Báo chí truyền thông Nga thời kỳ hội nhập

Truyền thông và báo chíđược coi như một lĩnh vực đặc biệt quan trọng, gópphần thực thi chiến lược ngoại giao của nước Ngatrong tình hình mới.

Nhờ có báo chí truyền thông, nước Nga đã và đang tổ chức được một kỳ World Cup thành công mặc dù trước đó có một số nước châu Âu đã dọa tẩy chay World Cup 2018. Ảnh: Reuters Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau sự kiện Crimea (tháng 3/2014), Nga đã có những thay đổi mạnh trong chính sách và những chiến lược, chương trình thông tin đối ngoại nói chung cũng như công tác truyền thông, báo chí nói riêng nhằm mục tiêu lấy lại cái nhìn công bằng đối với nước Nga như một cường quốc trên thế giới.

Báo chí truyền thông Nga

Liên bang Nga đã ban hành Các văn bản pháp luật về quản lý báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng (TTĐC) trong đó, văn bản quan trọng nhất chính là Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993.

Luật 1991 về phương tiện TTĐC định nghĩa: Phương tiện TTĐC là các xuất bản phẩm định kỳ, các hệ thống phát thanh, các hệ thống truyền hình, các chương trình video, chương trình phim ảnh, sản phẩm kỹ thuật số, các hệ thống phổ biến thông tin khác...

Ngành báo in Nga ra đời từ cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18 và hiện nay Nga có khoảng 27.500 tờ báo và các ấn phẩm hàng ngày. Ngoài ra có khoảng 20.500 tạp chí... Tổng cộng khoảng hơn 51.000 sản phẩm in ấn. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Lavender, Nga vẫn là quốc gia yêu thích đọc sách, báo truyền thống: có tới 62% người dân đọc các ấn phẩm in ấn. Số lượng ấn phẩm báo hàng năm của Nga đạt khoảng 8 tỉ bản, tạp chí khoảng 1,6 tỉ bản.

Từ ngày 1/10/1931 truyền hình Nga bắt đầu có bản tin thường xuyên. Hiện nay, Liên bang Nga có 16 kênh Nga, 117 kênh TH cáp, 7 kênh quốc tế, 180 kênh TH địa phương và 30 kênh các vùng xa và thành phố nhỏ. Tổng cộng khoảng 330 kênh. Về phát thanh của Nga, với chương trình đầu tiên có tên là Đài toàn Liên bang (sau này đổi tên là Radio 1) phát sóng ngày 23/11/1924. Chương trình đài mang tính thương mại là “Европа Плюс” (Europaplus) phát sóng ngày 30/4/1990.

Đài truyền thanh có 2 loại, Nhà nước và thương mại. Tiếng nói nước Nga, Голос России, Voice of Russia (1929 - 2014) là đài phát thanh quốc tế chính thức của Chính phủ Nga. Cơ quan tiền thân của đài là Đài Tiếng nói Matxcơva (Radio Moscow) - đài phát thanh của Chính phủ Liên Xô. Đài Tiếng nói Matxcơva bắt đầu lên sóng vào năm 1929, từ trạm truyền thanh RV-1 ở Matxcơva. Năm 1935, đài xây dựng thêm 1 trạm truyền thanh ở SP. Năm 1939, đài được phát sóng bằng sóng trung và sóng ngắn với 5 thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Ý và Ả Rập.

Tháng 01/1992, sau khi Nga tuyên bố độc lập, theo sắc lệnh Tổng thống Liên bang Nga, Hãng thông tấn Điện tín Thông tin Nga (ITARTASS) đã hình thành, kế tục TASS. Ảnh và dịch vụ đồ họa của ITARTASS phản ánh sự kiện theo thời gian thực; thông tin của ITAR-TASS cũng được cập nhật liên tục bằng 6 thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ả-rập.

