Báo chí tạo nên sự kết nối, lan tỏa trong hoạt động của Quốc hội

PGS, TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân nhấn mạnh như vậy khi phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học 'Báo chí với hoạt động kỳ họp của Quốc hội' do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tại Hà Nội, chiều 19-6.

Tham dự hội thảo có Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp -PGS, TS Nguyễn Đình Quyền; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các diễn giả và phóng viên các cơ quan báo chí.

PGS, TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo PGS, TS Đỗ Chí Nghĩa, hoạt động của Quốc hội đang ngày càng có nhiều cải tiến sinh động, thiết thực. Vai trò của Quốc hội ngày càng lớn, uy tín của Quốc hội ngày càng cao, đòi hỏi thông tin về hoạt động của Quốc hội toàn diện và hiệu quả hơn. Báo chí là cầu nối nhân dân, cử tri với Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã từng nói đại ý, nếu không có báo chí thì thông tin hoạt động Quốc hội sẽ chỉ gói gọn trong phạm vi các phòng họp, không thể có sự kết nối, lan tỏa. Báo chí trách nhiệm, sắc nét, đại biểu chuẩn mực, công tâm, chia sẻ, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa ra xã hội. Báo chí và thông tin báo chí là một phần không thể thiếu làm nên sức lan tỏa hoạt động Quốc hội nói chung, các kỳ họp Quốc hội nói riêng.

Tuy nhiên, PGS, TS Đỗ Chí Nghĩa cũng cho rằng, bên cạnh mặt tích cực là chủ đạo và nổi bật, thông tin phản ánh về các kỳ họp Quốc hội trên báo chí cũng còn những hạn chế nhất định. Đó là thông tin trên một số báo chưa sâu, chưa bám sát và phản ánh toàn diện, kịp thời các nội dung Quốc hội bàn thảo. Cá biệt, còn có những bài báo, trang báo điện tử giật tít phản cảm, phiến diện, làm sai lệch ý nghĩa và bản chất vấn đề. Có hiện tượng nhà báo dự kỳ họp nhưng không tha thiết với nội dung họp mà chỉ “săn” đại biểu để phỏng vấn các nội dung khác theo mong muốn chủ quan, lồng ghép động cơ cá nhân không tích cực…

Phát biểu tham luận tại hội thảo, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết, tại mỗi kỳ họp Quốc hội có khoảng 600 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đại diện cho hơn 100 cơ quan thông tấn báo chí ở trong nước và quốc tế tham gia đưa tin về kỳ họp. Với số lượng phóng viên lớn như vậy, công tác báo chí tuyên truyền luôn được Văn phòng Quốc hội quan tâm, chú trọng và tổ chức chặt chẽ.

Đại tá Đỗ Phú Thọ, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân trình bày tham luận tại hội thảo.

Nhắc tới công tác tuyên truyền của báo chí về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, Đại tá Đỗ Phú Thọ, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh: “Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội được phát thanh, truyền hình cả nước, được nhiều tờ báo tường thuật, bình luận, qua đó, người dân có thể “chấm điểm” cả người hỏi và người trả lời. Chính vì lẽ đó, việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội có vai trò đặc biệt quan trọng”.

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Đại tá Đỗ Phú Thọ kiến nghị 6 nhóm giải pháp về hoàn thiện hành lang pháp lý; công tác thông tin tới báo chí trước khi tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; thông tin chuyên sâu trên hệ thống thông tin, báo chí của Quốc hội trong thời gian diễn ra chất vấn và trả lời chất vấn; đại biểu gửi thông tin hậu chất vấn đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội để báo chí tiện khai thác; tổ chức đường dây nóng để cử tri và nhân dân phản ánh, kiến nghị kịp thời; việc lựa chọn phóng viên có phẩm chất, năng lực nổi trội khi đưa tin về các phiên chất vấn và trả lời chất vấn…

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bao-chi-tao-nen-su-ket-noi-lan-toa-trong-hoat-dong-cua-quoc-hoi-541847