Báo cáo Tài chính Nhà nước: Công khai 'sức khỏe' nền kinh tế quốc gia

Thưa bà, nếu đi vào thực tiễn, BCTCNN năm 2018 sẽ được công khai trên mạng để người dân biết và giám sát. Đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

BCTCNN là một nội dung mới trong công tác kế toán nhà nước của Việt Nam. Hiện nay các thông tin về tài sản nhà nước, nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước, nguồn hình thành tài sản và nguồn vốn của Nhà nước, tình hình thu, chi và kết quả hoạt động tài chính, ngân sách Nhà nước, tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính,... được theo dõi, ghi chép phân tán ở nhiều đơn vị, chưa được tổng hợp một cách đồng bộ, nhất quán về phạm vi, nội dung và phương pháp trên phạm vi toàn quốc hoặc của từng chính quyền địa phương. Do đó, chưa mang lại hiệu quả cao nhất trong việc cung cấp số liệu phục vụ đánh giá hiệu quả chi tiêu công, phân tích khả năng tài chính của Nhà nước cũng như từng địa phương, đánh giá hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách cũng như phục vụ các công tác quản lý vĩ mô khác.

KBNN là đơn vị được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo Nghị định về BCTCNN để quy định chi tiết các nội dung quy định tại Điều 30 của Luật Kế toán 2015. Đến nay, dự thảo Nghị định đang được gửi xin ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương với những nội dung chính quy định về công khai BCTCNN.

Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Tài chính công khai các thông tin chủ yếu trong BCTCNN tỉnh, BCTCNN toàn quốc, bao gồm: Tình hình tài sản nhà nước; nợ và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính Nhà nước.

Công khai bằng các hình thức như: Trên Cổng thông tin điện tử (tỉnh và Bộ Tài chính), phát hành ấn phẩm và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Nghị định hiện đang quy định BCTCNN đầu tiên sẽ được lập theo số liệu tài chính năm 2018. Đồng thời, trong dự thảo Nghị định quy định BCTCNN sẽ được công khai trong thời gian sớm nhất là 12 tháng (đối với tỉnh) và 18 tháng (đối với toàn quốc). Như vậy, nếu đúng theo kế hoạch, từ năm 2020, BCTCNN sẽ được công khai đến mọi người dân.

KBNN sẽ là đơn vị được giao lập BCTCNN. KBNN đã chuẩn bị ra sao để thực hiện trọng trách này, thưa bà?

Để thực hiện nhiệm vụ lập BCTCNN cần thực hiện đồng bộ nhiều nội dung. Hiện nay KBNN đã và đang triển khai vào các công việc chính như sau:

Về xây dựng khung pháp lý, ngay từ quá trình xây dựng Luật Kế toán, KBNN đã tham gia đề xuất, đóng góp ý kiến về các quy định về BCTCNN . Đồng thời, KBNN cũng đã được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ- hiện đang được gửi xin ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, cũng như các văn bản hướng dẫn Nghị định về BCTCNN để cụ thể hóa các quy định đã nêu trong Luật Kế toán 2015. Ngoài ra, KBNN cũng đang phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản hướng dẫn bổ sung, sửa đổi, thay thế các chế độ kế toán tại các đơn vị là đối tượng có trách nhiệm cung cấp thông tin để lập BCTCNN (chế độ kế toán thuế nội địa, chế độ kế toán thuế XNK, chế độ kế toán các đơn vị hành chính sự nghiệp, chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã, chế độ kế toán các đơn vị chủ đầu tư, chế độ kế toán các đơn vị quản lý quỹ tài chính nhà nước bao gồm Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ dự trữ Nhà nước,…) nhằm đảm bảo nguồn thông tin đầu vào cung cấp cho KBNN để lập BCTCNN.

Về hoàn thiện tổ chức bộ máy, với mục tiêu nhằm đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ lập BCTCNN, KBNN đã kiện toàn tổ chức bộ máy nghiệp vụ tại KBNN (Trung ương), thành lập Phòng Tổng hợp BCTCNN thuộc Cục Kế toán nhà nước. Đồng thời, KBNN cũng đang tiếp tục nghiên cứu kiện toàn tổ chức bộ máy nghiệp vụ tại các KBNN địa phương để đảm bảo phòng Kế toán nhà nước thuộc KBNN tỉnh, thành phố sẽ thực hiện lập BCTCNN địa phương.