Tháng 12/2013, Tổng Thống V. Putin ra sắc lệnh đóng cửa Hãng thông tấn Ria Novosti và Đài Tiếng nói nước Nga, đồng thời tuyên bố hãng thông tấn này sẽ được thay thế bằng một cơ quan mới có tên gọi là “Rossiya Segodnya” (Russia Today Nước Nga Ngày nay). Hiện tại, “Nước Nga Ngày nay” kết hợp phát sóng, đưa tin tức bằng tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả-rập, tiếng Đức và tiếng Trung Quốc. Ở nước ngoài, nhóm phương tiện truyền thông được đại diện bởi một hãng tin quốc tế và đài phát thanh với các trung tâm thông tin đa phương tiện mang tên Sputnik, trong đó có trang tiếng Việt (tiếng Việt - địa chỉ: www.vn.sputniknew.com).Trước đó, Nga cũng ban hành Chiến lược phát triển xã hội thông tin tại Liên bang Nga từ năm 2008 - 2015. Năm 2017, Tổng thống V. Putin ký sắc lệnh về Chiến lược phát triển xã hội thông tin tại Liên bang Nga từ năm 2017 - 2030.

Tháng 11/2017, Nga đã thông qua dự luật yêu cầu các cơ quan truyền thông đại chúng được tài trợ từ nước ngoài phải đăng ký dưới danh nghĩa “cơ quan đại diện nước ngoài” nhằm quản lý hiệu quả hơn các thông tin về nước Nga do truyền thông và báo chí nước ngoài đưa tin.

Nước Nga đã và đang đưa ra những hoạt động truyền thông, báo chí phù hợp để bảo vệ lợi ích của quốc gia mình trước sức ép của dư luận quốc tế. Ảnh: TL

Một số vấn đề rút ra

Báo chí truyền thông của Liên bang Nga có lịch sử lâu đời, thời gian qua đã có những bước thay đổi phù hợp với xu hướng mới như ứng dụng công nghệ hiện đại, chiến lược phát triển dài hạn, đội ngũ nhân sự bài bản, đa dạng hóa quyền sở hữu các phương tiện truyền thông..., đáp ứng các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... đặt ra trong từng giai đoạn của đất nước và bắt kịp trào lưu chung của thế giới. Nước Nga coi truyền thông, báo chí là một nguồn sức mạnh mềm to lớn và đã sử dụng hiệu quả “vũ khí” này. Quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông mềm dẻo và linh hoạt. Đặc biệt dưới thời Tổng Thống Putin, Nhà nước đã ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật để tạo đà phát triển và ổn định cho báo chí và truyền thông trong tình hình mới.

Báo chí Liên bang Nga chịu bị một số nước phương Tây chỉ trích cái gọi là “dân chủ”, nhưng trên thực tế, nước Nga đang đưa ra các chiến lược quốc gia để xây dựng một xã hội thông tin trong đó chú trọng đến xây dựng hạ tầng cơ sở, cũng như các hạ tầng pháp luật để bảo đảm quyền lợi cho người dân tiếp cận thông tin hiệu quả. Trong cuộc chiến thông tin của truyền thông, báo chí phương Tây có những sai lệch và quan điểm thù hận với nước Nga. Nước Nga đã và đang đưa ra những hoạt động truyền thông, báo chí phù hợp để bảo vệ lợi ích của quốc gia mình.

Chiến lược thông tin đối ngoại của Liên bang Nga là một phần của chiến lược chính sách đối ngoại. Vì thế, báo chí và truyền thông Nga là tiếng nói của Nhà nước về đời sống xã hội Nga, về các vấn đề thời sự trong khu vực và trên thế giới. Nước Nga luôn mong muốn một thế giới hòa bình và muốn khẳng định vị trí quan trọng của mình trên trường quốc tế.

Năm 2017, Việt Nam kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng 10 Nga vĩ đại (11/1917 - 11/2017). Đối với người dân Việt Nam, Liên Bang Nga (Liên Xô trước đây) mãi là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị, là kỷ niệm đẹp đẽ về chủ nghĩa xã hội. Việt Nam luôn coi Liên bang Nga là đối tác chiến lược và người bạn tin cậy do đó, rất cần có nhiều bài viết và nhiều tài liệu để người Việt Nam hiểu đúng về nước Nga. Đặc biệt, trong chiến lược thông tin đối ngoại, rất cần cụ thể và phù hợp với chính sách ngoại giao từng giai đoạn để thực sự tạo sức mạnh to lớn trên trường quốc tế, bảo vệ hiệu quả lợi ích quốc gia.

TS. Nguyễn Thị Hồng Nam

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/bao-chi-truyen-thong-nga-thoi-ky-hoi-nhap-n10060.html