Báo chí tồn tại và phát triển nhờ niềm tin của xã hội

Hiện nay, xây dựng các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo vững mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa mang tính lâu dài, đặc biệt là đối với những người tham gia công tác lãnh đạo tại tòa soạn. Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2020), phóng viên Báo Lao động Thủ đô đã có cuộc phỏng vấn nhà báo Trần Lan Anh – Phó Tổng biên tập Báo Nhà báo & Công luận về một số nội dung xung quanh vấn đề phát triển báo chí hiện nay.

Phóng viên: Bối cảnh báo chí hiện nay vẫn đặt ra cho những người đứng đầu các tờ báo thách thức không hề nhỏ. Theo nhìn nhận của bà, những thách thức của báo chí nói chung và của riêng báo Nhà báo & Công luận hiện nay là gì?

Nhà báo Trần Lan Anh: Áp lực đổi mới đang buộc những người cầm lái phải có bước đi thận trọng để giải quyết hài hòa câu chuyện làm báo và làm kinh tế báo chí. Thời điểm hiện tại, tự chủ trong báo chí không còn là xu hướng, mà đã trở thành kế hoạch cụ thể “nóng hổi’ đối với từng cơ quan báo chí truyền thông. Bước ra tự chủ đồng nghĩa với đơn vị báo chí cũng giống như doanh nghiệp, làm thế nào để có kinh phí vận hành bộ máy như: chi trả lương, thưởng, nhuận bút, văn phòng phẩm...

Một điều khó hơn so với doanh nghiệp và cũng là khó nhất của báo chí bước ra tự chủ, đó chính là định hướng nội dung thông tin, bởi báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, vì thế không thể vì chuyện tăng doanh thu mà để bị cuốn vào cơn lốc “lá cải hóa”, xa rời tôn chỉ mục đích. Thông tin thế nào để vừa trung thực khách quan, đúng bản chất sự thật mà lại hấp dẫn, thu hút nhiều kiểu thị hiếu khác nhau của độc giả là một lời giải luôn đặt ra đối với mỗi tòa soạn, trước mỗi quyết định xuất bản một tin, bài.

Báo Nhà báo & Công luận cũng vậy thôi. Chúng tôi vừa phải đảm bảo nội dung thông tin chất lượng theo đúng tôn chỉ mục đích, vừa phải xoay xở tự chủ để đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Trong bối cảnh hiện nay, đúng là “khó trăm bề”. Nhưng “khó trăm bề” thì vẫn phải tìm ra một lối để đi, để phát triển.

Nhà báo Trần Lan Anh- Phó Tổng biên tập Báo Nhà Báo & Công Luận

Nhà báo Trần Lan Anh- Phó Tổng biên tập Báo Nhà Báo & Công Luận

*Bà từng chia sẻ rằng “Tài sản quý giá nhất của tờ báo và nhiều nhà báo chính là lòng tin của người dân”, vậy theo bà, để có được niềm tin của công chúng các tờ báo, nhà báo cần làm gì?

Câu chuyện về báo chí tạo dựng niềm tin cho xã hội không phải bây giờ mới được nhắc đến. Cũng không phải vô tình mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh nhiều lần: “Báo chí tạo niềm tin xã hội, thì phóng viên chúng ta phải là người được tin cậy nhất trong xã hội” bởi trong khi hoạt động tác nghiệp báo chí, sự tương tác với bạn đọc thay đổi so với truyền thống, thì có một vấn đề báo chí vẫn giữ nguyên, bất biến xuyên suốt quá trình phát triển của báo chí, đó là “đạo đức nghề nghiệp”.

Báo chí tồn tại nhờ niềm tin xã hội, không ngẫu nhiên mà từ rất lâu rồi, dân ta có câu “Nói hay như đài”, hay “Báo đăng đây này”. Niềm tin mà đông đảo thính giả, khán giả, độc giả dành cho các cơ quan báo chí từng là niềm vinh dự, tự hào của những người cầm bút chân chính! Nhưng trước guồng quay nghiệt ngã của cơ chế thị trường, nhiều cơ quan báo chí, nhất là các báo có xu hướng chạy theo thị trường, các báo điện tử muốn tồn tại đòi hỏi phải lao vào cuộc chạy đua tìm kiếm thông tin - thậm chí là “cuộc chiến” cạnh tranh thông tin - vô cùng quyết liệt. Thật lòng mà nói, nghề báo tuy có tổn thất dăm bảy người cầm bút vì bản lĩnh non, phẩm chất kém, trách nhiệm tồi... cũng chả sao. Nhưng mất mát lớn hơn, đấy chính là niềm tin của công chúng với giới báo bị lung lay, chao đảo!