Về xây dựng hệ thống thông tin, với mục đích thiết kế và vận hành một hệ thống thông tin phù hợp, hiệu quả để tiếp nhận, tổng hợp và khai thác thông tin về BCTCNN, hiện nay KBNN đang phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành việc khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thực trạng thông tin dữ liệu tại một số đơn vị liên quan, cũng như nghiên cứu các mô hình ứng dụng phần mềm phù hợp.

Về tập huấn và đào tạo, song song với việc xây dựng khung pháp lý, hoàn thiện tổ chức bộ máy, và xây dựng hệ thống thông tin, KBNN cũng đang phối hợp với các đơn vị có liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tập huấn và triển khai cơ chế chính sách, các chế độ kế toán liên quan; quy trình nghiệp vụ; tập huấn triển khai hệ thống thông tin đến đội ngũ công chức làm nhiệm vụ kế toán KBNN, đến đội ngũ kế toán các đơn vị cung cấp thông tin để lập BCTCNN.

Hoạt động nghiệp vụ tại KBNN Thừa Thiên - Huế Ảnh: T.Hằng

Bà có thể nói rõ hơn, khi công bố báo cáo tài chính, người dân, doanh nghiệp và Nhà nước sẽ được hưởng lợi gì?

Với các thông tin tài chính được tổng hợp trên phạm vi từng địa phương cũng như toàn quốc, BCTCNN được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích.

Cụ thể, đối với Nhà nước: BCTCNN là một trong các công cụ phục vụ cho quá trình quản lý NSNN và các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN, là công cụ phân tích, đánh giá hiện trạng và giúp quản lý toàn bộ các nguồn lực và nghĩa vụ của Nhà nước (tài sản công, nợ công, ...). Từ đó, giúp cho các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, điều hành đánh giá được chính xác và toàn diện hơn thực trạng tài chính nhà nước, đề ra được phương hướng và giải pháp phù hợp trong tương lai, cải thiện việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực nhà nước theo hướng hợp lý, cân đối và hiệu quả hơn, quản lý và giảm thiểu vay nợ, giảm thiểu rủi ro tài chính và đảm bảo các nghĩa vụ trong tương lai của Nhà nước.

Đối với người dân và doanh nghiệp: Việc công khai BCTCNN giúp người dân và doanh nghiệp có được thông tin về đóng góp của mình khi thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước thông qua nộp thuế, tình hình sử dụng tiền thuế của người dân, doanh nghiệp trong việc chi tiêu của Nhà nước, của chính quyền địa phương, cũng như bức tranh tổng thể về tài chính nhà nước. Với các thông tin phản ánh trên BCTCNN về thu và phải thu thuế, chi phí của Nhà nước, tài sản công, nợ công… người dân và doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động kinh tế - tài chính nhà nước, giám sát việc Nhà nước đảm bảo thực hiện các quyền lợi, chính sách cho người dân và doanh nghiệp.

Thưa bà, cơ chế giám sát theo dự thảo có đủ mạnh để đảm bảo báo cáo được công khai, minh bạch?

Dự thảo Nghị định hiện nay đang quy định về cơ chế giám sát, kiểm tra BCTCNN theo hướng Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra việc lập BCTCNN (toàn quốc và tại từng địa phương), kiểm tra việc cung cấp thông tin để lập BCTCNN để đảm bảo tính công khai, minh bạch của báo cáo theo yêu cầu quản lý tài chính.

Liệu KBNN có đảm bảo được thời gian công bố, giám sát hay không, thưa bà?

BCTCNN được lập trên cơ sở hợp nhất báo cáo tài chính của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế và các đơn vị có liên quan khác thuộc khu vực Nhà nước (toàn quốc và từng địa phương). Theo đó, để đảm bảo thời gian lập, công bố, giám sát BCTCNN, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực giữa đơn vị lập báo cáo (KBNN) và các đơn vị cung cấp thông tin lập báo cáo (các bộ, ngành, các địa phương và các đơn vị có liên quan).

Ngoài ra, với thời hạn công khai đã quy định trong dự thảo Nghị định, KBNN sẽ tiếp tục khẩn trương triển khai các công việc nêu trên để đảm bảo tiến độ công khai BCTCNN theo đúng quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn bà!

Thùy Linh (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bao-cao-tai-chinh-nha-nuoc-cong-khai-suc-khoe-nen-kinh-te-quoc-gia.aspx