Báo chí tiếp tục nhiệm vụ tuyên truyền trong thực hiện 'mục tiêu kép'

Chiều 16/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và đại diện các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trong thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, dịch COVID-19 được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đa dạng với tất cả các hình thức truyền thông như trên báo chí, qua tin nhắn SMS, truyền thông trên tất cả các loại hình mạng xã hội, sử dụng các ứng dụng trên nền tảng internet, truyền thông tại cơ sở, truyền thông trực tiếp tại công động…

Các cơ quan báo chí, các cơ quan truyền thông đã mở chuyên trang, chuyên mục, hàng nghìn tin, bài tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh. Các địa phương phát huy tối đa hiệu quả tuyên truyền của hệ thống đài truyền thanh, tổ chức xe tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi, lắp đặt pano, áp phích tại những địa điểm công cộng…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen cho 18 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống COVID-19

Các cơ quan báo chí tuân thủ nghiêm kỷ luật thông tin, bám sát chỉ đạo, định hướng của các cơ quan chức năng khi thông tin về sự việc. Thông tin trên báo chí là dòng thông tin chủ lưu, tin tức chính thống được các tầng lớp nhân dân tin tưởng, theo dõi về diễn biến của tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Công tác thông tin đối ngoại được triển khai chủ động, đồng bộ, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi và được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Công tác nắm bắt tình hình, đấu tranh, phản bác các thông tin quan điểm sai trái, thù địch được tiến hành thường xuyên, kịp thời và hiệu quả.

Thủ tướng và các đại biểu xem triển lãm tranh, ảnh về phòng chống COVID-19.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong trận chiến với “giặc” COVID-19, chúng ta đã huy động sức mạnh của nền báo chí cách mạng, sử dụng triệt để các hình thức tạo ra chiến dịch truyền thông với những dấu ấn thật sự ấn tượng. Có nhiều tờ báo, nhiều nhà báo đề nghị vào được ăn cùng, làm cùng, cách ly cùng với các thầy thuốc là những hình ảnh không bao giờ quên trong trận chiến này.

Các phóng viên không ngại các điểm nóng, ổ dịch để cập nhật thông tin 24/7, làm sao để có được những thông tin chỉ đạo điều hành, tình hình dịch bệnh, khuyến cáo phòng ngừa mới nhất, cập nhật nhanh nhất để phục vụ nhu cầu của công chúng. Nhờ đó mà các thông tin chính thống, chính xác về phòng, chống dịch đã tạo một dòng chảy truyền thông, tạo được niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và sự tham gia của các cấp, các ngành.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những đóng góp to lớn của đội ngũ báo chí, thông tin, truyền thông trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19. Đồng thời Thủ tướng cũng chúc mừng những người làm báo nhân kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định: Những đóng góp to lớn, trực tiếp của lĩnh vực truyền thông, thông tin, báo chí đã góp phần vào thành công bước đầu chống dịch COVID-19 của Việt Nam qua các tác phẩm, ấn phẩm báo chí có giá trị với thời gian.

Thủ tướng cho biết, toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân đồng lòng chống dịch, nên chúng ta đã làm tốt công tác phòng chống lây nhiễm, hạn chế tối đa lây nhiễm ra cộng đồng. Số người mắc trên tổng số dân là thấp nhất, chi phí cho dịch bệnh ít nhất, đến nay Việt Nam chưa có ca tử vong.

Không những thế, với truyền thông nhân văn, nhân ái “lá lành đùm lá rách”của người Việt Nam, chúng ta đã chữa khỏi bệnh cho gần hết các bệnh nhân COVID-19 có quốc tịch nước ngoài. Khi phi công người Anh có nguy cơ phải ghép phổi thì 50 người tình nguyện sẵn sàng hiến phổi cho bệnh nhân này. Hay, chúng ta đã tổ chức nhiều chuyến bay vào tâm dịch đưa công dân Việt Nam về nước. Điển hình là chuyến bay vào tâm dịch Vũ Hán đón công dân, du học sinh và trẻ em về nước an toàn.

Thủ tướng cũng đánh giá rất cao sự đồng tâm, nhất trí từ trên xuống dưới, sự phối hợp, chia sẻ giữa các lực lượng trong cuộc chiến chống dịch vừa qua, đây là điều rất quan trọng. Chính vì lẽ đó mà chúng ta là một trong số ít các nước bắt đầu đến tiến trình bình thường mới sau đại dịch sớm nhất thế giới. Chúng ta đã thực hiện thành công bước đầu mục tiêu kép, và mục tiêu kép này tiếp tục thực hiện.

Tuy đã hơn 2 tháng Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng Thủ tướng nhắc nhở chúng ta không được chủ quan, khi một số nước trên thế giới đã xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng, như Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày hôm qua (15/6) có 42 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Vì vậy, nhiệm vụ của Bộ Y tế và các địa phương hết sức nặng nề, nếu có điểm nào nghi ngờ ca bệnh phải tập trung xử lý. Nếu có ca bệnh nào xuất hiện lại, Bộ Y tế phải tập trung điều trị, khống chế và dập dịch ngay. “Chúng ta không được chủ quan, nếu chủ quan là phải trả giá”, Thủ tướng nói.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đề ra các nhiệm vụ cho cơ quan báo chí, truyền thông trong thời gian tới, cần làm tốt công tác thông tin truyền thông trong thực hiện mục tiêu kép, truyền thông phải góp phần lan tỏa tích cực trong xã hội những tấm gương tốt, thông tin tốt…để kinh tế bật dậy, thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ của truyền thông rất quan trọng.

Tiếp tục truyền thông, thông tin góp phần vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đóng góp vào nỗ lực xử lý các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng, xuất khẩu…Chủ động thực hiện tốt thông tin đối ngoại, tuyên truyền những nỗ lực, thành tựu chống dịch của Việt Nam để nước ta là điểm đến an toàn, năng động trong mắt các nhà đầu tư, bạn bè quốc tế.

Nhân sự kiện này, Thủ tướng quyết định thưởng 1 tỷ đồng cho tất cả các cơ quan báo chí tham gia vào công tác chống dịch COVID-19. Tại Hội nghị, 18 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Trần Hằng – Trần Ngọc

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/bao-chi-tiep-tuc-nhiem-vu-tuyen-truyen-trong-thuc-hien-muc-tieu-kep-599262/