Báo chí đồng hành cùng người lao động về lĩnh vực việc làm

Trong 3 ngày từ 22 – 24/8, tại Thái Nguyên, Cục Việc làm phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) tổ chức Hội nghị Truyền thông về việc làm.

Hội nghị Truyền thông về việc làm

Hội nghị Truyền thông về việc làm

Phát biểu khai mạc hội nghị, theo Cục Phó Cục việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) Lê Quang Trung, các chính sách hỗ trợ việc làm tại Việt Nam đã tạo được môi trường hài hòa, nhằm hỗ trợ tạo cơ hội việc làm theo hướng tốt hơn cho người lao động. Hiện nay, có các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, từ việc hỗ trợ vay vốn, thông tin thị trường lao động; tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm, chính sách BHTN... đã phát huy hiệu quả cao trong đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH làm tốt việc thông tin, dự báo về thị trường lao động trung và dài hạn. Hiện nay, Bộ cũng đang xây dựng Đề án dự báo cung cầu lao động quốc gia trình Chính phủ phê duyệt để làm tốt hơn việc kết nối thông tin giữa doanh nghiệp và người lao động, doanh nghiệp với đào tạo. Đến nay, cả nước có 63 đơn vị, 243 Trung tâm dịch vụ việc làm đang hoạt động nhằm hỗ trợ đắc lực cho việc chắp nối cung cầu việc làm.

Bên cạnh đó, để sàng lọc người lao động người nước ngoài bảo đảm chất lượng, bảo hộ lao động trong nước với những vị trí việc trong nước chưa đáp ứng được, Bộ LĐ-TB&XH chỉ cấp giấy phép cho lao động nước ngoài hoạt động các lĩnh vực chuyên gia kỹ thuật, vị trí quản lý, lao động kỹ thuật... Những lao động nước ngoài chưa có giấy phép hoạt động, Bộ phối hợp với các ngành để trục xuất theo quy định. Theo thống kê đến tháng 7/2019, cả nước có 91.200 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Ông Lê Quang Trung – Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm phát biểu tại hội nghị.

Đánh giá cao vai trò chính sách BHTN đối với người lao động, đồng chí Lê Quang Trung nhấn mạnh, sau 10 năm thực hiện, chính sách BHTN dần đi vào cuộc sống, được người lao động, người sử dụng lao động hưởng ứng tích cực, được xã hội đánh giá cao, mang lại nhiều quyền lợi cho người lao động, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo An sinh xã hội. Đến nay số người tham gia BHTN đạt gần 13 triệu người, 98,6% số người hưởng BHTN được tư vấn, hỗ trợ tạo việc làm.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng gần 01 triệu người bước vào độ tuổi lao động, đây là một lợi thế cạnh tranh quan trọng của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chất lượng lao động thấp, chủ yếu là lao động nông nghiệp, nông thôn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; còn nhiều rào cản, hạn chế trong dịch chuyển lao động... Vì vậy, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, trước mắt thị trường lao động Việt Nam cần tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa. Khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động cần sớm được kiện toàn. Chú trọng hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biên; Hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, nhóm lao động yếu thế trong xã hội… để các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm đạt hiệu quả cao.

Đồng thời, đồng chí Lê Quang Trung, mong muốn các đại biểu, phóng viên cùng nghiên cứu, thảo luận và đưa ra những ý kiến, đề xuất các giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách việc làm, quản lý lao động, BHTN sao cho hiệu quả nhất. Qua đó, góp phần đưa các chính sách đi vào cuộc sống, giúp người lao động có việc làm và thu nhập cao.

Trao đổi tại Hội nghị, TS. Nhà báo Trần Bá Dung - Ủy viên Thường vụ,Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam gợi ý khắc phục khó khăn trong truyền thông về việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp. Trước hết, nhà báo cần trang bị kiến thức, quan điểm tiếp cận vấn đề về an sinh xã hội, để có cách nhìn toàn diện, sâu sắc. Cần nhận thức báo chí - truyền thông có vai trò quan trọng trong việc ”tham gia giải quyết các vấn đề liên quan tới nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng”.

TS. Nhà báo Trần Bá Dung - Ủy viên Thường vụ,Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ tại hội nghị.

Nhà báo cần tuyên truyền, phổ biến, các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của nhà nước về việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp. Tuyên truyền, giáo dục công chúng thấy được ý nghĩa, vai trò quan trọng của việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp trong đời sống nhân dân; thấy được vai trò chủ thể, vai trò giám sát của nhân dân trong xây dựng và thực thi các chính sách việc làm, lao động, bảo hiểm, phát triển đời sống, kinh tế - xã hội.

