Báo chí là người bạn đồng hành không thể thiếu trong công cuộc đổi mới giáo dục

Thời gian qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thể hiện tốt là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

LTS: Trong nhiều năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều sự thay đổi, điều chỉnh, cải cách...diễn ra liên tục. Báo chí, với vai trò giám sát, đã có những tác động tích cực để giáo dục phát triển tốt lên, đặc biệt trong việc vun đắp niềm tin của xã hội với ngành Giáo dục.

Nhân dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2022), Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để hiểu về vai trò của báo chí đối với ngành giáo dục đào tạo.

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, thời gian gần đây mạng xã hội phát triển rất nhanh và mạnh. Bên cạnh mặt tích cực là mạng xã hội truyền tải thông tin nhanh, nhạy đến người sử dụng, nhiều người (trong đó có giáo viên, học sinh) đã sử dụng mạng xã hội với mục đích không tốt. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Mạng xã hội sẽ ngày càng phát triển chứ không thể khác được. Đừng ai nghĩ sẽ ngăn cản mạng xã hội vì không thể ngăn được và xã hội hiện đại cũng rất cần có nhiều thông tin đa dạng với những góc nhìn khác nhau. Dần dần mạng xã hội sẽ có vai trò riêng của mình, liên quan đến cuộc sống sinh hoạt của cả cộng đồng rộng lớn. Nhiều người đã coi nó là một loại quyền lực rất quan trọng. Lực lượng sử dụng mạng ngày càng nhiều.

 Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam

Tôi nghĩ mạng xã hội liên quan đến vai trò báo chí truyền thông nhân dân, có cả mặt được, mặt cần và mặt dở. Mặt được là thông tin mạng xã hội đa dạng, nhiều chiều, theo các góc nhìn khác nhau, rất nhanh nhạy, cụ thể và kịp thời. Cái phải đề phòng là thông tin không đúng, không chuẩn, người đưa tin thì rất nhiều trường hợp không chịu trách nhiệm, thành loạn ngôn, xúc phạm người khác.

Vậy cần có giải pháp như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Theo tôi, thứ nhất, phải nâng cao nhận thức chung của xã hội, để tất cả mọi người khi tham gia đưa thông tin lên mạng xã hội phải ý thức được đó là công việc nhân văn, làm việc thiện và bênh vực cho cái tốt, ngăn chặn cái ác và cái xấu; góp tiếng nói có trách nhiệm cho đời, cho xã hội tốt đẹp hơn, chứ không phải đi vấy bẩn, đổ rác, làm cho môi trường sống bị ô nhiễm. Đó là ý thức xây dựng và tinh thần trách nhiệm khi đưa thông tin lên mạng.

Và mọi người cần ý thức được việc nhận thông tin trên mạng phải luôn đề phòng mặt trái của vấn đề khi thông tin không đúng, không ai chịu trách nhiệm, nâng cao khả năng đề kháng và xử lý thông tin. Có phương pháp tốt trong tiếp cận, kiểm chứng và xử lý thông tin.

Thứ hai, những quy định về pháp lý, cũng giống như viết báo vậy. Nếu vu cáo, xâm phạm tự do cá nhân, xúc phạm đời tư, làm lộ bí mật quốc gia, gây hại cho lợi ích dân tộc… thì ngoài trách nhiệm trước dư luận xã hội còn phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Còn giải pháp kỹ thuật là phải tiến đến giúp cho dễ phát hiện là thông tin sai do ai đưa lên, để cho mọi người có trách nhiệm khi đưa thông tin lên mạng. Chứ để những thông tin bịa đặt, vu cáo người khác cứ tự do, thoải mái thì không được. Tức là, cần thông tin trung thực ngày càng phong phú đa dạng nhiều chiều, không ngăn cấm hay quy chụp và chính trị hóa vấn đề, nhưng phải có cách đề phòng mặt trái của mạng xã hội.

Hiện nay mạng xã hội so với báo chí chính thống có nhiều việc tự do hơn, nhanh và kịp thời hơn. Nhưng mặt dở là rất nhiều trường hợp không ai chịu trách nhiệm về thông tin như tôi nói ở trên. Theo tôi biết thì có những máy chủ không ở Việt Nam nên cơ quan nhà nước không quản lý hết được. Việc đó liên quan đến giải pháp kỹ thuật, các nhà kỹ thuật phải nghiên cứu, đưa ra giải pháp sao cho tăng trách nhiệm của người đưa thông tin, gắn trách nhiệm người đưa thông tin với sự chuẩn xác của thông tin.

Phải có cách tiếp cận tốt, để không cản trở tự do thông tin, nhưng phải gắn được việc tự do đưa tin với trách nhiệm xã hội.

Ông đánh giá vai trò của báo chí đối với công tác của ngành giáo dục như thế nào?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Hiện cả nước có tới hơn 20 triệu học sinh - sinh viên, cùng với đó là hơn chục triệu hộ gia đình với nhiều chục triệu phụ huynh có con cái đang trong độ tuổi đi học và hơn 1 triệu giáo viên. Trong nhiều năm qua, ngành giáo dục thường xuyên được sống trong không khí đổi mới với rất nhiều sự thay đổi, điều chỉnh, cải cách… diễn ra liên tục nhất là sau khi Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương ra đời cách đây gần 10 năm.