Tôi vẫn tin rằng những người làm báo chân chính vẫn đủ niềm tin trong sự bùng nổ thông tin của thời đại ngày nay, báo chí càng cần có mặt để làm nơi neo đậu niềm tin cho xã hội, với điều kiện người làm báo phải thực hiện bằng trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp của mình. Nếu không làm được điều đó, độc giả không cần báo chí nữa. Một khi nhà báo bền bỉ, thành tâm nuôi dưỡng niềm tin, ngày ngày tháng tháng- thông qua những tác phẩm báo chí tốt đẹp của mình- để gieo trồng niềm tin cho công chúng, vun đắp niềm tin cho xã hội, thì nhất định sẽ được công chúng và xã hội dành trọn tình cảm mến yêu. Vị trí của nhà báo trong xã hội do chính các nhà báo tạo ra. Không thể đòi hỏi xã hội coi trọng nếu nhà báo không phụng sự xã hội, phụng sự đất nước và nhân dân mình.

*Trong tình hình báo chí phải đối mặt với những khó khăn thách thức như hiện nay, đặc biệt là sự lấn lướt của mạng xã hội thì Báo Nhà báo & Công luận đã có định hướng cụ thể như thế nào về cách tác nghiệp cho các nhà báo của mình?

Với sự xuất hiện của Internet và truyền thông xã hội, việc cung cấp thông tin đã không còn là việc làm đặc thù của nhà báo. Khái niệm “nhà báo công dân” xuất hiện cùng với sự phát triển và ra đời của Internet và truyền thông xã hội. Tuy nhiên, nhà báo khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội, cùng với những kỹ năng nghề mà họ được trang bị, rèn luyện, trau dồi qua quá trình hoạt động báo chí sẽ khẳng định vai trò của mình qua sự chuyên nghiệp trong việc thông tin một cách chính xác, khách quan và có trách nhiệm.

Sự chuyên nghiệp trong thông tin và trách nhiệm là hai yếu tố tạo nên sự khác biệt của nhà báo trong quá trình tham gia thông tin trên truyền thông xã hội. Hai yếu tố này có mối quan hệ biện chứng không tách rời nhau. Người bình thường khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội không yêu cầu sự chuyên nghiệp khi đưa thông tin như nhà báo (kiểm chứng, xác minh, đánh giá…) nhưng vẫn chịu sự điều chỉnh của luật pháp. Trái lại, một nhà báo chuyên nghiệp với đầy đủ kỹ năng, nghiệp vụ báo chí được đào tạo và luôn trau dồi nâng cao nghiệp vụ cần đề cao trách nhiệm khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội. Tại Báo Nhà báo & Công luận, đâylà vấn đề luôn được Ban biên tập nhấn mạnh trong các cuộc họp chuyên môn và chi hội về định hướng tác nghiệp của phóng viên.

*Hiện nay, số lượng các nhà báo nữ là lãnh đạo các cơ quan báo chí chiếm tỷ lệ ít hơn so với nam giới, theo bà việc nữ là lãnh đạo có phải là một bất lợi không? Và những nhà báo nữ muốn sống được với đam mê, muốn gắn bó với nghề cần trang bị cho bản thân những gì?

Nữ giới từ lâu đã vươn lên làm lãnh đạo ở nhiều ngành, nghề, đâu chỉ ở nghề báo. Tỉ lệ ít không có nghĩa là bất lợi. Còn để gắn bó với nghề, thì ai cũng phải tự trang bị cho mình những yếu tố tối thiểu để làm hành trang mà tồn tại với nghề. Kiến thức văn hóa và công nghệ, kỹ năng tác nghiệp và sức khỏe. Quan trọng nhất là tình yêu, niềm đam mê với các nghề mình chọn, vì nghề báo, không chỉ đơn thuần là nơi bạn kiếm sống, nó còn mang thêm sứ mệnh phản ánh, định hướng dư luận. Nếu không yêu, bạn sẽ không bao giờ dám dân thân đến cùng vì nó.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nhóm PV

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bao-chi-ton-tai-va-phat-trien-nho-niem-tin-cua-xa-hoi-109590.html