'Bão COVID-19' ở châu Á – Bài học nào cho Việt Nam?

Nhiều quốc gia châu Á như: Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan,… đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 nghiêm trọng. Diễn biến dịch bệnh lần này đang làm phức tạp thêm cuộc chiến chống dịch tại khu vực. Vậy Việt Nam rút ra được bài học gì từ các nước?

Rất nhiều nguy cơ hiện hữu

Cả thế giới đang dành sự quan tâm đặc biệt dành cho Ấn Độ - quốc gia liên tiếp trong những ngày qua lập “các kỷ lục” về số ca mắc mới và số ca tử vong. Những cảnh tượng đau lòng chưa từng có xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho thấy hiện thực thảm khốc mà quốc gia đông dân thứ hai thế giới đang phải đối mặt. Những bệnh viện quá tải, những bệnh nhân tử vong vì không được điều trị, những lò hỏa thiên chồng chất tử thi,… là những trải nghiệm đau buồn mà người dân Ấn Độ phải trải qua lúc này.

Ấn Độ ngày 27/4 thông báo ghi nhận thêm 323.144 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua, trở thành ngày thứ 6 liên tiếp có số ca nhiễm vượt trên 300.000 ca/ngày. Nước này cũng ghi nhận thêm 2.771 ca tử vong mới do COVID-19 trong 24 giờ qua và các chuyên gia y tế cảnh báo số ca tử vong có thể còn tiếp tục gia tăng. Các chuyên gia cho rằng, dịch COVID-19 tại Ấn Độ lần này có tốc độ lây lan nhanh hơn, tử vong nhiều hơn, tấn công nhiều người trẻ tuổi so với đợt bùng phát năm 2020.

 Dịch bệnh diễn biến đặc biệt nghiêm trọng ở Ấn Độ, các lò hỏa thiêu người tử vong vì COVID-19 hoạt động hết công suất (Ảnh: AFP)

Dịch bệnh diễn biến đặc biệt nghiêm trọng ở Ấn Độ, các lò hỏa thiêu người tử vong vì COVID-19 hoạt động hết công suất (Ảnh: AFP)

Trong khi đó, một số quốc gia Đông Nam Á cũng đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm COVID-19 nghiêm trọng. Tại 3 quốc gia được đánh giá là kiểm soát khá hiệu quả đợt bùng phát dịch đầu tiên hồi năm ngoái là Lào, Campuchia và Thái Lan, diễn biến dịch bệnh lần này đang làm phức tạp thêm cuộc chiến chống dịch tại khu vực. Cụ thể, ngày 26/4, Lào đã lần đầu ghi nhận số ca mắc mới ở mức 3 con số, Campuchia vượt ngưỡng 10.000 bệnh nhân COVID-19 buộc chính phủ phải gia hạn phong tỏa ở Phnom Penh và Ta Khmao. Giới chức Thái Lan ngày 27/4 cũng ghi nhận thêm 2.179 ca nhiễm mới, nâng tổng số các ca bệnh từ trước tới nay lên 59.687 ca, trong đó có 163 ca tử vong.

Trong khi đó, những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch đầu tiên như Indonesia, Malaysia và Philippines cũng chưa thể kiểm soát đà lây lan của virus SARS-CoV-2 khi mỗi ngày vẫn ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới. Đáng chú ý, số ca mắc COVID-19 ở Philipines đã vượt con số 1 triệu, tăng gấp đôi chỉ trong 3 tháng.

Những con số trên cho thấy, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, đang hằng ngày, hằng giờ đe dọa đến sức khỏe và sự an toàn của người dân các nước. Việt Nam không nằm ngoài mối đe dọa đó.

Những bài học xương máu

Trong khi dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng tại các nước thì tại Việt Nam, dịch bệnh đã được kiểm soát ổn định trên phạm vi cả nước trong vòng hơn 1 tháng qua. Chính vì vậy, đã xuất hiện tình trạng nhiều người dân có tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như không đeo khẩu trang hoặc không thực hiện giãn cách để đảm bảo phòng chống dịch như tại các nhà ga, sân bay, bến xe, lễ hội… Bên cạnh đó, theo Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa, trong các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, có gần 80% ca bệnh không triệu chứng, 20% biểu hiện nhẹ, chỉ 1% bệnh nhân thở ôxy. Chưa kể đến trong thời gian gần đây lại xuất hiện nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Những điều này cho thấy nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh ở Việt Nam là rất cao, đặc biệt là dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 đang đến rất gần.

