Báo chí từ tuyên truyền đến khai phóng

Báo chí còn có chức năng khác nữa như cung cấp thông tin, phân tích bình luận, trao đổi và phản biện, liên quan đến nhận thức của con người trong xã hội. Những vấn đề đó liên quan đến 'khai phóng' khả năng của con người.

Cách đây khoảng 600 năm, có một giai thoại về… làm báo. Người ta kể rằng, để cho mọi người biết về khởi nghĩa Lam Sơn, nghĩa quân Lam Sơn đã dùng mỡ viết chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” vào lá cây, kiến ăn thành chữ trên lá trôi theo suối đến các vùng dân cư. Từ đó, mọi người nô nức đầu quân cho nghĩa quân Lam Sơn. Nghĩa quân Lam Sơn có thể coi là người làm báo đầu tiên trên đất nước Việt Nam, có in ấn, có phát hành. Những “tờ báo-lá” 8 chữ đó đã hoàn thành chức năng tuyên truyền một cách tài tình.

Trong lịch sử cách mạng, điều kiện hoạt động bí mật, từ báo “Thanh niên” năm 1925 đến “Việt Nam độc lập” xuất bản trong các hang đá Cao Bằng, Bắc Cạn thời kỳ trước 1945 đã hoàn thành xuất sắc chức năng tuyên truyền, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng dân tộc. Nói chung, thời kỳ đấu tranh giải phóng, kháng chiến cứu nước, thì chức năng tuyên truyền là quan trọng nhất của báo chí, nhằm thực hiện các nhiệm vụ đấu tranh chính trị, đưa chính sách vào đời sống, đoàn kết dân tộc, thống nhất ý chí toàn dân hướng đến thắng lợi cuối cùng.

Tuy nhiên, đến thời kỳ xây dựng phát triển kinh tế xã hội, cuộc sống đa dạng phức tạp, ngoài chức năng tuyên truyền và định hướng, báo chí còn có chức năng khác nữa như cung cấp thông tin, phân tích bình luận, trao đổi và phản biện, liên quan đến nhận thức của con người trong xã hội. Những vấn đề đó liên quan đến “khai phóng” khả năng của con người.

Báo chí từ tuyên truyền đến khai phóng

Truyền thống có nguyệt báo (báo ra hàng tháng), bán nguyệt báo (báo ra hàng nửa tháng), tuần báo (báo hàng tuần), nhật báo (báo hàng ngày) thì từ khi có mạng xã hội, báo chí có một phương tiện biểu đạt mới, phương thức “phát hành” mới là truyền nội dung tin thay cho truyền hình thức mang tin, nên báo mạng có thể gọi là “tức khắc báo” (báo ra từng giây).

Trong bề bộn thông tin hiện đại, nhu cầu phân tích, bình luận ngày càng phải được đề cao. Phân tích bình luận không cần đợi đến hết ngày, hết tuần hay hết tháng, mà phân tích bình luận ngay lập tức. Đó là một dạng thức mới của báo chí hiện đại.

Vừa qua, cuộc đụng độ Nga- Ucraine xảy ra, lập tức các trang tin đưa ngay, diễn biến có thể cập nhật liên tục từng phút. Vậy thì những phân tích bình luận cũng phải kịp thời với thời sự, trong đó người ta lần trong bể thông tin để chỉ ra chân tướng sự việc, dự đoán diễn biến tiếp theo và diễn biến này có thể thay đổi hàng giờ. Nếu chỉ đưa độc một tin vắn như kiểu báo ngày truyền thống, mà không lập tức có các bài phân tích bình luận, thì không thể có độc giả được.

Do cách truyền thông tin hiện đại, chỉ có phân tích bình luận không thôi thì cũng không đáp ứng yêu cầu độc giả, phải có tương tác giữa báo và độc giả. Phương thức “chat” đã thay đổi hoàn toàn cách trao đổi thông tin cá nhân truyền thống.

Khi bản báo có cái nhìn mổ xẻ vấn đề xung đột Nga - Ucraine chẳng hạn, nhất định trong khối độc giả đã và đang hình thành các “phe nhóm” quan điểm, họ có thể đồng ý hay phản đối bài báo, hình thành tập quán trao đổi đi kèm phản biện. Cánh cửa tương tác giữa báo và bạn đọc là điều tất yếu phải có. Từ tương tác trực tiếp thông qua truyền tin, mà bản báo thực hiện được việc thuyết phục hay định hướng thông tin.

Như vậy, báo chí ngày nay chỉ làm được việc tuyên truyền thì tờ báo hay tạp chí sẽ mất độc giả, nếu làm được việc tương tác, giao lưu, phản biện với độc giả, thì bản báo mới có thể tiếp cận đời sống hiện đại.

