Bảo chồng khó hơn bảo... mèo?

Hóa ra khi chị buộc anh vào vòng kỷ luật cũng là vô tình choàng một sợi dây lên sự tự do của chính bản thân mình.

- Anh đã rửa tay chưa mà ngồi vào bàn ăn thế?

- Lúc nãy đi về anh rửa luôn rồi. Sợ cô Vít, anh nhớ mà.

- Không, từ lúc đó đến giờ tay anh lại chạm vào đủ thứ khác nữa rồi. Không đảm bảo vệ sinh. Anh không nhớ ngày xưa đi học cô dạy phải rửa tay trước khi ăn à. Mà không rửa, vi khuẩn nó theo thức ăn vào miệng, rồi nó xuống dạ dày. Người ta tổng kết rồi, ung thư dạ dày là do virus, là do lối sống.

- Thôi được rồi, anh đi rửa tay ngay đây - chồng chị Tuyết vẻ như đầu hàng vô điều kiện.

Chị Tuyết quay đi, giấu một nụ cười. Chị vẫn thường tự hào với bạn bè là mình có một người chồng thực là dễ... uốn. Người ta vẫn bảo dạy mèo là khó nhất, ấy thế nhưng người ta cũng tổng kết dạy chồng còn khó hơn cả dạy mèo. Vậy mà chị đã thành công trong việc đưa chồng vào nề nếp. Chiến công được chị kể vanh vách. Này nhé, chồng chị bây giờ đố dám trước khi ăn mà không rửa tay, bởi vì mắt chị rất tinh, chị sẽ phát hiện ra ngay. Nhà chị hay ăn đồ cuốn, cho nên bàn tay sạch là ưu tiên số một. Cải tạo được chồng đâm ra lại một công đôi việc, dạy được luôn cả con. Hai đứa con chị hễ nhìn thấy bố đi rửa tay là cũng lon ton chạy theo vào nhà tắm. Nhìn cảnh ấy, người nội tướng nào mà chả hởi lòng hởi dạ. Chồng chị ngoài cái chuyện phải rửa tay trước khi ăn thì còn phải nhớ luôn rửa tay sau khi đi vệ sinh, khi vừa làm vườn xong hoặc khi ăn xong... Chị Tuyết nghiện rửa tay và chị cố đào tạo chồng cũng thật giống như mình. Chị thấy đào tạo một ông chồng chỉ nguyên khâu vệ sinh cũng quá là mất công. Nhưng được cái là chồng chị từ bây giờ đố dám chui vào chăn mà chưa đánh răng hay là rửa chân cho dù là mùa đông lạnh giá. Bởi vì vài lần bị chị dựng dậy khi đang ngủ mê đã khiến anh không bao giờ còn muốn tái phạm nữa.

Phải công nhận là chị Tuyết rất yêu chồng, chăm chồng. Trong đầu chị lúc nào cũng nghĩ làm cái gì đó ngon ngon cho chồng cho con ăn. Chị không nề hà mùa hè có khi xay một lúc cả 2-3 loại trái cây khác nhau do mỗi người trong nhà chị thích ăn một loại sinh tố khác nhau. Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Chồng chị có hôm phản ứng bởi vì anh đang có cảm giác đầy bụng mà chị vẫn nhất quyết ép uống một cốc đầy mãng cầu bơ chỉ vì anh có “đặt hàng” với chị vào buổi sáng trước khi đi làm. Làm xong vất vả mà anh dám tước của chị niềm vui nhìn thấy anh uống ngon lành cốc sinh tố vừa ngon vừa bổ chứ chẳng hề rẻ thì làm sao chị chấp nhận được. Thế nhưng chồng chị mặc dù ngoan ngoãn chấp hành vẫn cứ có những phản biện như thế này:

- Em chăm anh quá làm cho anh mất khả năng miễn dịch. Cứ hễ đi nhậu là anh bị đau bụng.

- Nhậu hại sức khỏe lắm anh yêu. Như thế này là tốt đấy!

- Nhưng chả nhẽ đàn ông cả đời chỉ về nhà ăn cơm với vợ?

- Ăn cơm với vợ thì làm sao? Ngày xưa anh chả mong được em nấu cơm cho ăn cả đời hay sao?

- À ừ, nhưng mà cũng phải đổi bữa chứ...

- Đổi bữa có ngày đổi luôn cả vợ... - chị Tuyết bắt đầu sử dụng đến vũ khí nước mắt. Thứ vũ khí này chị rất rành dù chỉ đang muốn phá ra cười khi nhìn sự lúng túng của chồng.

Dần dần, các hội nhậu khai trừ chồng của chị Tuyết. Ban đầu, chị lấy thế làm vui lắm nhưng về sau chị cũng thấy vướng. Bởi vì chồng chị trăm phần trăm ăn cơm ở nhà mà phải là cơm dẻo canh ngon do chính tay vợ nấu cho nên chị không bao giờ đi đâu được. Chị đâm cũng bí, đôi khi còn thấy ngượng với bạn bè vì trong khi họ thoải mái tham gia các cuộc tụ tập lớp nọ nhóm kia thì chị lúc nào cũng nhanh nhanh chóng chóng còn về nhà nấu cơm. Bạn bè trêu chị còn tệ hơn cả mấy cô có con muộn, già còn nuôi con mọn. Chồng mọn xem ra còn khổ hơn. Hóa ra khi chị buộc anh vào vòng kỷ luật cũng là vô tình choàng một sợi dây lên sự tự do của chính bản thân mình.

Võ Hồng Thu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bao-chong-kho-hon-bao-meo-n171440.html