Báo chí là kênh giám sát đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên

Tối 21/6, đúng dịp kỷ niệm 93 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, Hội đồng Giải thưởng báo chí Quốc gia tổ chức trao giải cho các tác phẩm đạt giải Báo chí quốc gia năm 2017. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, báo chí phải trở thành kênh giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, Đảng viên, đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, mất dân chủ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

Trách nhiệm, dấn thân

Dự lễ trao giải báo chí quốc gia 2017 có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn... cùng đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành T.Ư và thành phố Hà Nội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự lễ trao giải thưởng báo chí quốc gia 2017. Ảnh: Như Ý

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân Thuận Hữu cho biết, 2017 là năm có số lượng tác phẩm dự giải cao nhất từ trước đến nay, với 1.734 tác phẩm đủ điều kiện dự thi.

Theo đánh giá, các tác phẩm dự thi có chất lượng khá đồng đều, đã phản ánh đầy đủ diện mạo, khách quan tình hình đất nước, những nỗ lực của cả hệ thống chính trị thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ.

Ngày càng có nhiều cấp Hội có tác phẩm dự Giải có chất lượng tốt, có sức ảnh hưởng xã hội, hình thức thể hiện có tính chuyên nghiệp cao, bài bản. Khoảng cách giữa báo chí T.Ư và địa phương ngày càng được thu hẹp.

Ông Thuận Hữu đánh giá, với bản lĩnh chính trị vững vàng, kỹ năng nghề nghiệp tinh thông, các nhà báo không chỉ đi đầu trong việc phát hiện vấn đề mới, vấn đề nóng gây bức xúc trong xã hội mà còn nêu cao tinh thần ý thức xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả. Ảnh: Như Ý

Cùng với việc phát hiện, biểu dương gương điển hình tiên tiến, đấu tranh chống những hành vi tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, các cơ quan báo chí cũng đi đầu phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng với nhân dân, là diễn đàn rộng lớn và tin cậy của nhân dân.

“Các tác phẩm dự giải đã thể hiện tinh thần dấn thân, đồng hành cùng dân tộc, phản ánh ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, bao quát các vấn đề xã hội”, ông Thuận Hữu nói.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí quốc gia 2017 đã chọn và trao Giải chính thức cho 105 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất gồm: 8 Giải A, 25 Giải B, 43 Giải C và 29 Giải Khuyến khích. Báo Tiền Phong đạt 2 giải C cho hai loạt bài dài kỳ. Đầu tiên là loạt bài 5 kỳ về “Đặc khu kinh tế”, đăng trên Tiền Phong từ ngày 28/8-31/08/2017, thể loại phản ánh (báo in) của nhóm tác giả gồm cố Nhà báo Nguyễn Đình Quân (bút danh: Nguyễn Đình Quân, thường trú tại Nha Trang, Khánh Hòa), Trịnh Thị Nga (bút danh: Quỳnh Nga, PV Ban Kinh tế XH); Nguyễn Hoàng Dương (bút danh: Hoàng Dương, PV thường trú tại Quảng Ninh) và CTV Nguyễn Hữu Cảnh (bút danh: Cảnh Kỳ).

Loạt bài thứ hai đạt giải C là gồm 5 kỳ, đăng trên Tiền Phong từ ngày 22-25/11/2017 của nhóm tác giả gồm: Nhà báo Phạm Đình Thắng (bút danh: Đình Thắng, Trưởng ban Kinh tế XH); Nguyễn Văn Tuấn (bút danh: Tuấn Nguyễn, PV Ban Kinh tế XH); CTV Lê Đức Anh (bút danh: Đức Anh).

Tại lễ trao giải, Ban tổ chức đã công chiếu phóng sự phản ánh nhóm tác giả báo Tiền Phong đầu tư, công phu, dấn thân trong gian khó, mạo hiểm, thực hiện loạt bài “Cận cảnh mãi lộ trên sông”. Cả hội trường cũng lặng đi khi con trai cố nhà báo Nguyễn Đình Quân báo Tiền Phong lên nhận giải thưởng thay cha. Cố nhà báo Nguyễn Đình Quân là một trong nhóm tác giả đạt giải C báo chí quốc gia năm 2017 với loạt bài “Đặc khu kinh tế”. Anh cũng được biết đến là nhà báo tận tậm, đi đến tận cùng vấn đề, có tấm lòng đặc biệt hướng về Trường Sa...

