Báo chí biên phòng với sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia

Biên giới là 'phên giậu', là 'hàng rào' ngoại vi phân định chủ quyền giữa cácquốc gia. Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia làmột nhiệm vụ rất nặng nề và hết sức thiêng liêng, cao cả, bởi đó chính lànhiệm vụ gìn giữ tài sản vô giá mà ông cha ta đã phải đổi bằng xương máuđể giữ gìn. Để làm được điều này, công tác tư tưởng đóng vai trò vô cùng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài, trong đó Đảng ta luôn xác định, báo chí là 'vũ khí sắc bén'.

Báo chí biên phòng với sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia

Báo chí biên phòng với sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia

Vai trò của báo chí

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), năm 2018, các cơ quan báo chí đã đăng trên 2.300 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về sự nghiệp bảo vệ biên giới và các hoạt động của BĐBP. Bộ Tư lệnh BĐBP cũng đã giới thiệu 187 đoàn/615 lượt phóng viên đi thực tế tại các tuyến biên giới, tuyên truyền, phản ánh sinh động các hoạt động xây dựng đơn vị, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu; công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại ở khu vực biên giới; xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh trên địa bàn biên giới; các hoạt động đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và các nước láng giềng...

Vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền về sự nghiệp bảo vệ biên giới được thể hiện ở một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, báo chí tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề liên quan đến bảo vệ biên giới; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, phản động về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Báo chí truyền tải các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến công tác bảo vệ biên giới như: Quyết định số 16 ngày 22/2/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc tổ chức Ngày Biên phòng 3/3 hằng năm (hiện nay là Ngày Biên phòng toàn dân); Chỉ thị số 394 ngày 2/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân; Nghị quyết số 11 ngày 8/8/1995 của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng BĐBP trong tình hình mới; Pháp lệnh BĐBP năm 1997; Luật Biên giới quốc gia năm 2003; Chỉ thị số 01, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới...

Bên cạnh đó, báo chí tích cực đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, vạch trần và làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước lợi dụng vấn đề biên giới, lãnh thổ để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; kiên quyết đấu tranh chống các thế lực cơ hội chính trị, phản động lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc, nhân quyền xuyên tạc sự thật, kích động, gây hận thù, chia rẽ dân tộc, tôn giáo ở khu vực biên giới, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc.

Thứ hai, báo chí góp phần định hướng, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về sự nghiệp bảo vệ biên giới.

Báo chí là một hoạt động đặc biệt mang đặc tính chính trị - xã hội. Mỗi tác phẩm báo chí được công bố, phát hành rộng rãi đều trực tiếp hay gián tiếp tác động đến nhận thức, tâm tư, tình cảm và tư tưởng của quần chúng cũng như hành vi của cộng đồng. Vai trò định hướng của báo chí chính là không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, tính tự giác của quần chúng nhân dân; góp phần tạo nên nhận thức xã hội, định hướng tư tưởng và tạo lập dư luận xã hội theo đúng định hướng tuyên truyền của Đảng. Báo chí cũng giáo dục tư tưởng chính trị, trách nhiệm công dân, giáo dục pháp luật, tham gia cổ vũ, động viên và củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước vào sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc nói chung, sự nghiệp bảo vệ biên giới nói riêng.

Thông qua các tác phẩm báo chí, cán bộ, nhân dân, đặc biệt là ở khu vực biên giới ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò và trách nhiệm của mình trong việc tham gia quản lý, bảo vệ biên giới, đồng thời, nâng cao cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn, chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Giao lưu với các chiến sỹ biên phòng

Thứ ba, báo chí kịp thời phản ánh đời sống vật chất, tinh thần, tâm tư, nguyện vọng của quân và dân nơi biên giới, đồng thời phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, cổ vũ, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới.

Nhờ thông tin phản ánh trên báo chí mà Đảng, Nhà nước nắm được thực trạng tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh trên các tuyến biên giới, từ đó, chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm đầu tư thỏa đáng hơn về cơ sở vật chất, hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, chăm lo xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới, duy trì mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng... Thông qua báo chí, nhiều tấm gương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ biên giới đã được lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.

Thứ tư, báo chí kịp thời phản ánh các hoạt động của BĐBP và các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn biên giới trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới; nâng cao nhận thức và ý chức chấp hành pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở khu vực biên giới.

Đây là vai trò hết sức quan trọng bởi hiện nay, tình hình các loại tội phạm diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, mua bán người qua biên giới, buôn lậu, gian lận thương mại trên biển, xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc... Đặc biệt, báo chí là một trong những cơ quan chủ lực trong việc thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biển biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021”. Các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, duy trì và xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng, tần suất thông tin về đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm qua biên giới, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến quy chế biên giới, di cư tự do, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên vùng biên giới...

Thứ năm, báo chí là kênh thông tin quan trọng về tuyên truyền đối ngoại, mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước láng giềng, góp phần xây dựng biên giới bình yên, hội nhập và phát triển.

