Báo cáo dự thảo Đề án 'Phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025'

Ngày 8 - 10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo dự thảo Đề án 'Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025' (KHCN&ĐMST).

Đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị

Dự thảo Đề án do Sở KH&CN trình bày, nêu rõ sự cần thiết phải xây dựng đề án trên cơ sở đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 10 năm, từ 2011 - 2020. Qua đó đưa ra quan điểm, mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025: Phát triển KHCN&ĐMST phải là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030; phải được thực hiện đồng bộ với 3 nhiệm vụ chủ yếu: Nâng cao nng lực KHCN&ĐMST, đẩy mạnh ứng dụng KHCN&ĐMST và đổi mới phương thức tổ chức hoạt động KHCN&ĐMST.

Đề án đặt ra mục tiêu chung: Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao các tiến bộ KH&CN; chú trọng đổi mới sáng tạo; chủ động, tích cực tham gia ứng dụng mạnh mẽ thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng thêm 4 nhóm chuyên gia trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và y dược; 100% tổ chức KH&CN công lập được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đào tạo nhân lực để chất lượng hoạt động và dịch vụ đạt loại tốt trở lên; xây dựng mới được ít nhất 30 doanh nghiệp KH&CN; ươm tạo được ít nhất 30 doanh nghiệp sản xuất phần mềm, nội dung số; vốn đầu tư từ ngân sách hàng năm cho KH&CN không dưới 2% tổng chi ngân sách vào năm 2025; đẩy mạnh ứng dụng KH&CN&ĐMST; đổi mới phương thức tổ chức hoạt động KH&CN và ĐMST...

Để đạt được các mục tiêu trên, đề án đề ra các nhiệm vụ và giải pháp đó là: Nâng cao nhận thức về vai trò nền tảng, động lực, giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của KH&CN&ĐMST; nâng cao năng lực KH&CN&ĐMST trên cả 4 yếu tố là nhân lực, tổ chức, cơ sở vật chất, vốn đầu tư; đổi mới đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN&ĐMST; tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực KH&CN, bộ máy quản lý Nhà nước về KH&CN; đẩy mạnh hoạt động ứng dụng KH&CN&ĐMST, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển kinh tế - xã hội…

Ý kiến thảo luận tại hội nghị

Các đại biểu đã thảo luận, góp ý về sự cần thiết phải xây dựng đề án; bổ sung quan điểm và mục tiêu phát triển mà dự thảo Đề án đã xây dựng. Đánh giá vai trò, nhận thức của KH&CN; các hoạt động KHCN như: nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN trên tất cả các lĩnh vực. Trên cơ sở đó chỉ ra những tồn tại, hạn chế và kiến nghị, đề xuất một số cơ chế, chính sách góp phần hoàn thiện đề án phát triển KHCN&ĐMST tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025.

Đại diện các doanh nghiệp phát biểu thảo luận tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền đánh giá cao đơn vị soạn thảo đã chủ động, đề xuất, hoàn thành dự thảo đề án phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021 - 2025. Đồng chí nhấn mạnh, Thanh Hóa luôn quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực KH&CN và coi đây là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã cho ý kiến cụ thể vào từng nội dung của dự thảo Đề án. Trong đó lưu ý một số điểm cần thiết phải bổ sung vào Đề án, như: Nêu bật được thực trạng hoạt động KHCN của tỉnh trong giai đoạn vừa qua; sự cần thiết của việc xây dựng Đề án đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng, của khu vực và cả nước nói chung.

Phần tiêu đề bám vào 2 nội dung cụ thể đó là, phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo. Phần mục tiêu, cần rà soát lại theo Nghị quyết của Trung ương và kết luận của Ban Bí thư, các văn bản chỉ đạo của tỉnh. Mục tiêu cụ thể cần rà soát lại, dựa trên cơ sở đã có của giai đoạn này để làm căn cứ đánh giá cho giai đoạn sau.

Phần đánh giá thực trạng phải bám vào các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh như: Đề án phát triển KHCN giai doạn 2016 - 2020; ứng dụng công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư về phát triển kinh tế - xã hội; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện khâu đột phá về nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - kỹ thuật giai đoạn 2016 - 2020.

Về phần phương hướng, nhiệm vụ, đề nghị viết ngắn gọn, súc tích, song vẫn phải đầy đủ. Về quan điểm phát triển, đồng chí gợi ý Đề án cần xây dựng theo quan điểm phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh. Chuyển đổi mạnh mẽ từ chiều rộng sang chiều sâu. Xây dựng các cơ chế đặc thù có tính chất đột phá.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở KH&CN tiếp thu các ý kiến góp ý tại hội nghị, chỉnh sửa lại Đề án, trình UBND tỉnh.

Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/bao-cao-du-thao-de-an-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-tinh-thanh-hoa-giai-doan-2021-2025/125426.htm