Báo chí Mỹ bị 'dắt mũi' hoàn toàn vụ Khashoggi: Chiến lược truyền thông 'cáo già' của Thổ Nhĩ Kỳ?

Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã sử dụng chiến lược truyền thông 'mượn miệng' báo chí Mỹ để chỉ trích Saudi Arabia trong vụ nhà báo Khashoggi. Một bước đi chỉ có ở những quốc gia bậc thầy về quyền lực mềm.

Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đăng tải thông tin về vụ Khashoggi sau khi truyền thông Mỹ đã nói hết về vụ việc dựa trên chính nguồn tin từ Thổ Nhĩ Kỳ.

“Người bạn thực sự sẽ luôn kể cho bạn sự thật cay đắng nhất”, đó là một câu tục ngữ nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau sự biến mất của nhà báo Jamal Khashoggi vào ngày 2/10, một loạt các sự thật cay đắng bắt đầu được đăng tải trên các phương tiện truyền thông Mỹ dựa trên những nguồn tin giấu tên của Thổ Nhĩ Kỳ.

Với việc báo chí Mỹ “đói” thông tin về vụ việc, đây được coi là những tư liệu quý giá để giúp truyền thông nước này biết những sự thật ẩn giấu sau tội ác lớn nhất thập kỷ. Tuy nhiên, người Mỹ có thể không biết rằng, đằng sau đó là một chiến lược truyền thông đầy toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ.

Báo chí Mỹ dẫn nguồn tin từ đâu?

Sự thiếu thốn thông tin trong những ngày đầu xảy ra vụ việc nhà báo Khashoggi mất tích đã mở đường cho một loạt những suy đoán, tình tiết ly kì và thuyết âm mưu được báo chí Mỹ đưa ra.

Toàn bộ câu chuyện được xây dựng như một bộ phim tội phạm thường thấy trên màn ảnh, dẫu cho thông tin nền chỉ xoay quanh việc Khashoggi bước vào lãnh sự quán Saudi ở Istanbul và không ra ngoài.

Trên thực tế, tất cả các thông tin được báo chí Mỹ đưa ra đều là phỏng đoán, được nghe và tuyên bố lại bởi các nguồn vô danh. Để làm vững chắc thêm nguồn tin của mình, các tờ báo này đều đi kèm với lưu ý rằng đây là các nguồn tin xuất phát từ các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đang điều tra vụ việc.

Các báo cáo giật gân nhất, chứa đựng những cú sốc khủng khiếp xoay quanh vụ ám sát Khashoggi, lại đến từ những nguồn tin từ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong khi chính quyền Ankara còn chưa hề đưa ra bất kỳ thông tin chính thức nào.

Kỳ lạ hơn, các nguồn tin mà báo chí Mỹ dẫn là từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không hề có một phương tiện truyền thông nào của nước này đăng tải công khai. Trong một động thái bất ngờ, các nhà báo địa phương dường như đã lùi lại một bước và cho phép các phương tiện truyền thông Mỹ dẫn đầu về việc đưa tin.

Lần đầu tiên một phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin về vụ việc là tờ báo hàng ngày Sabah hôm 10/10, khi xuất bản các bức ảnh cho thấy nhóm hành động của Saudi đang tiến vào lãnh sự quán.

Cho đến lúc đó, các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã yên lặng một cách khó hiểu.

Những thông tin giật gân của tờ Yeni Safak với những chi tiết khủng khiếp cũng chỉ được đăng tải vài ngày sau đó, vào giữa tháng 10 – thời điểm mà báo chí Mỹ thậm chí đã nói về việc nhà báo Khashoggi có thể bị phân xác để che giấu.

Chiến lược truyền thông tinh quái

Chính quyền Tổng thống Erdogan không hé lộ tình tiết nào chính thức ngoại trừ việc đưa ra một số tuyên bố chỉ trích Saudi Arabia.

Theo Middle East Eye, Thổ Nhĩ Kỳ đã có những tính toán đầy khôn khéo khi thực hiện một chiến lược truyền thông “mượn miệng” người khác để nói. Đằng sau đó, Ankara có những mục tiêu muốn đạt được.

