Báo chí và điện ảnh

Trong lịch sử hình thành và phát triển của điện ảnh, báo chí và hình tượng nhà báo nắm giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Không quá lời khi nói điện ảnh sẽ không có được vị thế như ngày nay nếu thiếu báo chí. Trong khi đó, hình tượng nhà báo vẫn luôn giữ được một sức hấp dẫn mà đến nay vẫn chưa hề thuyên giảm mỗi lần xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu tại sao những người làm tin tức lại có sức ảnh hưởng lớn đến như vậy đối với điện ảnh.

Francois Truffaut - một đại diện tiêu biểu của Làn Sóng Mới

Vị thám tử phá án bằng ngòi bút

Kể từ khi điện ảnh trở thành một hình thức giải trí phổ biến vào năm 1930 đến nay, đã có hơn 100 phim lấy chủ đề báo chí hoặc có liên quan đến báo chí. Đặc biệt vào năm 1976, sự thành công của All the President’s Men (Đoàn tùy tùng Tổng thống), bộ phim “gối đầu giường” của người làm báo đã tạo nên một cơn sốt tại Mỹ lúc bấy giờ khi người trẻ ồ ạt đua nhau thi vào trường báo.

Nhà báo - nhà làm phim tại Pháp

Nhà báo - nhà làm phim tại Pháp

Lí giải cho sự ăn khách của chủ đề báo chí trên màn ảnh nhỏ, James Vanderbilt, một chuyên gia làm phim trinh thám - báo chí đã ví von người làm báo khi lên phim giống như “vị thám tử phá án bằng ngòi bút”. Ông nhận định: “Phim báo chí cũng gần giống phim trinh thám, phá án có, hành động có, tuy nhiên khán giả lại được truyền cảm hứng nhiều hơn từ các nhân vật nhà báo, những người luôn toát lên vẻ say sưa với công việc tìm kiếm sự thật cùng một tác phong đặc trưng không thể nhẫm lẫn vào đâu: Luôn luôn bận rộn, không thể ngồi yên một chỗ, can trường, sắc sảo và cực kì lì lợm. Đó là một sức hút độc đáo và riêng biệt, đủ mạnh để khiến người xem không thể rời mắt khỏi màn hình”.

Những người luôn toát lên vẻ say sưa với công việc tìm kiếm sự thật cùng một tác phong đặc trưng không thể nhẫm lẫn vào đâu: luôn luôn bận rộn, không thể ngồi yên một chỗ, can trường, sắc sảo và cực kì lì lợm. Đó là một sức hút độc đáo và riêng biệt, đủ mạnh để khiến người xem không thể rời mắt khỏi màn hình”

James Vanderbilt

Với tần suất xuất hiện đều đặn nhưng không dày đặc, cứ vài năm lại có tuyệt phẩm về đề tài báo chí được ra mắt và nghiễm nhiên trở thành ngôi sao lớn trong năm đó. Gần nhất là vào 2015, Spotlight (Tiêu điểm) là một bộ phim thể hiện sức mạnh của báo chí, sức mạnh của sự thật và nhân phẩm của nhà báo, những người luôn chiến đấu hết mình vì công lý trong thời buổi giá trị của sự thật, của báo chí bị xem nhẹ. Phim đã xuất sắc giành giải Phim hay nhất tại buổi lễ Oscar năm đó.

Báo chí có vai trò quan trọng trong lịch sử điện ảnh

Có thể thấy báo chí và điện ảnh là một cặp bài trùng xuyên suốt chiều dài lịch sử. Đối với điện ảnh, bên cạnh là một đề tài không bao giờ lỗi thời, báo chí còn là nơi đăng tải những bài phê bình công tâm nhất, thúc đẩy điện ảnh phải không ngừng hoàn thiện. Với báo chí, điện ảnh cũng là một công cụ đắc lực để truyền tải sự thật và phản ánh các vấn đề xã hội.

