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu.

Tạo thuận lợi để người dân thực hiện quyền tố cáo

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, đây là dự án Luật quan trọng, được cử tri hết sức quan tâm và còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý. Trong đó, cần làm rõ một số khái niệm, như: hình thức, thời hiệu tố cáo, tố cáo nặc danh, nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết tố cáo...

Nhiều ý kiến đề nghị công nhận hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại. Bởi tố cáo là quyền đã được quy định trong nhiều bộ luật như Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí... Theo đó, tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại đều là những hình thức cụ thể của tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Vì vậy, nên quy định trong dự án Luật về việc tố cáo có thể bằng đơn và các hình thức khác theo quy định của pháp luật, thay vì chia thành hai hình thức tố cáo khác nhau.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị bổ sung quy định về tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã về hưu thông qua thư điện tử, fax, điện thoại. Đồng thời, người tiếp nhận tố cáo qua các hình thức nêu trên có trách nhiệm đề xuất, báo cáo thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị để xem xét giải quyết.

Về vấn đề đơn tố cáo, có ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng không nên nhận tố cáo nặc danh, nhằm đề cao trách nhiệm của người tố cáo, hạn chế việc tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, lợi dụng quyền tố cáo để giải quyết tư thù cá nhân. Tuy nhiên, trường hợp người tố cáo không nêu tên nhưng đơn tố cáo có nội dung cụ thể, bằng chứng xác thực về hành vi vi phạm thì người tiếp nhận tố cáo cần báo cáo lãnh đạo xem xét, kiểm tra.

Chung quanh vấn đề trách nhiệm của người tố cáo, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, dự án Luật cần được điều chỉnh phù hợp để tạo điều kiện cao nhất cho người tố cáo thực hiện quyền của mình. Theo đó, thời gian qua, một số cán bộ, công chức, viên chức đã tố cáo nhiều hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, khi tố cáo xong liền bị “tẩy chay”, người tố cáo là công chức, viên chức tố cáo đúng thì lại bị kiểm điểm, phải xin chuyển công tác... Những trường hợp này khiến nhân dân cũng như công chức, viên chức không dám tố cáo, gây bỏ sót nhiều hành vi vi phạm.

Trong phiên thảo luận này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã báo cáo, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34802802-bao-dam-an-ninh-mang-va-an-ninh-quoc-gia.html