Theo báo cáo của Cục Chính trị BĐBP - cơ quan chịu trách nhiệm về hoạt động tuyên truyền của lực lượng BĐBP, trong dịp diễn ra Chương trình “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc” lần thứ 5, từ ngày 19 đến 21/11/2018, tại Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc), đã có hơn 350 tin, bài, phóng sự được đăng, phát trên các báo, đài Trung ương và địa phương. Trong đó, có gần 50 tin, bài, phóng sự, phóng sự ảnh được đăng tải trên Báo Biên phòng, Phụ trương An ninh biên giới, Báo điện tử Biên phòng.

Nơi "phên giậu" tổ quốc

Một số giải pháp

Đối với báo chí Biên phòng, đối tượng tiếp nhận thông tin chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ BĐBP và đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới, hải đảo. Đây là nhóm công chúng có những đặc điểm khá riêng biệt về nghề nghiệp, môi trường sống, trình độ văn hóa, nhận thức, sự đa dạng về lứa tuổi, giới tính, thành phần dân tộc... Chính vì thế, trên ấn phẩm Báo Biên phòng, Phụ trương An ninh biên giới và Báo điện tử Biên phòng cần chú trọng đến phương diện ngôn ngữ với những ưu tiên về tính đại chúng, trong sáng, gần gũi, ngắn gọn, cụ thể, chính xác, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo, phù hợp trình độ dân trí của đa số người dân.

Tuy nhiên, do đặc thù thông tin chủ yếu khu biệt về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, các hoạt động của BĐBP và đồng bào các dân tộc trên biên giới nên nhiều nội dung tuyên truyền được lặp đi lặp lại. Nhiều bài viết được kết cấu theo một mô-típ có sẵn, có nhiều từ, cụm từ thường xuyên xuất hiện trên mặt báo gây nhàm chán cho bạn đọc. Bên cạnh đó, các tác phẩm báo chí từ tin, bài phản ánh đến phóng sự, ghi chép, dung lượng còn dài, nhiều bài liệt kê, mô tả... Kết quả khảo sát cho thấy, từ tháng 5/2018 đến tháng 5/2019, trong tổng số 8.290 tác phẩm trên Báo Biên phòng, Phụ trương An ninh biên giới và Báo điện tử Biên phòng, số lượng các tít báo có dung lượng dưới 9 từ chỉ chiếm 30,4%, từ 9 đến 15 từ chiếm 46,4%, trên 15 từ chiếm 23,2%.

Cột mốc 1269

Đáng chú ý, thể loại tin trên Báo Biên phòng chiếm tới 53,5% tổng số các thể loại báo chí sử dụng trên ấn phẩm này. Trong khi đó, báo ra mỗi tuần 2 kỳ vào thứ 4 và thứ 6 hằng tuần. Do đó, khi báo đến các đồn, trạm Biên phòng, nhiều thông tin đã quá lỗi thời.

Kết quả khảo sát cho thấy, trong số 1.248 trang Báo Biên phòng, chỉ có 714 trang báo được trình bày từ 2 ảnh trở lên (chiếm 57%); tỷ lệ này trên Phụ trương An ninh biên giới là 984/1.456 (chiếm 67,6%). Trên một số trang báo, các hình ảnh chưa được họa sĩ cắt cúp gọn gàng, bố cục tù túng, các chi tiết như đồ họa, infographic hầu như chưa được sử dụng...

Điều này phần nào ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, thiếu hấp dẫn đối với bạn đọc. Để làm nổi bật và tăng hiệu quả tuyên truyền về sự nghiệp bảo vệ biên giới, Báo Biên phòng, Phụ trương An ninh biên giới và Báo điện tử Biên phòng cần tiếp tục chú trọng đổi mới về nội dung, tích cực cải tiến về hình thức thể hiện. Trước mắt là đổi mới cách viết, cách thông tin, tuyên truyền hay nói cách khác cần chú trọng về cơ cấu thể loại tác phẩm một cách hợp lý để phù hợp với đặc trưng của báo in và báo điện tử, qua đó tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, đúng - trúng - hấp dẫn - hiệu quả. Hạn chế đến mức thấp các thông tin một chiều theo kiểu “hô khẩu hiệu”, các bài viết thiếu tham chiếu từ thực tiễn, mang nặng văn bản báo cáo.

Trong điều kiện phải triển khai công tác tuyên truyền trên một phạm vi rộng, địa hình phức tạp, trong khi nguồn nhân lực, vật lực và các cơ chế đặc thù còn bất cập, Báo Biên phòng cần tiếp tục không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức, đặc biệt đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền sát với đặc điểm, tình hình an ninh, chính trị và phù hợp với khả năng nhận thức, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới./.

Lê Hữu Tình

---
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 33-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Bộ Chính trị (1995), Nghị quyết số 11-NQ/TW Về xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Nguyễn Văn Dững (chủ biên) (2006), Truyền thông - lí thuyết và kỹ năng cơ bản, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.
4. Nguyễn Vũ Tiến (2005), Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí trong thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội.
--
* Bài viết triển khai một nội dung nghiên cứu thuộc đề tài KX.01.37/16-20 do Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ.

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/bao-chi-bien-phong-voi-su-nghiep-bao-ve-bien-gioi-quoc-gia-n17902.html