Báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén lợi hại xung kích trên mặt trận tư tưởng

Trong thế giới ngày nay, Báo chí đang trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống xã hội, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người.

Báo chí luôn được coi là lực lượng chủ lực và xung kích trên mặt trận tư tưởng, tạo sự thống nhất và liên kết trong xã hội nhằm giải quyết các nhiệm vụ xã hội. Công tác tư tưởng thực chất là việc tác động vào ý thức của con người nhằm hình thành và củng cố hệ tư tưởng chính trị lãnh đạo xã hội.

Ở mỗi loại hình, báo chí đều bám sát vào đặc điểm, tình hình thực tiễn của mỗi địa phương để thông tin, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, với phương châm “hướng mạnh về cơ sở, xung kích trên mặt trận thông tin với việc phát huy sức mạnh đa loại hình, đa phương tiện, đa ngôn ngữ, mang đến luồng gió mới, góp phần mang đến sự lạc quan, tinh thần đoàn kết, sẻ chia hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Báo chí là công cụ chính trị của Đảng, của nhà nước, của các tổ chức đoàn thể, xã hội, là diễn đàn của nhân dân và là vũ khí tư tưởng sắc bén, lợi hại. Do đó, báo chí phải thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; tăng cường truyền bá văn hóa dân tộc và tinh hoa nhân loại; xây dựng nền đạo đức mới trên nền tảng đạo lý dân tộc; vun đắp, hoàn thiện hình mẫu con người Việt Nam hiện đại, kế thừa nét đẹp truyền thống của cha ông, nâng tầm trí tuệ, tri thức khoa học, công nghệ của mỗi công dân, …làm giàu cho văn hóa dân tộc mình. Muốn vậy, báo chí và người làm báo cần nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, đồng thời nhanh chóng đổi mới nhiệm vụ để thông tin không chỉ đúng mà còn hay, sinh động, hấp dẫn cho công chúng.

Chỉ vì không nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, một số nhà báo nếu thiếu trách nhiệm chính trị; thiếu cẩn trọng khi khai thác thông tin, xử lý thông tin trước khi quyết định loan tin. Nhiều thông tin không đúng bản chất sự vụ, sự việc, vấn đề đã ít nhiều gây nhiễu, làm phân tâm niềm tin của người đọc, người nghe, người xem. Cá biệt có nhà báo phai nhạt về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, luôn tạo cho mình thứ “quyền lực đen” để rồi lợi dụng quyền hạn đó vụ lợi cá nhân, đánh mất bản thân và làm méo mó hình ảnh người làm báo cách mạng Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng, hơn ai hết, đội ngũ người làm báo đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trước thời đại mới. Mỗi người làm báo tự trang bị cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, nghiệp vụ sắc bén, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thần dũng cảm dám tiến công mạnh mẽ những thói hư, tật xấu, tham ô, hối lộ,…của một bộ phận cá nhân thái hóa, biến chất, góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, nhân văn của đời sống, xã hội.

Sinh thời, Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng” và Người cũng dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Do đó, đạo đức nghề nghiệp là điều cốt tử đối với hoạt động báo chí. Bởi nếu thiếu đạo đức, báo chí sẽ mất phương hướng, không đủ sức mạnh và độ tin cậy để có thể thực hiện đúng chức trách, sứ mệnh thiêng liêng của mình đối với xã hội; đó là chống lại những thói xấu, bảo vệ những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng nền tảng đạo đức xã hội.

Để mỗi nhà báo đều trở thành những chiến sĩ cách mạng luôn tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng ta, trước hết, phải là người thật sự vững vàng về tư tưởng chính trị và tự trang bị cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, nghiệp vụ sắc bén, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thần dũng cảm tiến công. Mỗi nhà báo cần có tâm, có trí, có dũng, có liêm, có chính và luôn dùng ngòi bút sắc bén của mình để bảo vệ chân lý, bảo vệ lợi ích của nhân dân và đất nước.

Trương Anh Sáng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/bao-chi-la-vu-khi-tu-tuong-sac-ben-loi-hai-xung-kich-tren-mat-tran-tu-tuong-a2950.html