Một trong những lý do mà Thổ Nhĩ Kỳ liên tục “nhỏ giọt” những thông tin gây sốc cho báo chí Mỹ chính là để khuấy động sự phẫn nộ trong công chúng; gây áp lực lên mối quan hệ thân thiết của chính quyền Tổng thống Donald Trump với Thái tử Mohammed Bin Salman (MBS) của Saudi Arabia.

Bên cạnh đó, bằng việc gắn mác là các nguồn tin giấu tên và cung cấp cho giới truyền thông Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tránh được rủi ro đối với truyền thông trong nước khi có thể đối mặt với những cáo buộc từ Saudi Arabia về việc thúc đẩy các phương tiện truyền thông điên cuồng chống lại Thái tử MBS.

Về mặt ngoại giao chính thức, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã rất khôn khéo khi lựa chọn giải pháp giữ im lặng, cách thể hiện mà Saudi Arabia sẽ không thể bắt bẻ. Trong khi đó, quốc gia Ả Rập sẽ không thể chỉ trích được Ankara về việc không thể kiểm soát được một vài quan chức hé lộ vụ việc cho giới truyền thông.

Cần phải nhớ rằng, Thổ Nhĩ Kỳ và các cường quốc vùng Vịnh như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã luôn có một sự đối đầu ngầm kể từ sau sự kiện mùa Xuân Ả Rập năm 2011.

Với vụ Khashoggi lần này, chiến lược truyền thông nhằm hạ bệ uy tín Saudi của Thổ Nhĩ Kỳ đã hoạt động hiệu quả. Những thuyết âm mưu khủng khiếp từ vụ Khashoggi là nỗ lực mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc sử dụng quyền lực mềm đối với một đối thủ đáng gờm.

Cựu đại sứ Mỹ tại Azerbaijan, Matthew Bryza nhận định: "Bằng cách rò rỉ thông tin chi tiết từ các quan chức giấu tên, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo đòn bẩy lớn đối với Saudi trong khi cải thiện (hoặc tránh thiệt hại) danh tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington".

Nếu chiến lược truyền thông được thực hiện cẩn thận này tỏ ra hiệu quả trong việc giúp Ankara chống lại Riyadh, một số ý kiến cho rằng nó cũng sẽ là một công cụ thuận tiện để gây áp lực lâu dài cho đồng minh Washington.

Các nguồn tin từ Thổ Nhĩ Kỳ “mớm lời” cho phía Mỹ còn nói rằng nhà báo Khashoggi bị tra tấn dã man, những ngón tay của ông bị cắt đứt và sau đó bị phân thây trong lúc vẫn còn sống.

Nguồn tin và thậm chí là tình tiết nghe có vẻ rất hoang đường, nhưng báo chí Mỹ vẫn không ngại ngần đưa tin về điều này.

Rõ ràng công chúng sẽ không thể biết được đâu là tin thật hay tin giả. Nhưng họ chỉ cần biết một điều rằng, nếu ông Trump bao che cho Thái tử MBS thoát khỏi một vụ giết người tàn bạo như vậy, họ sẽ có cái nhìn mất đi thiện cảm với đảng viên Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ.

Trong quá khứ, các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã hoài nghi về vai trò của các phương tiện truyền thông quốc tế. Nhưng giờ đây, Ankara đang thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về "quyền lực mềm" trong việc kể câu chuyện theo cách của mình và ảnh hưởng đến quan điểm trong nước và quốc tế.

Chiến lược này được coi là một cách mới để giải quyết mối quan hệ đang xấu đi của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ sau cuộc đảo chính thất bại tháng 7/2016 và phản ứng tiêu cực của phương Tây đối với hàng ngàn vụ bắt giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ trong hai năm qua.

Những căng thẳng nói trên đã được nâng cao trong mùa hè qua trong vụ giam giữ và xét xử của mục sư người Mỹ Andrew Brunson, với các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra bởi chính quyền Trump vào tháng 8.

Sau vụ ám sát Khashoggi, Brunson được trả tự do vào ngày 12/10 và các lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ vào đầu tháng 11.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bao-chi-my-bi-dat-mui-hoan-toan-vu-khashoggi-chien-luoc-truyen-thong-cao-gia-cua-tho-nhi-ky-a410588.html