Báo cáo của Tổ chức Phóng viên không biên giới sai sự thật và có dụng ý xấu

Chiều 23-4, trong họp báo thường kỳ được Bộ Ngoại giao tổ chức theo hình thức trực tuyến, Việt Nam đã khẳng định báo cáo của Tổ chức Phóng viên không biên giới là sai sự thật và có dụng ý xấu.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng tại họp báo chiều 23-4.

Cụ thể, bình luận về việc Tổ chức Phóng viên không biên giới ngày 18-4 đã ra báo cáo về tự do báo chí năm 2019, trong đó xếp Việt Nam đứng thứ 176/180 nước về tự do báo chí, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng nêu rõ: “Đây không phải lần đầu tiên Tổ chức Phóng viên không biên giới đưa ra những báo cáo dựa trên những thông tin sai sự thật, không có cơ sở và với dụng ý xấu. Việc Tổ chức Phóng viên không biên giới tự cho phép xếp hạng tự do báo chí của một quốc gia theo những tiêu chí riêng của họ và không thực sự hiểu rõ về điều kiện, hoàn cảnh thực tế của mỗi quốc gia khiến những đánh giá, nhận định của tổ chức này không có độ tin cậy và thuyết phục”.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng khẳng định, tại Việt Nam, quyền tự do ngôn luận nói chung và quyền tự do báo chí nói riêng được quy định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013, nhiều văn bản luật và quy định khác. Báo chí Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích xã hội, các quyền tự do của nhân dân, đóng góp cho công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của nhà nước.

Trong những năm qua, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam được thể hiện rất rõ qua sự phát triển mạnh mẽ của báo chí về số lượng, đa dạng về loại hình. Hiện nay, trên cả nước có gần 1.000 cơ quan báo in và báo điện tử, trên 90 kênh phát thanh và gần 200 kênh truyền hình, cùng với sự tham gia của hơn 25.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đang tác nghiệp trên tất cả các loại hình báo chí, và tích cực sử dụng công nghệ làm báo tiên tiến, giúp đưa thông tin đầy đủ và kịp thời tới người dân Việt Nam.

Các nhà báo tại Việt Nam cũng được luật pháp bảo vệ, đồng thời phải hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, đóng góp có trách nhiệm vào lợi ích chung của người dân và cộng đồng xã hội.

Cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước công hàm ngày 17-4 của Trung Quốc gửi Liên hợp quốc nêu các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng khẳng định: “Như đã nêu tại họp báo ngày 9-4, việc Việt Nam gửi Công hàm tại Liên hợp quốc là việc làm bình thường để thể hiện lập trường và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam. Trước việc Trung Quốc lưu hành một số Công hàm nêu các yêu sách chủ quyền phi lý đối với Hoàng Sa và Trường Sa không phù hợp luật pháp quốc tế cùng các yêu sách biển ở Biển Đông trái với quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, ngày 30-3, Việt Nam đã lưu hành Công hàm tại Liên hợp quốc để bác bỏ các yêu sách này, như đã được nêu trong nhiều văn bản gửi Liên hợp quốc và các cơ quan quốc tế liên quan.

Việt Nam cũng đã giao thiệp với Trung Quốc để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam, bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc. Ngày 10-4, Việt Nam lưu hành Công hàm để khẳng định lập trường trong vấn đề Biển Đông với các nước liên quan khác.

Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế để chống lại toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Trên tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng giải quyết tranh chấp với các quốc gia liên quan thông qua đàm phán cũng như các biện pháp hòa bình khác, kể cả các biện pháp quy định tại UNCLOS 1982”.

Liên quan đến việc Trung Quốc ban hành cái gọi là danh xưng tiêu chuẩn cho 80 thực thể ở Biển Đông, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng nêu rõ: “Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982. Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối”.

Nguyễn Thúc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-ngoai/965472/bao-cao-cua-to-chuc-phong-vien-khong-bien-gioi-sai-su-that-va-co-dung-y-xau