Báo cáo CSIS kêu gọi ông Biden thêm Nhật vào nhóm 'Ngũ Nhãn'

Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhật Bản đóng vai trò ngang hàng, thậm chí dẫn đầu trong liên minh Mỹ - Nhật, theo báo cáo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố.

Đây là báo cáo Armitage - Nye thứ năm, do nhóm của cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Richard Armitage và Joseph Nye, nguyên hiệu trưởng Trường Chính sách Công John F. Kennedy của Đại học Harvard, soạn ra.

Báo cáo "Liên minh Mỹ - Nhật Bản năm 2020: Liên minh bình đẳng với chương trình nghị sự toàn cầu" công bố ngày 7/12 đưa ra các đề xuất cho Tổng thống đắc cử Joe Biden và chính quyền mới, Nikkei Asia cho biết.

 Các nhà nghiên cứu kêu gọi thêm Nhật Bản vào Liên minh tình báo "Ngũ Nhãn". Ảnh: Hải quân Mỹ.

Các nhà nghiên cứu kêu gọi thêm Nhật Bản vào Liên minh tình báo "Ngũ Nhãn". Ảnh: Hải quân Mỹ.

Theo báo cáo, Mỹ và Nhật Bản là những đối tác bình đẳng với những giá trị chung. Hai bên cần phải điều chỉnh chiến lược để giải quyết những thách thức do một Trung Quốc đang trỗi dậy đặt ra.

“Cả hai quốc gia đều phải chuẩn bị cho một trật tự khu vực và thế giới chịu nhiều áp lực hơn bất kỳ thời điểm nào trong 70 năm qua”, các tác giả viết.

Báo cáo khuyến khích tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga duy trì "vai trò lãnh đạo năng động trong khu vực" mà Tokyo thực hiện dưới thời ông Shinzo Abe. Những điều này gồm lãnh đạo Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ về Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hướng đến Ấn Độ - Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”.

Các tác giả cũng kêu gọi thêm Nhật Bản vào Liên minh tình báo “Ngũ Nhãn”, gồm 5 nước Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand.

“Mỹ và Nhật Bản nên nghiêm túc nỗ lực hướng tới liên minh ‘Lục Nhãn’”, theo báo cáo.

Nhóm nghiên cứu cũng tiết lộ rằng có sự khác biệt trong quan điểm về tương lai của “Bộ tứ Kim cương”, nhóm gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Bộ tứ này đã được chú ý nhiều hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump.

"Nhật Bản đã tăng cường phối hợp song phương và ba bên với Australia và Ấn Độ, dẫn đến việc Bộ tứ đảm nhận một vai trò mới đầy hứa hẹn", báo cáo chỉ ra.

"Tuy nhiên, nếu Bộ tứ ảnh hưởng nhiều hơn đến trật tự khu vực, nhóm này cần lưu ý tránh làm lu mờ các thể chế hoặc liên minh khu vực khác", theo nhóm nghiên cứu.

Zack Cooper, thành viên nhóm nghiên cứu và là nghiên cứu viên tại Viện Doanh nghiệp Mỹ tại Washington, thừa nhận Bộ tứ là "liên minh chiến lược ngày càng quan trọng ở châu Á", vì nó bao gồm ba đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, ông Cooper dự đoán Bộ tứ sẽ không được chú trọng dưới thời ông Biden.

"Thách thức bây giờ của chính quyền Biden là làm thế nào để tiếp tục duy trì đà hoạt động ở Bộ tứ, trong khi vẫn đầu tư nhiều thời gian và năng lượng hơn vào một số mối quan hệ đang trong tình trạng tồi tệ hơn trước đây", bao gồm quan hệ Mỹ - ASEAN và Mỹ - Hàn Quốc, ông Cooper nói.

“Theo tôi, điều thực sự quan trọng đối với Bộ tứ và cả bốn quốc gia là giúp Mỹ xoay trục trở lại Đông Nam Á”, ông Cooper nhận định.

Các tác giả cũng kêu gọi chính quyền Biden nhanh chóng thể hiện họ sẵn sàng tham gia lại CPTPP "và bắt đầu đàm phán".

Như Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bao-cao-csis-keu-goi-ong-biden-them-nhat-vao-nhom-ngu-nhan-post1160947.html