Báo chí truyền thông về vấn đề an ninh tài chính, tiền tệ

Tài chính, tiền tệ luôn là lĩnh vực rất nhạy cảm trong nền kinh tế. Thời gian qua, báochí truyền thông đóng vai trò quan trọng, thông tin kịp thời cho người dân về nhữngvấn đề liên quan đến tài chính, tiền tệ.

Báo chí cần phải phối hợp nhịp nhàng với tài chính, tiền tệ để kinh tế đạt hiệu quả cao nhất. Ảnh: TL

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí truyền thông cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa, trở thành lực lượng tiên phong, chủ động nắn dòng thông tin sai lệch, làm chủ thông tin trên “không gian ảo”.

Định hướng tốt, giải tỏa xấu

Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam ở trong quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng và đạt được những kết quả khả quan, GDP tăng ở mức cao, tái cơ cấu nền kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong những thành tích đó, có sự đóng góp rất quan trọng của báo chí đối với hệ thống tài chính, tiền tệ.

Sự phát triển của mạng xã hội và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động rất lớn đến đời sống xã hội. Đặc biệt trong lĩnh vực báo chí truyền thông, xu hướng phát triển báo chí hiện đại và hội tụ truyền thông kết hợp với sự thay đổi quy trình làm báo đã khiến môi trường truyền thông trở nên đa dạng hơn bao giờ hết. Trong khi đó, thông tin về tài chính, tiền tệ phải thật chính xác, nhanh chóng và có hệ thống.

Để làm được điều này, báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác định hướng, luôn đi trước một bước để hướng dư luận vào hệ thống thông tin chính thống tránh những tin đồn thất thiệt.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí phải không ngừng đổi mới, phát triển đa dạng và hiện đại hóa các sản phẩm báo chí truyền thông.Từ đó, nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin, đáp ứng nhu cầu chung của toàn xã hội.

Các cơ quan tài chính, tiền tệ, cần nâng cao năng lực, kỹ năng xử lý và ứng phó với khủng hoảng truyền thông khi xảy ra các biến cố trên hệ thống tài chính, tiền tệ. Ảnh: TL

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển, thông tin đa dạng, nhiều chiều phức tạp, để đảm bảo an ninh tiền tệ, các cấp Hội Nhà báo, các Liên chi hội, Chi hội nhà báo cần tôn vinh và bảo vệ đội ngũ nhà báo trong hoạt động nghiệp vụ, phối hợp tổ chức các hoạt động đa dạng và hiệu quả giữa các cấp hội nhà báo với các hiệp hội doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho các cơ quan báo chí, cũng như doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong hoạt động của mỗi bên, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin tài chính, tiền tệ và sự phát triển bền vững chung của đất nước...

Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh, các cơ quan báo chí cũng cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến người dân mặt trái của mạng xã hội. Tuyên truyền để người dân hiểu rằng, khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội hay qua thư điện tử hoặc điện thoại... cần kiểm tra bằng các nguồn thông tin chính thống, qua các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí truyền thông.

Hiện nay, không ít thông tin trên mạng xã hội có tác động tiêu cực do sự nhiễu loạn thông tin, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống, an toàn của mỗi người dân, khiến người dân hoang mang, mất phương hướng. Trước tình hình đó vai trò của báo chí không chỉ dừng lại ở mức độ định hướng mà quan trọng hơn phải giải tỏa thông tin xấu, định hướng lại thông tin chính thống tạo niềm tin cho nhân dân. Từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của truyền thông trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác định hướng. Ảnh: TL

Báo chí với an ninh tài chính, tiền tệ

Theo thống kê hiện nay, có hàng trăm tờ báo in, báo điện tử hay trang tin điện tử, mỗi ngày đăng tải hàng trăm tin, bài về thị trường tài chính, tiền tệ. Nhiều tờ báo không chỉ phản ánh đơn thuần, thậm chí còn có chuyên mục, chuyên trang dành riêng cho lĩnh vực này.

Thiếu tướng, TS Nguyễn Khắc Khanh (Bộ Công an) đề xuất, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động thông tin truyền thông, nhất là những thông tin liên quan đến tài chính tiền tệ.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần cung cấp các thông tin minh bạch, đầy đủ kịp thời cho các cơ quan báo chí để định hướng dư luận. Xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin, bài sai sự thật, thiếu nhạy cảm chính trị, theo xu hướng giật gân, câu khách, vi phạm nghiêm trọng các quy định đạo đức người làm báo.

Để xây dựng một mối quan hệ bền chặt giữa cơ quan báo chí và hệ thống tài chính, tiền tệ, cần xác định đây là một quan hệ mở, có sự chủ động hợp tác về hai phía. Muốn làm được vậy, cả hai cơ quan đều phải đảm bảo một số vấn đề chính như: Bảo mật, an ninh thông tin tài chính, tiền tệ trong nền kinh tế số; nâng cao khả năng nhận diện, ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro, nguy cơ từ tin đồn thất thiệt trong hệ thống, bảo đảm chất lượng thông tin gắn với an ninh tài chính tiền tệ; nâng cao nhận thức của công chúng, doanh nghiệp trong sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, tiền tệ nhằm tăng hiệu quả phân bổ vốn.

Về phía các cơ quan tài chính, tiền tệ, cần nâng cao năng lực, kỹ năng xử lý và ứng phó với khủng hoảng truyền thông khi xảy ra các biến cố trên hệ thống tài chính, tiền tệ. Các cơ quan báo chí phải kiểm chứng thông tin và đưa ra những nhận định đúng đắn, chính xác, để tránh bị kẻ xấu lợi dụng gây thiệt hại cho đất nước.

Như vậy, báo chí cần phải phối hợp nhịp nhàng với tài chính, tiền tệ để kinh tế đạt hiệu quả cao, đồng thời phải tăng cường tính công khai minh bạch trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Góp phần củng cố niềm tin của người dân với Đảng và Nhà nước./.

Thành Nam

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/bao-chi-truyen-thong-ve-van-de-an-ninh-tai-chinh-tien-te-n10426.html