Vậy làm thế nào để có thể tương tác với độc giả một cách tốt nhất? Nếu chỉ đưa tin hay thông tin một chiều thì ai còn có thể bàn luận nữa? Nếu hướng đến số lượng độc giả đông đảo, dù ở phân ngách nào của thị trường, thì báo chí vẫn không thể tránh được vấn đề đa số hay thiểu số trong tiếp nhận thông tin.

Nguyên tắc dân chủ chắc chắn sẽ phải được tính đến. Đó là báo chí phải lựa chọn quan điểm của đa số quá bán người đọc. Về mặt này, chính việc thực hành nghề nghiệp của mình mà báo chí là tấm gương đi đầu cho sinh hoạt của xã hội, trong đó dân chủ, công bằng, minh bạch được đề cao.

Đạo đức báo chí

Trong khi các hoạt động thực hành báo chí, phương thức in ấn, phát hành thay đổi, cách tương tác với độc giả thay đổi so với truyền thống, thì có một vấn đề báo chí vẫn giữ nguyên, bất biến xuyên suốt quá trình phát triển của báo chí, đó là việc xác định “đạo đức nghề nghiệp”.

Báo chí dù gì thì cũng mang sự kiện đến với độc giả, đưa sự thật đến với công chúng. Sự thật bao giờ cũng là duy nhất, nhưng “mô tả sự thật” thì có rất nhiều cách. Thông qua mô tả sự thật, mà sự thật đó đến với độc giả, khán giả như thế nào, nó trở thành xấu hay tốt, đều do cách mô tả cả. Bài báo là gì, nếu không phải là “mô tả sự thật”.

Vậy sao lại có thể phân loại được tin bài nào thuộc dạng “phản ánh cái xấu, tiêu cực”, tin bài nào thuộc dạng “phản ánh cái tốt, tích cực”? Bài báo mô tả có thể biến một sự kiện tốt đẹp thành sự kiện xấu; mô tả ác ý một sự thật tích cực có thể biến nó thành tiêu cực, và ngược lại.

Cho nên, theo tôi không nên sợ cái gọi là hiện tượng xấu, tiêu cực, mà cũng không nên khuyến khích chỉ nói điều tốt, tích cực. Ví dụ, khi tường thuật một vụ cháy hơn chục ngôi nhà, phóng viên tập trung ca ngợi ông chủ đã cho nhiều người thuê rất rẻ, mục đích nêu gương người tốt, lá lành đùm lá rách, nhưng thực ra mục đích không đạt tới, vì không biết hoặc giấu việc ông chủ đã vi phạm quy tắc phòng cháy, trốn thuế.

Không đạt đến sự thật, đó là một biểu hiện “phản ánh cái xấu”, dù cho ý định phản ánh cái tốt.

Từ nhận thức về “mô tả sự thật”, mà người viết báo phải tính đến yêu cầu tuân thủ pháp luật, từ đó tự xác định đúng sai và vùng cấm trong công việc của mình. Hãy để cho các nhà báo, các tổng biên tập tự xác định vấn đề gì gọi là “nhạy cảm”.

Ngày nay, có thể tìm thấy công thức chế tạo bom, chế tạo súng trên mạng xã hội. Điều này nói lên sự khác nhau giữa báo chí chân chính và mạng xã hội. Nếu báo chí có thể làm tốt chức năng khai phóng, thì nếu phạm sai lầm, cũng có thể lạc về phía đối diện với khai phóng, đó là có thể “giam hãm” hay mê hoặc người đọc, người nghe, người xem.

Trước đây, người dân truyền cho nhau những lá cây bị thủng thành hình chữ, thì yếu tố tâm linh làm vai trò thúc đẩy tuyên truyền. Người ta tin vì sự lạ ở những cái lá trời, do hiện tượng tự nhiên, việc vi quân, vi thần của các ông Lê Lợi, Nguyễn Trãi như thể mệnh trời báo ứng. Cứu cánh biện minh cho phương tiện.

Báo chí ngày nay không thể có chuyện người ta đọc/xem/nghe mà không biết cơ quan báo ấy là ở đâu, do ai. Báo chí không phải truyền đơn vô chủ. Nên thương hiệu và uy tín tờ báo là quan trọng. Tuyên truyền hay khai phóng hay mê hoặc cũng là từ thương hiệu báo.

Và khi đó tất yếu phải tính đến thị trường, cạnh tranh. Cuộc sống đang thị trường hóa, mà báo chí mãi bao cấp thì báo chí chỉ dừng ở chức năng tuyên truyền trong khi chức năng khai phóng vẫn chỉ là mong muốn.

Xuân Hưng

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/bao-chi-tu-tuyen-truyen-den-khai-phong-492496.html