Báo chí-truyền thông về đại dịch Covid-19: Nhìn từ góc độ Việt Nam và Ấn Độ

Sáng ngày 22/10, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế 'Báo chí-truyền thông về đại dịch Covid-19: Nhìn từ góc độ Việt Nam và Ấn Độ' trên nền tảng trực tiếp và trực tuyến.

Tham gia chủ trì Tọa đàm ở đầu cầu Việt Nam có GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, PGS.TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma.

Tham dự Tọa đàm về phía đầu cầu Ấn Độ, có TS. Đỗ Thanh Hải, Tham tán, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ; GS.TS Chintamani Mahapatra - Hiệu trưởng trường Đại học Jawaharlal Nehru (JNU) - một trong những trường đại học uy tín nhất Ấn Độ; nhà báo Times of India Rudroneel Ghosh - tác giả giành giải Nhất giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VI với chùm bài viết về Biển Đông.

Ngoài ra, Tọa đàm còn thu hút sự quan tâm của nhiều học giả, các nhà quản lý, lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng như các phóng viên đang tác nghiệp từ cả phía Việt Nam và Ấn Độ.

PGS.TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (đang phát biểu) cùng GS. TS. Tạ Ngọc Tấn (ở giữa) và Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma tham gia điều hành Tọa đàm "Báo chí-truyền thông về đại dịch Covid-19: Nhìn từ góc độ Việt Nam và Ấn Độ".

PGS.TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (đang phát biểu) cùng GS. TS. Tạ Ngọc Tấn (ở giữa) và Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma tham gia điều hành Tọa đàm "Báo chí-truyền thông về đại dịch Covid-19: Nhìn từ góc độ Việt Nam và Ấn Độ".

Trong bài phát biểu khai mạc, PGS.TS. Dương Trung Ý đánh giá cao việc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tổ chức tọa đàm khoa học lần này, coi đây như tạo ra những góc nhìn mở, đa chiều trong các vấn đề báo chí giữa Việt Nam và Ấn Độ, cùng chia sẻ các kinh nghiệm và sáng kiến khi tham gia thực hiện các sản phẩm truyền thông trong thời kỳ hiện nay.

PGS.TS. Dương Trung Ý đánh giá cao vai trò của báo chí-truyền thông trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19. Các nhà báo phản ánh kịp thời các diễn biến của đại dịch, giúp người dân hiểu rõ về “thảm họa” với sức tàn phá kinh khủng.

Đặc biệt, báo chí Việt Nam góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp của truyền thống Việt Nam, đó là tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết sẻ chia... không chỉ với người dân trong nước mà với cả bạn bè quốc tế thông qua việc cứu chữa những bệnh nhân nước ngoài hay những chuyến hàng chở trang thiết bị y tế như khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ y tế...

Cùng với những tham luận, phát biểu của các học giả, chuyên gia, những người “làm nghề” ở làng báo Việt Nam và Ấn Độ, PGS.TS. Dương Trung Ý tin tưởng rằng, Tọa đàm sẽ mang đến “những thông tin, chia sẻ quý báu không chỉ đối với hai nước Việt Nam và Ấn Độ mà còn có giá trị tham khảo đối với nhiều quốc gia trên thế giới trong công tác thông tin báo chí, truyền thông về đại dịch Covid-19 hiện nay”.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma đánh giá cao vai trò của báo chí-truyền thông trong bối cảnh khủng hoảng y tế toàn cầu do đại dịch Covid-19.

Cũng tại Tọa đàm, ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam và ông Đỗ Thanh Hải, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đều đánh giá Tọa đàm là một trong những hoạt động ý nghĩa, giúp các học giả, nhà báo và các nhà quản lý hai nước có cơ hội chia sẻ, trao đổi các bài học, kinh nghiệm trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, qua đó thúc đẩy mối quan hệ hợp tác sâu sắc giữa hai nước.

Từ các bài tham luận của Tọa đàm, khách mời có cơ hội được lắng nghe, giao lưu và trao đổi về các kinh nghiệm, bài học, cách làm hay sáng kiến mới từ cả góc độ cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế, tới các đơn vị nghiên cứu như trường Đại học Jawaharlal Nehru hay Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng như đại diện từ các cơ quan báo chí đang ngày đêm tác nghiệp về đại dịch Covid-19 như Thông tấn xã Việt Nam, báo Viet Nam News, báo Thế giới & Việt Nam, báo Times of India

Báo chí Việt Nam và Ấn Độ mang những đặc thù khác nhau nhưng có những điểm đồng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chẳng hạn như phải đảm bảo chức năng, nhiệm vụ thông tin về đại dịch, chung tay góp phần vào cuộc chiến phòng chống đại dịch, đồng thời phải chịu những tác động nặng nề từ đại dịch đang khiến hơn 40 triệu người mắc bệnh và hơn 1,1 triệu ca tử vong trên toàn cầu.

Cắt giảm nhân sự, phát hành sụt giảm, doanh thu tụt dốc, thậm chí xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19... là những thách thức hiện hữu với các tòa soạn báo cũng như phóng viên Việt Nam và Ấn Độ. Chưa kể sự bùng nổ mạng xã hội với vấn nạn tin giả khiến cho ngành báo chí cả hai nước dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết...

GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu kết luận Tọa đàm, nhấn mạnh việc thông tin về đại dịch Covid-19 cần khách quan, kịp thời và minh bạch.

Trong bài phát biểu kết luận, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổng kết một số bài học về vai trò và trách nhiệm của báo chí, truyền thông trong cuộc chiến chống Covid 19. Trên thực tế, các nhà báo đã, đang và luôn sẵn sàng là “những người lính đi đầu” trong cuộc chiến còn tiếp tục cam go này.

Chia sẻ với những khó khăn, thách thức của các cơ quan báo chí, phóng viên Việt Nam cũng như Ấn Độ trong bối cảnh đại dịch Covid-19, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh: “Báo chí cần thúc đẩy hơn nữa lan tỏa các thông tin tích cực mang tính xây dựng, và đi kèm là hạn chế cũng như phản biện lại các thông tin giả, sai lệch trên mạng xã hội về Covid-19 để đảm bảo tính chính xác, minh bạch, kịp thời của thông tin từ báo chí, truyền thông tới được người dân”.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm "Báo chí - truyền thông về đại dịch Covid-19: Nhìn từ góc độ Việt Nam và Ấn Độ" chụp ảnh lưu niệm.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-chi-truyen-thong-ve-dai-dich-covid-19-nhin-tu-goc-do-viet-nam-va-an-do-126973.html