Bao cao su giả: Hiểm họa khôn lường, người tiêu dùng thờ ơ!

Mỗi năm có khoảng 500-600 triệu bao cao su (BCS) được bán ra tại thị trường Việt Nam. Người dân không chỉ dùng bao cao su như biện pháp tránh thai an toàn mà còn phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục. Song hầu hết người tiêu dùng chỉ chú ý đến mẫu mã và giá cả sản phẩm mà không quan tâm đó có phải là hàng thật hay giả, của nhà sản xuất nào và hạn sử dụng ra sao???

Phanh phui nhiều vụ sản xuất, buôn bán BCS giả với quy mô lớn

Mới đây, Công an H. Hóc Môn (TP.HCM) phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất BCS giả với quy mô lớn ở xã Xuân Thới Thượng.

Kiểm tra cho thấy, toàn bộ quy trình sản xuất tại cơ sở này đều được làm bằng tay. Nguyên liệu sản xuất như chất bôi trơn thì được mua từ các nguồn trôi nổi trên thị trường. Nghiêm trọng hơn, keo dán BCS thì được sử dụng từ các loại keo dán lốp ô tô, xe máy.

Được biết, cơ sở này mỗi ngày xuất ra thị trường từ 2.000-3.000 BCS, tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn TP.HCM và bán qua mạng.

Trước đó, cơ quan chức năng TP. Hà Nội cũng phát hiện 1 tấn BCS giả, trên vỏ hộp ghi nước sản xuất là Malaysia, nhưng thực chất là có xuất xứ từ Trung Quốc đang trên đường tiến vào các nhà nghỉ và hiệu thuốc.

Bên trong cơ sở sản xuất BCS giả ở H.Hóc Môn, TP.HCM

Sản xuất BCS giả tại một cơ sở ở H. Hóc Môn, TP.HCM.

Hiểm họa khó lường, người tiêu dùng thờ ơ!

Theo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục, việc sử dụng BCS giả, BCS không bảo đảm chất lượng có thể gây ra rất nhiều hệ lụy. Đầu tiên, đó là việc BCS giả rất dễ bị thủng, dẫn đến việc có thai ngoài ý muốn; sẽ gây nên nhiều căn bệnh lây qua đường tình dục, như: Lậu, giang mai…và đặc biệt là căn bệnh thế kỷ AIDS.

Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí nhằm tối đa hóa lợi nhuận, những cơ sở sản xuất BCS giả như trường hợp ở H. Hóc Môn kể trên sẽ sử dụng các chất liệu rẻ tiền, được mua trôi nổi trên thị trường để sản xuất. Việc làm này sẽ làm tăng nguy cơ phát sinh, lây nhiễm các bệnh phụ khoa và ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.

Hơn nữa, do đa phần các cơ sở sản xuất BCS giả đều có quy trình sản xuất không an toàn, không được kiểm định về chất lượng nên đây còn là môi trường lý tưởng của các loại vi khuẩn và virus gây bệnh tồn tại. Nếu sử dụng và bị viêm nhiễm trong thời gian dài, người dùng có thể bị các bệnh phụ khoa, nam khoa, thậm chí là dẫn đến vô sinh.

Và mặc dù BCS ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như vậy, nhưng đa phần người dùng khi được hỏi đều khá thờ ơ với chất lượng sản phẩm mà chỉ quan tâm đến giá cả, mẫu mã mà thôi!

Anh Đ. (ngụ Q.10, TP.HCM) bộc bạch: Bản thân anh thường xuyên sử dụng BCS trong quan hệ vợ chồng với mục đích tránh thai và tạo cảm giác lạ. “Bình thường, khi mua các sản phẩm khác mình rất quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc... sản phẩm, nhưng với BCS thì mình không quan tâm, vì nghĩ nó có giá rẻ, ai lại đi làm giả làm gì?” - anh giải thích thêm.

Trong khi đó, chị L. (chủ tiệm thuốc tây ở Q.9, TP.HCM) thì chia sẻ: “Khách vào mua BCS đa phần là nam giới, nhưng họ thường hỏi giá cả và mẫu mã rồi mua luôn chứ ít ai hỏi kỹ về nguồn gốc. Theo tôi, có thể họ ngại khi phải đứng lâu chỉ để hỏi nguồn gốc của… BCS”.

Ảnh minh họa.

Cách nhận biết BCS giả và những khuyến cáo

Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở các sản phẩm BCS giả, BCS kém chất lượng là chất tạo độ trơn không bảo đảm, độ liên kết đàn hồi thấp, dễ bị rách, có mùi hóa chất hay mùi cao su khá mạnh, khô do thiếu gel, màu sắc không đồng đều; bên ngoài vỏ hộp thì các thông tin về nhà sản xuất, nguồn gốc, xuất xứ được ghi không rõ ràng, nét chữ mờ, bao bì khó xé và không có hạn sử dụng.

Ngoài ra, BCS giả, nhái là những sản phẩm thường được nhà sản xuất cho đội lốt các thương hiệu nổi tiếng và được đặt với những cái tên na ná các thương hiệu nổi tiếng như: Ok! Happy Gold, OKAchoi…

Các chuyên gia khuyến cáo, khi gặp những sản phẩm này, mọi người tuyệt đối không được sử dụng do tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh.

Được biết, mặc dù BCS và các sản phẩm liên quan khác như: Miếng dán tránh thai, kem bôi trơn… phục vụ đời sống tình dục có tác động rất lớn đến sức khỏe người dùng như đã nói ở trên; nhưng đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm này vẫn bị coi là hàng hóa loại 1 - không bị kiểm soát chất lượng.

Chính bởi những lý do trên, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo thông tư, đưa các loại sản phẩm trên vào danh mục hàng hóa loại 2 - là loại hàng hóa phải kiểm soát chất lượng vì có ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Thanh Minh - Phan Định

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/bao-cao-su-gia-hiem-hoa-khon-luong-nguoi-tieu-dung-tho-o-d70148.html