Khi điểm qua những cột mốc quan trọng trong lịch sử của điện ảnh, chúng ta thường xuyên bắt gặp sự có mặt của báo chí. Trong Citizen Kane (1930), bộ phim được đông đảo nhà phê bình công nhận là vĩ đại nhất mọi thời đại, hình ảnh tờ báo New York Inquirer được khắc họa hoành tráng đến mức trở thành hình mẫu để các tờ báo lớn ngoài đời noi theo.

Hay tại Pháp vào những năm 50 của thế kỉ trước, một nhóm nhà báo, nhà phê bình phim trẻ tuổi thuộc tờ Cahiers du Cinéma do quá chán chường với điện ảnh truyền thống lỗi thời, đã bắt tay vào làm phim và tạo nên cuộc cách mạng “Làn sóng Mới” trứ danh, làm thay đổi cách nhìn nhận của khán giả và giới phê bình về điện ảnh mãi về sau này.

Nhiều tên tuổi lẫy lừng trong ngành điện ảnh từng có thời gian gắn bó với nghề báo. Có thể kể ra Jean-Luc Godard, Fracois Truffaut, Agnes Varda - những đại diện tiêu biểu của phong trào Làn sóng Mới đã từng làm cây viết của tờ Cahiers du Cinema, hay “quái kiệt” Stanley Kubrick - cha đẻ của những 2001: A Space Odyssey, Full Metal Jacket, Barry Lyndon… từng có thời trẻ làm nhiếp ảnh cho tờ Look,…

Tầm ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng

Nhiều người trẻ hiện nay có vẻ ái ngại khi tiếp cận dòng phim báo chí vì lo sợ tính cứng nhắc và thiếu màu sắc trong các tác phẩm. Tin vui là dòng phim báo chí không chỉ có mỗi mảng điều tra. Nhiều bộ phim sau 2000 đã khai thác các khía cạnh khác nhau của nghề báo, với cách thể hiện sáng tạo như hài kịch, châm biếm, đã tiếp cận được lứa khán giả thuộc thế hệ mới. Đơn cử như Almost Famous (Suýt nổi tiếng, 2000) kể về hành trình của một nhà báo thiếu niên theo chân ban nhạc yêu thích của mình, hayIsle Of Dog (Đảo Chó, 2017), phim của thiên tài Wes Anderson theo chân một nhóm học sinh trung học điều hành tờ báo của trường để phát ngôn đòi lại công bằng cho loài chó…

Và nghề báo cũng không chừa… Siêu Nhân. Đúng vậy, khi cởi bỏ lớp áo siêu anh hùng, Siêu Nhân lại trở về với danh tính Clark Kent, một nhà báo đầy nhiệt huyết của tờ Daily Planet. Hay như Người Nhện khi không hành hiệp trượng nghĩa trên đường phố, anh lại trở về làm chàng phóng viên hiền lành dễ bị bắt nạt của tòa soạn Daily Bugle.

Hai siêu anh hùng mũi nhọn của hai hãng phim - truyện tranh lớn nhất thế giới là DC và Marvel đều làm nghề báo. Quả thực báo chí luôn có những cách thật đặc biệt để ghi dấu ấn trong lòng khán giả.

Vĩ thanh

Suy cho cùng, báo chí hay điện ảnh báo chí đều hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là tìm kiếm sự thật và bảo vệ công lý cho xã hội. Ý nghĩa của nghề báo dường như có thể cô đọng trong những cảnh cuối của Spotlight với hình ảnh nhà máy in hoạt động hết công suất, những chiếc xe tải chở báo lan tỏa ra mọi ngã đường lúc sáng sớm để mang sự thật đến với công chúng. Đó giống như một sự vinh danh dành cho những nhà báo, những người chiến đấu quên mình suốt hàng năm trời trong thầm lặng vì công lý, vì sự thật.

Lê Quang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bao-chi-va-dien-anh-post1347550.tpo