Báo chí và giá trị của niềm tin

Báo chí Việt Nam đã truyền tải thông tin một cách trung thực, chính xác và nhanh nhất, góp phần quan trọng vào thành quả chung của đất nước trong nỗ lực kiềm chế đại dịch Covid-19.

TS. Farida Kbar.

TS. Farida Kbar.

Giá trị của niềm tin trong thời đại tin giả tràn lan

Tìm thông tin từ nguồn cá nhân, công cộng và từ mạng xã hội là bước quan trọng để đưa ra quyết định khi chúng ta chưa có kiến thức về một vấn đề hoặc nhu cầu chúng ta đang đối mặt, từ việc chọn một nhà hàng mới để trải nghiệm vào một tối đẹp trời, chọn một cổ phiếu mới để đầu tư, đến việc chọn một quốc gia để chuyển đến và xây dựng cuộc sống mới.

Tìm kiếm thông tin về một vấn đề liên quan sức khỏe, chẳng hạn đại dịch Covid-19, cũng không phải ngoại lệ và nhờ có Internet, không có giới hạn nào trong tìm kiếm những thông tin như thế.

Trong những thời khắc hỗn loạn và không chắc chắn như vậy, vai trò của cơ quan chức năng rất quan trọng, bởi chúng ta cần ai đó đáng tin cậy giúp chúng ta đưa ra quyết định làm thế nào để bảo vệ mình tránh khỏi nguy cơ bị lây nhiễm dịch bệnh càng nhanh càng tốt, khi bản thân mỗi cá nhân có thể đang bị cảm xúc che phủ đi mất khả năng kiểm tra tính xác thực của các thông tin được cập nhật liên tục trên thị trường.

Nói đến thông tin, theo tôi, báo chí đã thể hiện được quyền lực truyền thông và vai trò hết sức quan trọng của mình, đồng thời có đóng góp đáng kể vào thành công của Việt Nam trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, qua việc cung cấp thông tin đáng tin cậy cho dân chúng, cũng như những người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam trong thời gian xảy ra dịch bệnh.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew đưa ra năm 2017, phần lớn người dân đọc tin tức hằng ngày trên các nguồn thông tin trực tuyến và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Thông tin tiếp nhận là thật hay giả bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có niềm tin của bạn đọc với nguồn tin. Mạng xã hội tạo ra nhiều cái gọi là “nguồn tin xác thực” và trao quyền cung cấp thông tin cho nhiều cá nhân không có kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc đưa ra những thông tin đáng tin cậy và cụ thể.

Báo chí đã thể hiện được quyền lực truyền thông và vai trò hết sức quan trọng của mình, đồng thời có đóng góp đáng kể vào thành công của Việt Nam trong nỗ lực ngăn chặn Covid-19.

Trong các cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19, thời gian kiểm tra tính xác thực của nguồn tin rất hạn chế, nên mỗi người chỉ biết đặt niềm tin vào những gì họ biết về nguồn tin này, hoặc trong một số trường hợp, người tiếp nhận thông tin chỉ có thể tin rằng, những gì mọi người cho là đúng sự thật thì đó hẳn là tin thật.

Một số thông tin sai lệch về Covid-19 có thể vô hại, chẳng hạn tin giả về cái chết do Covid-19 của một người nổi tiếng được yêu mến. Nhưng những thông tin sai lệch khác sẽ có thể gây hại trực tiếp các hộ gia đình, chẳng hạn thông tin về mối liên hệ giữa việc tiêm chủng và Covid-19, hoặc việc Tổng thống Trump đề xuất dùng thuốc sốt rét để ngừa Covid-19. Đương nhiên, có những thông tin sai lệch tác hại lớn đến cộng đồng và quốc gia.

Vào tháng 2/2020, các nhóm trên mạng xã hội, trong đó có một nhóm phản đối mạng di động 5G trên Facebook, đã cảnh báo về mối liên hệ giữa 5G và Covid-19.

Thông tin này đã lan truyền nhanh chóng trên mạng và nhiều cá nhân có sức ảnh hưởng khác nhau như bác sĩ, các nhà hoạt động xã hội và giới giải trí cũng nhảy vào ủng hộ quan điểm này.

Tháng 3/2020, Thomas Cowan, bác sĩ chuyên về y học tự nhiên tổng thể, đã chia sẻ một video tuyên bố rằng, virus corona là do 5G gây ra và vì châu Phi không có 5G nên không bị ảnh hưởng.

Video này được lan truyền chóng mặt và được chia sẻ bởi những người có sức ảnh hưởng, trong đó có những người nổi tiếng như Keri Hilson, Woody Harrelson, John Cusack…

Tháng 3/2020, Keri Hilson, ca sĩ người Mỹ với 4,2 triệu người theo dõi trên Twitter, đã đăng nhiều dòng tweet đề cập video trên. Người này nói: “Người ta đã cố gắng cảnh báo chúng ta về 5G nhiều năm qua. Đã có nhiều kiến nghị, nhiều tổ chức và nhiều nghiên cứu được tiến hành. Những gì chúng ta đang trải qua là hệ quả của phóng xạ. 5G ra mắt tại Trung Quốc ngày 1/11/2019. Và số người chết ở đây bất ngờ tăng đột biến. Hãy tắt 5G bằng cách vô hiệu hóa LTE đi!”.