Nhiều nhà phân tích thế giới cho rằng các lễ hội, hoạt động văn hóa và tâm linh, tập trung đông người đã đẩy Ấn Độ vào vực thẳm đại dịch. Trong cuộc bầu cử chính phủ mới ở Bengal kể từ ngày 27/3 đến 29/3, người dân tụ tập thành đám đông, một số nơi biểu tình. Sau sự kiện này, chỉ trong ngày 1/4, tổng số ca nhiễm ở Ấn Độ ghi nhận lên đến 12.000 người. Ngày 14/4, nước này cho biết có hơn 1.000 người mắc COVID-19 chỉ trong 48 giờ tại thành phố Haridwar, bang Uttaranchal sau lễ hội Kumbh Mela bên bờ sông Hằng. Đây được cho là một sự kiện “siêu lây nhiễm” SARS-CoV-2 ở Ấn Độ.

Việc tham gia lễ hội, tập trung đông người là một trong những nguyên nhân khiến cho dịch bệnh lây lan nhanh chóng ở Ấn Độ. (Ảnh: AP)

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, sự chủ quan của cả chính phủ và người dân, các biến thể của virus corona và chương trình vaccine không hiệu quả là những nguyên nhân dẫn đến thảm họa COVID-19 hiện nay ở Ấn Độ. Đầu tháng 2/2021, Ấn Độ dường như đã kiểm soát được COVID-19. Số ca nhiễm theo ngày ở mức hơn 10.000 người - được coi là thấp đối với một đất nước 1,3 tỷ dân. Dường như, sự mất cảnh giác và bắt đầu tự hào về thành công trong việc kiểm soát số ca mắc bệnh và tỷ lệ tử vong thấp so với nhiều quốc gia khác đã phần nào khiến do dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ trở lại. Chính phủ Ấn Độ đã không chuẩn bị cho kịch bản dịch COVID-19 bùng phát trở lại – điều đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Một động thái nữa được cho là “sai lầm” của Ấn Độ, đó là việc triển khai vaccine. Đây là kết quả của việc Ấn Độ ưu tiên các sáng kiến ngoại giao vaccine hơn là tiêm chủng cho người dân của mình. Theo Indian Express, vào cuối tháng 3, số vaccine Ấn Độ xuất khẩu (60 triệu liều vaccine đến 76 quốc gia) nhiều hơn so với lượng vaccine tiêm chủng cho người dân (52 triệu liều). Ấn Độ là quốc gia sản xuất vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất thế giới, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì nguồn cung vaccine trong nước không đủ đáp ứng. Do vậy, Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu vaccine từ tháng 3/2021 để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Những gì mà Ấn Độ đang phải trải qua là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều quốc gia về công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có Việt Nam. Bài học từ Ấn Độ cho thấy: hạn chế tập trung đông người, không chủ quan, mất cảnh giác, tuân thủ những quy định về y tế, thúc đẩy chương trình tiêm chủng cho người dân, chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, vật tư y tế,... là những bài học chống dịch không mới nhưng cần thực hiện nghiêm túc nếu Việt Nam muốn đẩy lùi dịch bệnh.

Thời gian qua, Việt Nam đã làm tốt công tác phòng chống, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và được thế giới ca ngợi. Nhưng cuộc chiến với dịch bệnh còn dài, sự tự tin sẽ là chất men để chúng ta có thêm động lực thay vì sự chủ quan, mất cảnh giác để dịch bệnh bùng phát, hoành hành. Cùng với sự vào cuộc của Chính phủ, sự tự nâng cao ý thức và chấp hành nghiêm túc của mỗi người dân là điều rất quan trọng để làm tốt công tác phòng chống dịch. Mỗi người một tay, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua dịch bệnh!./.

Kiều Giang

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/bao-covid-19-o-chau-a-bai-hoc-nao-cho-viet-nam-579369.html