Báo chí thời đại công nghệ số: Con dao 2 lưỡi, nhức nhối nạn tin giả

Trong thời đại công nghệ số ngày càng phát triển, mạng xã hội đã trở thành một kênh thông tin trong đời sống xã hội nhưng tin tức giả cũng trở thành vấn đề nhức nhối.

Tin giả - thách thức báo chí thời công nghệ số

Theo một số liệu mới đây của một công ty sở hữu mạng xã hội thì hiện nay số lượng người Việt Nam sử dụng mạng xã hội này lên tới con số hơn 40 triệu tài khoản. Còn số liệu thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Bkav cho thấy, 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó 40% là nạn nhân hàng ngày. Tin giả trên mạng xã hội không chỉ khiến người đọc hoang mang, tin tức giả mạo còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.

Những người làm báo đang đượ hỗ trợ tích cực bởi công nghệ số (Ảnh minh họa)

Những người làm báo đang đượ hỗ trợ tích cực bởi công nghệ số (Ảnh minh họa)

Thực tế tại Việt Nam, không ít nhà báo đã bị lừa bởi thông tin trên mạng xã hội. Chẳng hạn vụ đăng tải thông tin về dàn siêu xe gắn biển xanh của thành phố Cần Thơ, cậu bé 11 tuổi tự tử vì không có áo mới đến trường… Hệ lụy là nhiều cơ quan báo chí đã bị cơ quan quản lý nhắc nhở, xử phạt.

Trả lời câu hỏi của báo chí trong cuộc họp báo trước phiên khai mạc “Diễn đàn internet Việt Nam 2019 - Công nghệ số cho những điều tốt đẹp” diễn ra vào đầu năm 2019, ông Micheal Croft, đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực thì sự bùng nổ của internet và các mạng xã hội đã và đang đặt ra thách thức lớn đối với báo chí về nạn tin giả.

Theo đó, sự vào cuộc của hàng loạt quốc gia trong cuộc chiến chống tin giả cho thấy nguy cơ từ tin giả ngày càng trở nên phức tạp, nguy hiểm. Thực tế này không chỉ yêu cầu các quốc gia có thái độ nghiêm túc, hành động quyết liệt, có sự hợp tác trên quy mô toàn cầu, mà còn đòi hỏi trách nhiệm từ chính các cơ quan, đơn vị báo chí.

“Trong bối cảnh tin xuyên tạc và tin sai ngày nay, nguy cơ cuối cùng không phải là sự kiểm soát báo chí mà là việc công chúng có thể hoài nghi tất cả mọi thứ, kể cả tin sự thật của báo chí. Theo kịch bản này, mọi người sẽ có khả năng tin tưởng vào bất cứ nội dung gì được các mạng xã hội của họ ủng hộ và phù hợp với cảm xúc mà bỏ qua quan tâm của lý trí” – đại diện UNESCO khuyến cáo.

Trước vấn nạn trên, vai trò của báo chí truyền thống, với tư cách là người đảm bảo chất lượng của thông tin đại chúng đã bị suy giảm. Thông tin của báo chí truyền thống đã bị nhấn chìm trong dòng thác các dữ liệu được đưa ra từ vô số nguồn của các cá nhân hay tổ chức ẩn danh khác nhau, mà đa phần là tin tức giả mạo hay sự nhào trộn khéo léo giữa tin thật và tin giả. Việc lan truyền tin giả, đang trở thành mối lo ngại lớn khi truyền thông xã hội ngày càng phát triển, làm xói mòn lòng tin của độc giả vào truyền thông.

Chủ động đấu tranh với thông tin sai sự thật

Đầu năm 2018, theo thống kê của trang web Hootsuite và We Are Social, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 7 với 58 triệu người dùng điện thoại thông minh, tăng 5% trong quý 1, và rộng hơn là 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngày càng có nhiều người sử dụng điện thoại đồng nghĩa với việc gia tăng nhu cầu sử dụng MXH.

Các số liệu thống kê cho thấy lượng người dùng MXH nói chung trên toàn thế giới đã chạm ngưỡng xấp xỉ 3,3 tỷ. Trước đó, kết quả khảo sát năm 2017 của Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội “VPIS” cho thấy, Việt Nam có hơn 35 triệu người sử dụng MXH (chiếm 37% dân số) với thời lượng trung bình dành cho MXH khoảng 2 giờ 18 phút mỗi ngày.

... nhưng công nghệ số phát triển cũng kéo theo nạn tin giả hoành hành (Ảnh minh họa)

Với lượng lớn người đang sử dụng MXH, đây thực sự là “nguồn tin” cực kỳ phong phú cho báo chí. Song, thông tin từ MXH cũng như con dao hai lưỡi, nếu người làm báo không thận trọng, tỉnh táo kiểm chứng thông tin thì sẽ “tiếp tay” cho thông tin giả bùng phát, lan truyền. Báo chí là một trong những lực lượng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tin tức giả và các loại thông tin xấu khác. Trong môi trường thông tin đa chiều như hiện nay, báo chí không chỉ làm nhiệm vụ phản ánh đời sống xã hội chân thực mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng thông tin tới công chúng, bác bỏ những tin đồn thất thiệt một cách nhanh chóng, đúng và kịp thời.

Người làm báo cũng là một độc giả trong dòng chảy thông tin. Tuy nhiên, độc giả không phải là người làm báo khi tiếp nhận thông tin có thể lựa chọn thu nhận hoặc không thu nhận thông tin vào bộ nhớ của mình. Còn người làm báo, khi phát hiện thông tin trên MXH, luôn phải tỉnh táo, có sự kiểm chứng nhiều chiều. Nếu thông tin đúng, nhà báo có thể biến dữ liệu này thành thông tin riêng của mình một cách trách nhiệm. Nếu thông tin sai, nhà báo cũng có nhiệm vụ phản bác, đấu tranh, cung cấp cho độc giả nội dung đúng để chống sự nhiễu loạn thông tin.

Thời đại bùng nổ thông tin, đây cũng chính là lúc thông tin báo chí đóng vai trò giúp công chúng tìm ra đâu là sự thật, giải đáp thắc mắc cũng như xua tan đi sự hoài nghi, qua đó định hướng dư luận. Như vậy, báo chí ngày càng đóng vai trò quan trọng, là chủ thể chính trong thời đại bùng nổ thông tin mà xuất phát chủ yếu từ các trang mạng xã hội.

Xem thêm: Mạng xã hội thách thức báo chí truyền thông (Nguồn: VTC1)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/bao-chi-thoi-dai-cong-nghe-so-con-dao-2-luoi-nhuc-nhoi-nan-tin-gia-d144981.html