Báo chí đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi sự đầu tư lớn

Tại cuộc gặp mặt Báo chí sáng 20-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian lắng nghe tâm nguyện của các nhà báo lão thành và lãnh đạo cơ quan báo chí. Thủ tướng bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các cơ quan báo chí Việt Nam hiện đang phải đối diện.

Nhà báo Hồng Vinh: Cần tăng cường công tác tổng kết báo chí

Trong những năm qua, nền báo chí Việt Nam nhận được sự quan tâm sâu sắc từ Đảng và Nhà nước. Giải thưởng báo chí toàn quốc đã được nâng lên thành Giải báo chí quốc gia là sự động viên tích cực về vật chất và tinh thần, khuyến khích sự sáng tạo của các nhà báo. Tôi đã làm ủy viên hội đồng chung khảo giải báo chí quốc gia nhiều năm. Tôi rất vui, vì mỗi năm qua đi, giải báo chí lại có những bước tiến mới. Tôi cho rằng, sự quan tâm đích thực của Đảng, Nhà nước đã tạo nên những bước tiến mới, sự phát triển và những thành tựu rất đáng mừng của nền báo chí Việt Nam.

Tôi rất mong đồng chí Thủ tướng và các đồng chí có trách nhiệm ở các bộ, ban ngành tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để giải quyết những vướng mắc, những nguyện vọng rất chính đáng của các cơ quan báo chí. Tôi đề nghị chúng ta phải tăng cường tổng kết công tác báo chí để nhìn ra cái được và những cái còn hạn chế, bất cập.

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân: Cần giới thiệu nhiều hơn nữa gương người tốt, việc tốt

Hiện, còn không ít ban, ngành, địa phương thực hiện sự đồng thuận với báo chí còn hạn chế. Rất mong Thủ tướng với cương vị của mình tạo điều kiện có cơ chế, hướng dẫn để các mối quan hệ này ngày càng tốt hơn, đặc biệt là việc thực hiện Luật Báo chí.

Thủ tướng nhiều lần nói với báo giới là chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền những mặt tốt và lấy mặt tốt là chủ yếu. Cái tốt xung quanh chúng ta nhiều, việc làm hay không ít nhưng việc tổ chức những hội nghị giới thiệu các mô hình ấy cho báo giới còn hạn chế nên nhà báo thường phải tự đi tìm. Trong quá trình đó, chúng tôi thấy hiện tượng nhiều cá nhân, địa phương có thành tích tốt nhưng ngại tiếp xúc với báo giới. Nên chăng Chính phủ tổ chức nhiều hơn các hoạt động, hình thức tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích tốt để báo giới có điều kiện phản ánh.

Trong xu hướng phát triển báo chí, chúng tôi hiểu là Thủ tướng cũng như chúng ta rất quan tâm đến chất lượng báo chí nhưng cũng cần quan tâm tới số lượng, làm sao để có chất lượng tinh, gọn nhưng cũng phải đủ lực lượng để chúng ta “tác chiến”.

Hiện chúng ta đang có những bất cập trong khâu đào tạo và tuyển dụng phát triển báo chí. Mâu thuẫn giữa số lượng và chất lượng, mâu thuẫn giữa các thể loại báo chí, mâu thuẫn giữa trình độ chuyên môn về mặt kỹ thuật với phẩm chất đạo đức, trình độ nhận thức chính trị. Điều này phải có quá trình dài đào tạo từ trong nhà trường để đảm bảo người làm báo có đủ tâm, tài và tầm.

Ông Tô Quang Phán, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình (PT-TH) Hà Nội: Nên có cơ chế đầu tư phát triển công nghệ

Hệ thống Đài PT-TH Việt Nam trong đó có Đài PT-TH Hà Nội đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, trong đó có cuộc cách mạng công nghệ thay đổi chóng mặt mà muốn đầu tư, thay đổi theo phải có suất đầu tư rất lớn, chi phí lớn mà các đài PT-TH địa phương như Đài PT-TH Hà Nội không thể tự lo được.

Khó khăn nữa là các cơ quan báo chí đang phải chịu sự cạnh tranh rất lớn đến từ các trang mạng xã hội. Hiện nay, báo chí chính thống đang bị những trang thông tin tổng hợp của các doanh nghiệp cạnh tranh một cách quyết liệt, mang tính sống còn, ở nhiều phương diện từ nội dung thông tin cho tới tài chính. Đơn cử, Đài PT-TH Hà Nội vừa làm chương trình mới, mới phát sóng xong được 1 vài phút, một số trang mạng đã lấy video clip, thông tin đưa lên mạng. Trong trường hợp này, các nhà mạng được hưởng lợi nhuận, còn nhà đài, các báo in chính thống không thu được gì.

Thay mặt báo chí Hà Nội và chúng tôi kiến nghị Chính phủ nên có cơ chế để đầu tư cho PT-TH nói riêng và đầu tư cho báo chí nói chung để đầu tư phát triển công nghệ, sớm quyết định về quy hoạch báo chí.

Ông Nguyễn Ngọc Hiển, Tổng Biên tập Báo Lao động: Xem xét miễn giảm thuế cho báo chí

Báo chí hiện đang rất khó khăn, đặc biệt là báo in. Từ đầu năm đến giờ, giá giấy in báo tăng 2 lần vì thế ảnh hưởng rất lớn đến giá thành của báo in. Nếu tăng giá bán báo theo giá giấy thì lượng phát hành sẽ giảm đi, việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền sẽ khó hơn. Chúng tôi kiến nghị lên Thủ tướng xem xét giảm thuế cho các cơ quan báo chí để báo chí có thể hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước tới đại bộ phận người dân, trong đó có đội ngũ công nhân lao động”.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập báo Công an nhân dân: Nên khôi phục lại nhà máy sản xuất giấy in báo

Các báo đầu tư rất nhiều để phát triển báo điện tử nhưng các nhà mạng lại được lợi từ việc thu tiền từ người truy cập. Vì vậy, tôi đề nghị cần có quy định để các nhà mạng phải chia lại số doanh thu này cho các báo. Trong bối cảnh số lượng phát hành của báo in sụt giảm, công in tăng, giá giấy tăng theo, các báo khó khăn, ngoài việc giảm, miễn thuế cho các báo, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ giá giấy cho các báo, khôi phục nhà máy sản xuất giấy in báo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta phải chung tay chia sẻ khó khăn với các cơ quan báo chí, cộng đồng nhà báo, người làm báo, phải tạo mọi thuận lợi để báo chí làm tốt hơn nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin cậy, giao phó.

Bích Nguyên (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bao-chi-dang-dung-truoc-su-canh-tranh-khoc-liet-doi-hoi-su-dau-tu-lon/