Tất cả những yếu tố đó khiến cho giáo dục trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho báo chí khai thác, đưa tin, bình luận ở nhiều đề tài, nhiều cách nhìn, cách thể hiện, cách đặt vấn đề khác nhau… Vai trò và ảnh hưởng của báo chí tới hoạt động giáo dục là hết sức to lớn, phải kể đến như:

Thứ nhất, báo chí đã tham gia chủ động trong việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách... những ý tưởng và quyết định trong công tác đổi mới của ngành Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ quan liên quan khác. Từ đó giúp học sinh, phụ huynh, cán bộ quản lý và cả giáo viên hiểu đúng, hiểu rõ về các chính sách, về những điều chỉnh trong chương trình đào tạo cũng như công tác quản lý các mặt.... tạo đồng thuận và có kế hoạch, phương pháp phù hợp chuẩn bị tốt nhất cho việc học và việc dạy.

Thứ hai, báo chí còn là diễn đàn trao đổi tích cực, các quan điểm về giáo dục được thể hiện cởi mở để thầy cô giáo và các nhà quản lý giáo dục thể hiện quan điểm của mình, đóng góp vào nhận thức chung và hiểu rõ mong muốn, nguyện vọng của xã hội với ngành giáo dục. Từ đó có những điều chỉnh trong hành vi, quyết sách phù hợp cho công việc.

Thứ ba, đối với các thầy cô giáo, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Qua báo chí, các thầy cô được biết tới những mô hình giáo dục và phương pháp giảng dạy tiên tiến đang được áp dụng cả trong và ngoài nước. Từ đó, mỗi thầy cô đều có thể rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích để hoàn thiện hơn công tác giảng dạy của mình. Những câu chuyện giáo dục được chia sẻ trên báo chí đôi khi cũng là những tình huống sư phạm mà các thầy cô có thể đã hoặc sẽ gặp trong thực tế và nhờ đó mà có sự chủ động, tích cực trong ứng xử với học trò, với phụ huynh để đạt được hiệu quả giáo dục như mong muốn.

Ngoài ra, những tấm gương, những câu chuyện tích cực trong xã hội trên báo chí cũng là nguồn tư liệu quý mà các thầy cô có thể chọn lọc để dẫn chứng minh họa trong quá trình giảng dạy, gắn việc học với những hiện thực đời sống.

Điều đó sẽ tác động tốt đến nhận thức, tình cảm và tinh thần, gợi mở những suy nghĩ tích cực cho học trò theo cách dễ tiếp nhận và có tính thuyết phục cao hơn những thứ mô phạm, giáo điều có trong sách vở kiểu xưa cũ đã bị lạc hậu. Đặc biệt, bằng việc thường xuyên cập nhật các thông tin về đời sống, phong cách sống của giới trẻ mà báo chí phản ánh, các thầy cô có thể hiểu được tâm tư, tình cảm và "ngôn ngữ" của học trò mình để kịp thời có những điều chỉnh cho tốt nhất.

Nhìn chung, phát triển giáo dục đào tạo là vấn đề luôn được chú ý trong mọi kế hoạch của Đảng và Nhà nước. Cũng là lĩnh vực nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội và mỗi gia đình. Đất nước có trở nên giàu mạnh hay không phụ thuộc rất lớn vào kết quả dạy và học của ngành Giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Để công tác đào tạo có được kết quả, đạt được thành tựu cần sự chung tay góp sức, đồng hành của cả xã hội, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của những đóng góp tích cực từ báo chí.

Như vậy, báo chí là người bạn đồng hành, là cầu nối, là tai mắt giúp cho cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục hiểu thêm thực tiễn và kịp thời có những điều chỉnh cần thiết về chủ trương chính sách và giải pháp; đồng thời giúp cho công cuộc đổi mới căn bản giáo dục sớm thành công, việc học và việc dạy đạt hiệu quả cao hơn.

Tất nhiên đó là nói đối với những nhận thức đúng, tư duy đúng, cách tác động đúng và tích cực của báo chí. Còn nếu tác động không đúng thì chẳng những không có kết quả tốt mà ngược lại có thể cản trở hoặc gây ra tác hại.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có cơ quan ngôn luận là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Tạp chí trong thời gian qua?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Thời gian qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thể hiện tốt là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để tham gia nghiên cứu phản biện và phát hiện những nhân tố mới trong giáo dục đại học, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động, tham mưu xây dựng chính sách trong công cuộc đổi mới giáo dục.

Trong đó, có chủ trương tự chủ đại học của Đảng và Nhà nước cần được thực hiện tích cực, nhất quán và đồng bộ hơn, không để tình trạng giằng co giữa cơ chế cũ và cơ chế mới, giữa tự chủ và chủ quản, giữa tự chủ và thiếu trách nhiệm giải trình.

Cần có sự thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với khối cao đẳng (chuyên nghiệp) và đại học (nên đưa về một đầu mối ở Bộ Giáo dục và Đào tạo) chứ không cắt khúc tách biệt như hiện nay (đại học thì do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý còn cao đẳng lại do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, trong khi cao đẳng thuộc giáo dục đại học và giữa cao đẳng - đại học cần có liên thông gắn kết hữu cơ).

Rồi đến một số nội dung quan trọng như chiến lược phát triển giáo dục đại học, các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học và vấn đề phát triển các trường không vì lợi nhuận…

Tôi tin tưởng và mong muốn rằng, với sự tích cực học hỏi của đội ngũ cán bộ và phóng viên của Tạp chí, với những bài học, kinh nghiệm đã có được trong hơn chục năm phát triển vừa qua sẽ là nhân tố và tiền đề để Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có một hành trình đạt hiệu quả ngày càng tốt hơn nữa trong công cuộc đổi mới giáo dục, nắm bắt và phản ánh kịp thời những thông tin về giáo dục, nhất là việc đổi mới căn bản và toàn diện, và ngày càng được bạn đọc tin tưởng, yêu mến hơn.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.

Thùy Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bao-chi-la-nguoi-ban-dong-hanh-khong-the-thieu-trong-cong-cuoc-doi-moi-giao-duc-post227396.gd