Bào chế TPCN hỗ trợ điều trị bệnh viêm xương khớp từ phụ phẩm chế biến gia cầm

Đây là đề tài đầu tiên nghiên cứu bài bản, có tiềm năng mở ra hướng sản xuất mới cho lĩnh vực điều chế thực phẩm chức năng.

Trên thị trường hiện nay có khá nhiều chủng loại thực phẩm chức năng được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh viêm xương khớp, tuy nhiên giá thành khá cao và trong đó có chứa những thành phần có thể gây dị ứng cho người sử dụng. Chính vì vậy, trong thời gian qua đã có nhiều đề tài nghiên cứu được triển khai nhằm tạo ra một hướng đi mới cho ngành sản xuất TPCN, với kỳ vọng bào chế được những chế phẩm phù hợp cho thị trường trong nước.

Thực tế, các chế phẩm thuộc nhóm TPCN có vai trò đóng góp không nhỏ trong việc đẩy lùi bệnh xương khớp là điều không còn phải bàn luận. Trong đó, glucosamine và chondroitin là 2 trong số 20 thành phần bổ sung có hiệu quả giảm đau ngắn hạn và thực sự giúp ích cho bệnh nhân xương khớp. Đây là những hoạt chất hỗ trợ hình thành mô liên kết xương, giảm mất canxi.

Cụ thể Glucosamine là một amino-monosaccharide được tổng hợp từ glucose có ở hầu hết các mô của cơ thể, đặc biệt nhiều hơn ở các mô liên kết và mô sụn. Còn Chondroitin sulfate là một chất hóa học thường được tìm thấy trong sụn xung quanh các khớp trong cơ thể. Chondroitin sulfate thường được sản xuất từ các nguồn động vật, chẳng hạn như sụn cá mập và bò.

Trong ngành sản xuất dược phẩm và thực phẩm chức năng, đây là hai thành phần quan trọng được sử dụng phổ biến nhằm hỗ trợ điều trị, cải thiện chức năng cho người mắc và có nguy cơ mắc các bệnh lý về xương khớp. Glucosamine trên thị truờng có 3 dạng chính: Glucosamine sulfat, glucosamine hydrochorid và N-acetylglucosamine. Trong đó chỉ có dạng muối glucosamine sulfat được sử dụng nhiều nhất trong các nghiên cứu và được cho là mang lại tác dụng tích cực.

Để tạo glucosamine, các nhà sản xuất thường sử dụng nguyên liệu đầu vào giàu chitin như vỏ tôm, cua…, hoặc điều chế từ nấm. Ngoài ra, các phụ phẩm từ quá trình chế biến gia cầm, như sụn chân gà cũng chứa hàm lượng chitin cao, tuy nhiên lại ít được để ý khai thác. Ở nước ta, loại phụ phẩm này tuy dồi dào nhưng hiện chỉ được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, đem lại giá trị thấp.

TS. Đặng Trần Hoàng chia sẻ về kết quả nghiên cứu

TS. Đặng Trần Hoàng chia sẻ về kết quả nghiên cứu

Theo TS. Đặng Trần Hoàng (Viện Công nghệ sinh học và hóa dược NOVA - NOVAINS), sụn chân gà có tỷ lệ chitin chiếm tới 17%. Thêm vào đó, chitin nguồn gốc từ gia cầm có độ an toàn cao, thích hợp sử dụng cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thủy hải sản. Đây cũng là xu hướng mới trong ngành sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp.

Việc hoàn thiện công nghệ chiết suất Glucosamine từ phụ phẩm chế biến gia cầm sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể, không chỉ giảm giá thành sản phẩm thuốc hỗ trợ cho người bệnh mà còn giúp họ dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm này hơn, cũng như góp phần đa dạng hóa nguồn thực phẩm chức năng có nguồn gốc Glucosamine trên thị trường trong nước, vốn trước đây chủ yếu nhập ngoại với giá thành cao.

Đó cũng chính là mục đích thực hiện đề tài “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm và thực phẩm chức năng giàu Glucosamine và Chondroitin sulfate (CS) từ phụ phẩm của quá trình chế biến gia cầm” của các nhà khoa học từ Viện NOVAINS. Đề tài nằm trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì.

Theo báo cáo mới nhất, nhóm nghiên cứu hiện đã tiêu chuẩn hóa được nguồn nguyên liệu cho quá trình chiết CS và Glucosamine. Công nghệ thu nhận glucosamine và CS từ chân gà hiệu quả cũng đã được xác định là công nghệ thủy phân nguyên liệu bằng các enzyme thích hợp.

“Phương pháp này có ưu điểm là tăng hiệu xuất thu hồi CS lên 92-94%, so với 34-38% nếu chiết nước và 12-15% nếu chiết bằng axit”- TS. Đặng Trần Hoàng chia sẻ. Thêm vào đó, phương pháp thủy phân enzyme được đánh giá là thân thiện môi trường, an toàn do hạn chế tối đa sử dụng hóa chất tổng hợp, mà vẫn đem lại hiệu quả thu hồi CS và glucosamine với năng suất tốt, hoạt tính sinh học cao.

Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được công thức thức uống và viên nang giàu CS và glucosamine hỗ trợ điều trị bệnh viêm xương khớp. Hiện tại, nhóm đang tập trung đẩy mạnh nghiên cứu các chỉ tiêu chất lượng, điều kiện bảo quản, đồng thời tiến hành xác định độc tính của 2 chế phẩm trên.

“Thực tế, đây là đề tài đầu tiên nghiên cứu bài bản và tạo được các chế phẩm CS và glucosamine từ phụ phẩm chế biến gia cầm. Nghiên cứu có tiềm năng mở ra hướng sản xuất mới cho lĩnh vực điều chế thực phẩm chức năng có CS và glucosamine; giảm áp lực nhập khẩu các nguyên liệu trên; đồng thời giúp tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao; tăng năng lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất trong nước”, TS. Đặng Tất Thành, Chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ nhận định.

Đồng quan điểm với TS. Đặng Tất Thành, chuyên gia -TS. Nguyễn Mạnh Dũng (nguyên Trưởng phòng phát triển thị trường nông sản của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận xét, điểm mới của đề tài thể hiện qua việc kết hợp phương pháp hóa học truyền thống với phương pháp ứng dụng enzyme để thu nhận CS và glucosamine. Theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Dũng, ứng dụng công nghệ sinh học đang được các nước tiên tiến thế giới ưa chuộng bởi tính thân thiện môi trường, an toàn và hiệu quả cao.

Lưu Điệp

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong-khcn/bao-che-tpcn-ho-tro-dieu-tri-benh-viem-xuong-khop-tu-phu-pham-che-bien-gia-cam-270838.html