Trong một bài đăng trên Facebook vào ngày 30/3/2020, luật sư và nhà hoạt động chống vắc-xin tại Hoa Kỳ Robert F. Kennedy Jr. đã chia sẻ nhận định về mối liên hệ giữa 5G với Covid-19.

Theo trang wired.co.uk, bài này được chia sẻ hơn 11.000 lần và video đính kèm với bài đăng cũng được xem gần 500.000 lần.

Trong một loạt video đăng trên Instagram vào tháng 4/2020, Amir Khan, võ sĩ người Anh, có hơn 1,4 triệu người theo dõi, đã chia sẻ: “Virus đó là nhân tạo và được tạo ra là có lý do - khi họ thử nghiệm 5G” và “Hãy nhìn vào những tòa tháp được dựng lên vào ban đêm, sau đó hãy bảo mọi người đừng đi ra ngoài”.

Ngày 17/3/2020, dựa trên nghiên cứu và hướng dẫn năm 2020 của Ủy ban Quốc tế về bảo vệ bức xạ không ion hóa (ICNIRP), tuyên bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và công trình nghiên cứu của TS. Marvin C. Ziskin (giáo sư danh dự về X quang và vật lý y tế), Reuters đã phủ nhận nhận định trên.

Vài ngày sau, các hãng tin uy tín khác như HuffPost, Newsweek, New York Times và Vietnam Times cũng đã xác nhận rằng, không có nghiên cứu nào minh chứng cho tuyên bố đó.

Mối liên hệ giữa 5G và Covid-19 là một trong những trường hợp thông tin sai lệch tồi tệ nhất trong lịch sử tin giả vì tin này không chỉ tác động đến từng cá nhân, mà còn tạo ra các nhóm thù địch tấn công vào những người làm việc trong lĩnh vực viễn thông và hạ tầng viễn thông ở nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Italy và Đức.

Theo các nhóm vận động hành lang viễn thông ETNO và GSMA, tuyên bố sai lệch này đã dẫn đến hơn 140 vụ đốt phá hạ tầng ở 10 quốc gia châu Âu cũng như nhiều vụ tấn công khác, tính đến tháng 5/2020.

Dù các mạng xã hội khẳng định, họ đang cố gắng hết sức để ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lệch, nhưng rõ ràng, điều họ nỗ lực thực hiện vẫn chưa đủ.

Theo báo cáo từ Trung tâm Phòng chống nội dung tiêu cực trên nền tảng số (https://www.counterhate.co.uk/), hơn 90% bài lan truyền thông tin sai lệch về Covid-19 vẫn hiển thị trên Facebook, Instagram và Twitter, dù đã bị trình báo.

Đã có 649 bài đăng từ ngày 20/4 đến ngày 26/5/2020 trên mạng xã hội bị trình báo, nhưng chỉ có 61 bài (tương đương 9,4%) bị xử lý. Trong đó, 6,3% bị gỡ xuống, 2% tài khoản đăng bài bị xóa và 1% bị cảnh báo đưa thông tin sai lệch, nhưng vẫn còn bài trên mạng.

Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lệch về Covid-19

Trong nghị định mới ban hành tháng 2/2020, mức phạt 10 - 20 triệu đồng được áp dụng đối với người có hành vi dùng mạng xã hội để chia sẻ tin giả, sai sự thật, xuyên tạc hoặc vu khống.

Các cơ quan chức năng đã phát động chiến dịch truyền thông để xây dựng nhận thức và hiểu biết cho cộng đồng về hậu quả của việc đưa tin sai lệch với khẩu hiệu “Tung tin giả, hậu quả thật”.

Các phương tiện truyền thông tại Việt Nam chia sẻ với công chúng thông tin chi tiết về các trường hợp thông tin sai lệch mà họ nhận được hằng ngày từ Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19.

Các cơ quan truyền thông sẽ kiểm tra toàn bộ thông tin, điểm mặt những thông tin sai sự thật và chỉ chia sẻ kịp thời với độc giả những thông tin chất lượng về dịch bệnh - những điều sẽ ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe, mà còn cả sinh kế của họ.

Thông qua những hoạt động đó, báo chí Việt Nam đã nâng cao được vị thế là những nguồn tin chính thống đáng tin cậy và chính xác trong thời điểm thật - giả lẫn lộn như đợt dịch bệnh vừa qua. Sự tin tưởng của độc giả đã phản ánh rõ nét qua kết quả khảo sát mới nhất của YouGov từ ngày 5 đến 13/5/2020. Theo đó, trong số 26 quốc gia được khảo sát, Việt Nam là nơi có độ tin cậy vào báo chí cao nhất (89%).

Tính đến ngày 8/6/2020, ở quốc gia chiếm 1,25% tổng dân số thế giới này, chỉ có 332 trường hợp xác định nhiễm Covid-19. Thành công có được đến từ nhiều yếu tố, trong đó có hành động kịp thời của Chính phủ. Tuy nhiên, để thực thi thành công, Chính phủ cần tin tưởng rằng, người dân sẽ có hành động đúng đắn và điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự tin tưởng của người dân vào cộng đồng, báo chí và Chính phủ.

TS. Farida Kbar (Chủ nhiệm Bộ môn Truyền thông chuyên nghiệp tại RMIT Việt Nam)

TS. Farida Kbar/baodautu.vn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thoi-su/bao-chi-va-gia-tri-cua-niem-tin-332357.html