Báo chí 'vào cuộc' lên tiếng bảo vệ trẻ em khỏi lao động nặng nhọc, độc hại

Sáng 10/6 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức cuộc thi viết về phòng ngừa lao động trẻ em.

Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. (Ảnh: YN)

Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Đây cũng là sự kiện hưởng ứng kỷ niệm ngày "Thế giới phòng chống lao động trẻ em" (12/6) với chủ đề “Đừng để trẻ em làm việc trên đồng ruộng, hãy để trẻ nuôi dưỡng ước mơ”.

Phát biểu khai mạc, ông Mai Đức Lộc (Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) cho biết, thời gian gần đây những vấn đề trẻ em nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Từ những câu chuyện xúc động về mảnh đời bất hạnh đến những câu chuyện gây chấn động như bạo hành, lạm dụng tình dục trẻ em luôn là đề tài nóng của báo chí - truyền thông.

Hiện nay, lao động trẻ em đang là vấn đề toàn cầu khi có rất nhiều trẻ em phải làm công việc độc hại, nặng nhọc, có nguy cơ cao ở khắp nơi trên thế giới, ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất, tâm lý của trẻ.

“Chính vì thế, các cơ quan báo chí cần phải vào cuộc để lên tiếng và góp phần đắc lực nhằm giải quyết vấn đề lao động của trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm”, ông Mai Đức Lộc nói.

Để làm được điều này cần có sự tham gia tích cực, liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Theo ông Mai Đức Lộc, cuộc thi là là hoạt động truyền thông về ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động sớm và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật. Đồng thời, khuyến khích những nỗ lực để ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em ở Việt Nam.

“Cuộc thi cũng nhằm tôn vinh các nhà báo viết về lao động trẻ em thông qua các sản phẩm báo chí, truyền thông có nội dung và hình thức thể hiện tốt về các giải pháp, đề xuất, sáng kiến, gương điển hình, kinh nghiệm, mô hình tốt trong công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em”, ông Mai Đức Lộc nhấn mạnh.

Lao động trẻ em vẫn là vấn đề nan giải. (Nguồn: Đại đoàn kết)

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay, lao động trẻ em càng ngày càng được xã hội quan tâm. Lao động trẻ em không chỉ liên quan đến quyền con người và quyền trẻ em mà còn là vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của quốc tế. Chính phủ Việt Nam ngày càng có nhiều chính sách để bảo vệ trẻ em tốt hơn, trong đó có chính sách phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

Theo ông Đặng Hoa Nam, có hai nguyên nhân chính dẫn đến lao động trẻ em: do nghèo đói và do nhận thức xã hội, nhận thức của các bậc cha mẹ về tác hại của lao động trẻ em.

“Chúng ta cần làm thế nào để mọi trẻ em đều được hưởng các quyền của mình, hưởng tuổi thơ của mình để không bị tình trạng lao động sớm cướp đi tuổi thơ, cướp đi cơ hội được đi học, cướp đi cơ hội có công việc bền vững của các em trong tương lai”, ông Đặng Hoa Nam nói.

Chia sẻ tại lễ phát động, bà Valentina Barcucci (Phó Giám đốc Lao động quốc tế tại Việt Nam - ILO) nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong nỗ lực bảo vệ trẻ em. Báo chí – truyền thông có tác động nâng cao nhận thức của lao động trẻ em bằng cách thông tin và phổ biến cho công chúng về vấn đề đầy thách thức này.

Theo Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em, năm 2012 có hơn 1,7 triệu Lao động trẻ em tại Việt Nam, tương đương với 1/10 số trẻ em ở Việt Nam. Cuộc điều tra cho thấy, gần một nửa số trẻ em lao động không đi học, trên 1/3 đang làm việc trên 42 giờ/tuần. Hơn nữa, nhiều trẻ em Việt Nam phải làm việc ngoài trời, trong những khu vực có nguy cơ cao, bị tai nạn, môi trường độc hại...

Bà Valentina Barcucci cũng cho rằng, lao động trẻ em bị cấm đối với tất cả trẻ em vì lý do độ tuổi của trẻ quá nhỏ, thời gian làm việc quá dài hoặc bản chất của công việc sẽ khiến trẻ gặp nguy hiểm.

"Lao động trẻ em tạo ra nhiều rào cản lớn đối với sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Đồng thời, những rủi ro trẻ gặp phải khi lao động sẽ lấy đi cơ hội trong cuộc sống của thế hệ tương lai, bà Valentina Barcucci nhấn mạnh.

Các tác giả tham dự cuộc thi có thể gửi tác phẩm tham dự thuộc các loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/8/2019.

Cuộc thi với các chủ đề: Hoạt động truyền thông, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về lao động trẻ em, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái qui định của pháp luật; phản ánh thực trạng lao động trẻ em, việc thực hiện quyền được bảo vệ, không bị bóc lột và mua bán của trẻ em Việt Nam hiện nay...

Tác phẩm dự thi gửi qua đường bưu điện, gửi trực tiếp hoặc qua email đến Ban tổ chức theo địa chỉ: Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, tầng 6, Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam, đường Dương Đình Nghệ, Quận Cầu Giấy, Hà Nội; Email: vananh.vjtc@gmail.com.

Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 2 giải nhì, mỗi giải 10 triệu đồng; 3 giải 3, mỗi giải 5 triệu đồng và 5 giải khuyến khích, mỗi giải 3 triệu đồng.

Phi Khanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-chi-vao-cuoc-len-tieng-bao-ve-tre-em-khoi-lao-dong-nang-nhoc-doc-hai-95662.html