Đấu tranh kiên quyết với tham nhũng, lãng phí

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương những thành tựu những người làm báo đạt được trong năm 2017. Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, báo chí đã tiếp tục đi đầu, tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết ĐH Đảng lần thứ XI, XII, các chính sách, giải pháp điều hành kinh tế xã hội của Quốc hội và Chính phủ nhằm phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, củng cố nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Như Ý

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, báo chí đã tuyên truyền sâu đậm việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, biểu dương những gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực đời sống, đấu tranh có hiệu quả, phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch và các biểu hiện tự diễn biến tự chuyển hóa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong xã hội.

“Báo chí cả nước đã thông tin nhanh nhạy, kịp thời, toàn diện và sinh động về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế xã hội trong nước và trên thế giới. Báo chí đã làm cầu nối hữu hiệu giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Ông nhấn mạnh, báo chí cần phải trở thành những kênh giám sát đạo đức lối sống của cán bộ, Đảng viên, đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện tham nhũng lãng phí, mất dân chủ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, nhất là trong cán bộ, đảng viên.

Con trai cố nhà báo Nguyễn Đình Quân báo Tiền Phong nhận giải thưởng thay cha. Ảnh: Như Ý

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, báo chí đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển thuận lợi nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức. Nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đặt ra cho báo chí ngày càng nặng nề hơn. Báo chí cần tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết ĐH 12 của Đảng, Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 khóa XII về công tác xây dựng Đảng, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí minh nhằm tiếp tục tạo sự đồng thuận xã hội, thống nhất cao về chính trị, tư tưởng và hành động trong Đảng và toàn xã hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Báo chí phải bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng, góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong Đảng, sự đồng thuận về chính trị và tinh thần nhân dân, giữ vững và mở rộng trận địa tư tưởng của Đảng, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh...”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, báo chí cần coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, cổ vũ, nhân rộng phong trào thi đua yêu nước; tiếp tục phát huy vai trò và chức năng giám sát, phản biện tích cực của báo chí; phải là một trong những lực lượng nòng cốt kịp thời phát hiện, đấu tranh phản bác chống âm mưu diễn biến hòa bình, phản bác các quan điểm, luận điểm sai trái, vu cáo, xuyên tạc tình hình đất nước, các âm mưu luận điệu của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.

Phóng viên Tuấn Nguyễn báo Tiền Phong đại diện nhóm tác giả nhận giải C cho loạt bài Cận cảnh mãi lộ trên sông. Ảnh: Như Ý

“Báo chí đã góp phần tích cực trong việc phát hiện phần lớn các vụ việc tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, hoạt động tội phạm có tổ chức, băng nhóm xã hội đen, phê phán, lên án, đấu tranh mạnh mẽ tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội. Các đồng chí cần tiếp tục đi đầu trong công tác này, đồng thời cảnh giác, phòng chống ngăn chặn nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa ngay trong nội bộ, tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, Đảng viên và nhân dân”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu nâng nâng cao chất lượng, tính hấp dẫn của báo chí, phấn đấu hiện đại hóa về cơ sở vật chất, mô hình hoạt động, bồi dưỡng nghiệp vụ, quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Hoạt động thông tin đối ngoại cần tăng cường và nâng cao chất lượng hơn nữa, tăng cường giới thiệu, quảng bá về hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra thế giới.

“Đặc biệt báo chí cần làm tốt chức năng định hướng thông tin và dư luận xã hội trong việc tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đồng thời bảo đảm môi trường hòa bình ổn định để phát triển....”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cấp, các ngành làm tốt việc định hướng và cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm về đối nội, đối ngoại, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ mục đích, trùng lặp, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của một số cơ quan báo chí. Bên cạnh việc biểu dương, khen thưởng những đóng góp tích cực cần xử lý dứt điểm kịp thời, nghiêm minh các sai phạm trong hoạt động báo chí...

Trường Phong - Như Ý

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bao-chi-la-kenh-giam-sat-dao-duc-loi-song-can-bo-dang-vien-1288996.tpo