Báo chí góp phần lan tỏa những giá trị tích cực

Cách đây gần 60 năm, ngày 8-10-1960, giữa lòng thủ đô Hà Nội đã diễn ra một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại: Lễ kết nghĩa giữa 3 thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Sự kiện mang biểu tượng khẳng định cho ý chí sắt đá Thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam ta. Hà Nội, Huế, Sài Gòn là cây một cội, là con một nhà.

Mối tình thắm thiết keo sơn ấy đã được ghi trên những trang sử vẻ vang của 3 thành phố và khắc sâu mãi mãi trong lòng đồng bào cả nước. 3 thành phố biểu tượng của 3 miền Bắc-Trung-Nam đã phát huy tinh thần kết nghĩa, anh dũng kiên cường, góp phần xứng đáng vào công cuộc thống nhất và xây dựng đất nước.

Tiếp nối tinh thần gắn bó keo sơn ấy, 3 đơn vị báo Đảng: Hà Nội Mới, Thừa Thiên Huế và Sài Gòn Giải Phóng đã tổ chức kết nghĩa nhằm hợp tác, hỗ trợ, giúp nhau phát huy thế mạnh của mỗi tờ báo, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước; đồng thời mở rộng giao lưu, phối hợp tuyên truyền với một số báo bạn.

Theo chương trình luân phiên hàng năm, hôm nay 3-8, Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức chương trình họp mặt 3 cơ quan báo kết nghĩa: Hà Nội Mới, Thừa Thiên Huế, Sài Gòn Giải Phóng, cùng gần 20 cơ quan báo chí khu vực ĐBSCL, Đông Nam bộ, TPHCM để cùng nhau điểm lại việc hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá các hoạt động kinh tế - xã hội tích cực của mỗi địa phương trên các ấn phẩm của nhau trong năm vừa qua, cũng như việc phối hợp thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa và các chương trình xã hội - từ thiện, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ làm báo giữa các đơn vị trong bối cảnh truyền thông xã hội bùng nổ.

Trong khuôn khổ chương trình họp mặt lần này, tại cuộc tọa đàm “Báo chí góp phần lan tỏa các giá trị tích cực”, các đại biểu là lãnh đạo cơ quan báo Đảng các địa phương sẽ cùng thảo luận, chia sẻ cách làm hay, những kinh nghiệm quý trong tổ chức các chuyên trang, chuyên mục, vệt bài, tuyến thông tin, tuyên truyền trên cả báo giấy lẫn báo online về những mặt tích cực, gương người tốt việc tốt, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự phấn khởi, lạc quan trong xã hội, tạo động lực tinh thần thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Cùng với đó, tích cực đấu tranh phản bác, ngăn chặn hiệu quả thông tin xấu, độc hại, những quan điểm sai trái, thù địch. Đây cũng là yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới theo Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 14 của Ban Bí thư. Trong đó, “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả. Mặt khác, trước tác động có nhiều mặt tiêu cực của truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở nước ta, hơn lúc nào hết, báo chí phải phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt trong thông tin tích cực. Báo chí cách mạng cần khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong thời đại kỹ thuật số. Dòng thông tin tích cực của báo chí vẫn phải là dòng thông tin chủ lưu với thông tin chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, hôm nay, Báo Sài Gòn Giải Phóng phát động cuộc thi phóng sự - ký sự báo chí Người tốt - Việc tốt (2019-2020), nhằm khuyến khích các tác phẩm báo chí khắc họa các gương điển hình, nhân tố mới trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội với những việc làm, hoạt động, nghĩa cử cao đẹp đóng góp tích cực và có nhiều ý nghĩa cho cộng đồng và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ban tổ chức hy vọng sẽ nhận được sự tham dự của đông đảo cây bút trên toàn quốc với những phát hiện mới, bám sát cuộc sống, phương pháp thể hiện phong phú, sáng tạo.

Chúng ta đã biết, từ hơn 50 năm trước Bác Hồ từng nói: “Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Bác nhấn mạnh, người tốt, việc tốt ở đâu cũng có, ngành giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Những việc làm của họ, dù nhỏ, nhưng giống như những giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng thành suối, thành sông và hợp thành biển cả... có một ý nghĩa lớn lao, thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như lòng nhân ái “thương người như thể thương thân”, “mình vì mọi người” của nhân dân ta. Những việc làm đó cần được khen thưởng đúng mức để động viên, khuyến khích mọi người hăng hái làm những việc ích nước, lợi nhà. Bác chỉ thị và động viên các cơ quan tuyên truyền viết báo và xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”, và viết thì phải ngắn gọn, dễ hiểu mà có duyên.

Làm theo lời Bác, các cơ quan báo chí và các nhà xuất bản nước ta trong những năm qua đã có nhiều thành quả trong việc nêu gương người tốt, việc tốt và điều này cần được phát huy cao độ hơn nữa trong thời gian tới. Việc tìm tòi, phát hiện, lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt để mọi người noi theo, cũng là một biện pháp hữu hiệu để lấy cái đẹp dẹp cái xấu, nhân rộng cái đẹp, đề cao, tôn vinh những giá trị tích cực trong xã hội.

KHẮC VĂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bao-chi-gop-phan-lan-toa-nhung-gia-tri-tich-cuc-608474.html