Báo Công an TPHCM chia sẻ, hỗ trợ các nạn nhân vụ sạt lở ở Nam Trà My

Tại hiện trường sạt lở, lũ quét, 100 triệu đồng đã được Báo Công an TPHCM trao đến các nạn nhân và thân nhân người chết, mất tích ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam). 15 gia đình không còn gì và đang sống trong những túp lều tạm bợ.

Từ đêm 30-10 đến ngày 31-11, những cơn mưa nặng hạt, liên hồi trên diện rộng các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Quốc lộ 40B sạt lở nhiều điểm rất nghiêm trọng gây ách tắc, chia cắt tuyến đường chính nối huyện Bắc Trà My lên huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Phóng viên Báo Công an TPHCM trao tiền đến những nạn nhân may mắn thoát nạn và thân nhân người chết, mất tích ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam).

Phóng viên Báo Công an TPHCM trao tiền đến những nạn nhân may mắn thoát nạn và thân nhân người chết, mất tích ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam).

Sau nhiều giờ di chuyển bằng các loại xe và lội bộ cắt rừng, vượt suối, qua hàng chục điểm sạt lở, đại diện Báo Công an TPHCM cũng đến được nóc Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng). Nơi đây xảy ra sạt lở và lũ quét vào chiều 28-10 đã xóa sổ một ngôi làng với 15 gia đình khiến 8 người chết và 14 người mất tích, 33 người được cứu sống nhưng nhiều người bị thương nặng.

Đường lầy lội bùn nhão, đá tảng, cây cối ngồn ngang. Một ngôi làng yên bình nằm gọn gàng, an toàn ở một thung lũng giữa những ngọn núi cao bấy lâu giờ đã không còn, thay vào đó là cảnh tượng kinh hoàng với hàng chục nghìn khối đất đá, bùn lầy, bê tông… Sự sống ở ngôi làng chỉ còn 33 con người thoát nạn sau cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Nhưng có hơn nửa con người trong số này bị thương rất nặng, đang được điều trị tại các bệnh viện.

Khoảng 500 cán bộ chiến sĩ của Quân khu 5, Tỉnh đội, BĐBP tỉnh, Công an tỉnh, huyện các lực lượng chức năng của huyện Nam Trà My… cùng phương tiện, thiết bị, đội chó nghiệp vụ và các huấn luyện viên đào bới, dò dẫm từng vị trí để mong tìm kiếm 14 người còn mất tích.

Quanh hiện trường, các lán trại, lều bạt tạm bợ đựng lên để phục vụ nỗ lực đào bới tìm kiếm người mất tích. Xung quanh hiện trường có một số lán trại được dựng lên để người còn sống và thân nhân người chết sinh sống, tìm kiếm người thân.

Ngọn lửa để sinh hoạt và cũng để sưởi ấm nơi đây, trong không khí tang thương

Những bếp lửa được thắp lên, đỏ lửa cả ngày lẫn đêm để phục vụ sinh hoạt và cũng để sưởi ấm 8 thi thể được tìm thấy và chôn cất dưới những nấm mộ sơ sài quanh đó. Ngọn lửa còn thắp lên hy vọng, sưởi ấm những phận người lãnh lẽo còn nằm dưới các lớp bùn đất khổng lồ hoặc bị lũ quét trôi ra sông suối, lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2.

Ông Hồ Văn Đề (77 tuổi) mất toàn bộ con, cháu với 8 người chết và mất tích, mới tìm được thi thể. Ông vật vạ bên một ngôi mộ, ông khóc không nên lời. Chị Hồ Thị Hòa (21 tuổi) đau đớn không kém khi bố mẹ, con trai, cô chú ruột đã qua đời và mất tích… Báo Công an TPHCM đã trao hỗ trợ mỗi trường hợp 5 triệu đồng; trao đến người thân các gia đình có người chết và mất tích khác mỗi trường hợp 3 – 4 triệu đồng tùy theo hoàn cảnh; trao tiền hỗ trợ bếp ăn phục vụ hàng chục người người còn sống, thân nhân các nạn nhân đang sinh sống ở các lán trại, lều bạt tạm bợ để ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. 15 gia đình mất hết tài sản, không còn một nóc nhà nào. Và đau đớn nhất là nóc Ông Đề mất đi 22 con người…

Dịp này, ông Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đến hiện trường kiểm tra công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ; thăm hỏi, động viên và trao quà đến các gia đình có người chết và mất tích.

Ông Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đến hiện trường kiểm tra tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ; thăm hỏi, động viên và trao quà đến các gia đình có người chết và mất tích. Trong ảnh là trao cho ông Hồ Văn Đề có 8 con, cháu chết và mất tích.

Sau nhiều ngày tác nghiệp ở hiện trường, PV được Ban Biên tập Báo Công an TP.HCM chuyển tiền của các doanh nghiệp, đơn vị, mạnh thường quân quyên góp, cử đi khẩn trương tiếp cận với tinh thần sớm nhất có thể, đem theo tiền mặt đến cùng với Công an tỉnh Quảng Nam, Công an huyện Nam Trà My hỗ trợ bà con.

Các nạn nhân giờ thiếu thốn trăm bề, không còn nhà cửa, tài sản gì. Và nỗi đau, mất mát lớn nhất là ngôi làng 55 người đã mất đi 22 người.

Ngày 1-11, đại diện Báo Công an TPHCM tiếp tục tìm cách tiếp cận vị trí sạt lở, chia cắt ở thôn 1 (nóc Ông Sinh, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My) để hỗ trợ tiền tận tay đến thân nhân của 8 người chết. Trong 12 người thoát chết ở Trà Vân có nhiều người bị thương nặng và thông tin mới nhất của PV trong sáng 1-11 là có một người đang rất nguy kịch, nguy cơ tử vong cao.

Trong những ngày tới, các đoàn của Báo Công an TPHCM và các mạnh thường quân, bạn đọc tiếp tục về các tỉnh miền Trung để thăm hỏi, động viên và trao quà đến bà con bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ, sạt lở đất…

Đại diện Báo Công an TPHCM trao tiền hỗ trợ thân nhân người chết và mất tích.

Trao tiền đến thân nhân người chết và mất tích ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam).

Các lực lượng đang nỗ lực tìm kiếm 14 người còn mất tích dưới những đống đổ nát sau khi một ngôi làng bị xóa sổ.

Báo Công an TPHCM trao tiền hỗ trợ bà con sinh hoạt hàng ngày. Mọi người đã không còn nhà cửa, tài sản gì và không còn người thân.

Báo Công an TPHCM hỗ trợ đến chị Hồ Thị Hòa (có bố mẹ, con trai, em ruột, cô, chú tử vong, mất tích). Bên phải là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường đến thắp hương cho những người xấu số, trao quà đến quà con.

14 người còn nằm lạnh lẽo đâu đó trong các đống đổ nát hoặc bị lũ cuốn ra sông, suối, lòng hồ thủy điện.

Hoàng Quân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/bao-cong-an-tphcm-trao-qua-tai-hien-truong-vu-sat-lo-nam-tra-my_102264.html