Để thay đổi thái độ của công chúng, báo chí phải vừa cung cấp thông tin, phản ánh thực trạng, vừa hướng dẫn, định hướng công chúng về thái độ ứng xử đúng mực đối với vấn đề việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lí lao động. (Chẳng hạn, báo chí cần làm thay đổi thái độ từ thờ ơ sang quan tâm thiết thực đối với việc đóng bảo hiểm thất nghiệp).

Để thay đổi hành vi, báo chí cần hướng dẫn, định hướng cho công chúng, cung cấp những mô hình, hình mẫu tốt về dịch vụ việc làm để người dân học tập, làm theo.

Theo TS.Trần Bá Dung, báo chí cần thực hiện kết hợp những kĩ năng sau đây: Tuyên truyền + Phản ánh + Phản biện + Nêu gương. Tuyên truyền thường xuyên, kịp thời đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước về việc làm, quản lí lao động và bảo hiểm thất nghiệp. Hình thức truyền thông cần sinh động, phù hợp với trình độ, thói quen, tâm lí tiếp nhận của người lao động, người sử dụng lao động. Thường xuyên phản ánh những cách làm hay, kinh nghiệm tốt, những tấm gương tiêu biểu khi tham gia giải quyết việc làm, quản lí lao động và bảo hiểm thất nghiệp. Rèn kĩ năng phát hiện đề tài, khai thác và xử lí thông tin về việc làm, quản lí lao động và bảo hiểm thất nghiệp.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia tham luận, thảo luận và đóng góp ý kiến xoay quanh các vấn đề: kết quả 5 năm thực hiện Luật Việc làm và những vấn đề cần tiếp tục hoàn chỉnh; kết quả 10 năm thực hiện chính sách BHTN và định hướng cải cách chính sách BHTN theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7; Công ước số 88 của Tổ chức Lao động (ILO) về tổ chức dịch vụ việc làm và những vấn đề đặt ra cho tổ chức dịch vụ việc làm Việt Nam; giải pháp nâng cao hiệu quả vốn vay từ Quỹ Quốc gia việc làm và những vấn đề đặt ra trong công tác tuyên truyền; những khó khăn trong công tác truyền thông về việc làm, quản lý lao động, BHTN và giải pháp khắc phục; truyền thông định hướng việc làm cho học sinh, sinh viên thời kỳ cách mạng 4.0...

Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện chính sách BHTN và định hướng trọng thời gian tới, đồng chí Trần Tuấn Tú, Trường Phòng BHTN, Cục Việc làm, BHXH Việt Nam cho biết: sau 10 năm triển khai chính sách BHTN đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Số người tham gia và đóng BHTN liên tục tăng qua các năm, đến này đã có gần 13 triệu người tham gia; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp gần 05 triệu lượt người. Đáng chú ý, trên 96,8% so với người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm. Năm 2018, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.390.424 lượt người tăng hơn 10 lần so với người được tư vấn, giới thiệu việc làm năm 2010. Đến nay, đã có trên 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, nhiều người thất nghiệp sau khi tham gia các khóa học nghề đã có việc làm và ổn định cuộc sống.

Để thực hiện tốt chính sách BHTN, phấn đấu đạt mục tiêu về BHTN tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Thời gian tới, cần thực hiện động bộ một số giải pháp. Theo đó, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách BHTN tại Luật Việc làm vào năm 2021-2020 theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN; tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm để thực hiện tốt tư vấn và hỗ trợ việc làm, để người lao động sớm quay lại thị trường lao động, đây là hướng giải quyết người thất nghiệp một cách bền vững nhất...

Kết luận Hội nghị, TS Trần Ngọc Diễn khẳng định: Trong những ngày diễn ra Hội nghị, Ban tổ chức đã cung cấp đầy đủ “nguyên liệu” cho các nhà báo, thông qua việc tổ chức 2 đoàn đi thực tế cũng như thông tin từ các bài tham luận. Ban tổ chức mong muốn sau Hội nghị, các nhà báo có nhiều ấn phẩm thể hiện được nội dung, ý tưởng của Ban Tổ chức. Tạp chí và Cục Việc hoan nghênh và sẽ ghi nhận, đánh giá những tác phẩm hay, phản ánh sinh động về lĩnh vực việc làm.

Theo chương trình Hội nghị, sẽ kết hợp tổ chức đi thực tế tại tìm hiểu tại một số mô hình vay vốn giải quyết việc làm có hiệu quả tại Thái Nguyên; đi tìm hiểu thực tế, phỏng vấn người sử dụng lao động, người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên./.

TH

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/bao-chi-dong-hanh-cung-nguoi-lao-dong-ve-linh-vuc-viec-lam-n15337.html