'Bão' châu chấu sa mạc có nguy cơ đến Việt Nam?

'Bão' châu chấu sa sạc là nỗi khiếp đảm khi tán phá cây cối, mùa màng ở các nước châu Phi, Tây Á đang có xu hướng lan sang Trung Quốc, Myanmar. Việt Nam đã liên hệ với tổ chức Nông Lương của Liên Hơp Quốc (FAO) để nắm bắt luồng di chuyển và lên phương án ứng phó.

FAO đánh giá châu châu sa mạc đang gây tình trạng tồi tệ nhất với cây trồng ở vùng Đông Phi trong 25 năm qua (Nguồn: BBC)

FAO đánh giá châu châu sa mạc đang gây tình trạng tồi tệ nhất với cây trồng ở vùng Đông Phi trong 25 năm qua (Nguồn: BBC)

Ngày 7/4, ông Hoàng Trung Cục trưởng Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT cho biết, châu chấu sa mạc đã và đang gây hại nặng nề ở các quốc gia châu Phi, Tây Á và đang có xu hướng tiến đến biên giới Myanmar, Trung Quốc.

“Dù được dự báo nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam của loài sinh vật này thấp nhưng trong điều kiện biến đổi khí hậu, khi hướng gió, nhiệt độ thay đổi, rất có thể châu chấu sa mạc vẫn di trú vào nên phải có các kịch bản ứng phó chủ động”, ông Trung nói.

Châu chấu sa mạc là loài sinh vật gây hại nguy hiểm, sức gây hại khủng khiếp khi quy mô đàn có khi lên đến hàng chục tỷ con. Theo cảnh báo của FAO, châu chấu sa mạc đang di chuyển thành từng đàn lớn ở các nước châu Phi, Tây Á.

Trước tình hình trên Cục Bảo vệ thực vật đã liên hệ với Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp quốc (FAO) và Trung Quốc -nơi có nguy cơ bị xâm nhập trước Việt Nam để nắm thông tin.

Cục BVTV đã báo cáo Bộ NPTNT, tham mưu cho Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình, nguy cơ và xây dựng kế hoạch ứng phó nếu châu chấu sa mạc xâm nhập vào nước ta.

"Theo tính toán của FAO, Trung Quốc thì khả năng xâm nhập vào Việt Nam là thấp nhưng không thể chủ quan, một ví dụ rõ ràng nhất là sâu keo mùa thu từ châu Mỹ đã nhanh chóng xâm nhập vào Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn" - ông Trung nhận đinh.

Cục BVTV sẽ tiếp tục liên hệ với FAO và các tổ chức quốc tế để giám sát, hỗ trợ kỹ thuật; hoàn thiện tài liệu về châu chấu sa mạc gửi các địa phương; hoàn thiện kế hoạch để chủ động phòng chống châu chấu sa mạc trong trường hợp châu chấu xâm nhập vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cũng khuyến cáo, ngoài sâu keo mùa thu, châu chấu tre lưng vàng, các tỉnh miền núi Tây Bắc cần đặc biệt chú ý đối tượng sinh vật mới châu chấu sa mạc.

Dự báo những đàn châu chấu khổng lồ đang di chuyển sát vùng Trung Quốc, Myanmar

Trong trường hợp loài này xuất hiện, ngoài việc dùng thuốc sinh học, có thể dùng đàn gia cầm (gà đồi) để hỗ trợ xử lý châu chấu sa mạc.

Trước đó, hồi giữa tháng 3/2020, Bộ NN&PTNT cũng có báo cáo Thủ tướng về tình hình dịch châu chấu sa mạc đang bùng phát tại một số quốc gia Trung Đông, châu Phi, Nam Á và đề xuất kế hoạch ứng phó của Việt Nam.

Theo đó, trước mắt Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ở các tỉnh chủ động giám sát từ xa, cảnh báo sớm.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ sẽ kiến nghị Bộ Quốc phòng xác định khả năng sử dụng radar quân sự để phát hiện, xác định hướng và đo kích thước đàn châu chấu khi chúng di chuyển.

Bộ NN&PTNT cũng đề xuất, việc lên kế hoạch tổ chức chống dịch cụ thể khi đàn châu chấu mới xâm nhập và trường hợp châu chấu xâm nhập, đẻ trứng. Trong trường hợp dịch trên diện rộng, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chống dịch.

Nam Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/bao-chau-chau-sa-mac-co-nguy-co-den-viet-nam-1637522.tpo