Bảo bối gỡ mối Tơ vò - Thông điệp tinh thần của một tiểu thuyết

Văn hiến xin giới thiệu bài viết của Nhà thơ, Nhà Văn Quang Hoài về tập tiểu thuyết 'Tơ vò' của tác giả Xuân Vũ (Vũ Xuân Bân).

Tiểu thuyết “Tơ vò” của tác giả Xuân Vũ (Vũ Xuân Bân) đã miêu tả chân thực bằng những cứ liệu đầy tính thuyết phục

Vũ Xuân Bân bút danh Xuân Vũ là tác giả tập tiểu thuyết “Tơ vò”, vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép ấn hành tháng 8 năm 2018. Anh từng là phóng viên chiến trường, góp phần nhỏ bé của mình trong cuộc chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, nguyên là Trưởng ban biên tập Tin Trong nước của Thông tấn xã Việt Nam, từng đoạt Giải A Giải báo chí toàn quốc năm 2004 (nay là Giải báo chí Quốc gia) với “Chùm tin, bài về Tây Nguyên”. “Tơ vò” là tiểu thuyết đầu tay của anh, của một nhà báo chuyên nghiệp lâu năm. Với một hệ thống tư liệu phong phú và chuẩn xác tác giả tích cóp được trong nhiều năm qua làm điểm tựa cho những hư cấu của tiểu thuyết, như lời giới thiệu của Trần Mạnh Thường in ở đầu sách, “Tơ vò” của Xuân Vũ (Vũ Xuân Bân) “đã phản ánh sinh động mặt trái xã hội Việt Nam thời cơ chế thị trường diễn ra quyết liệt. Kinh tế thị trường là con dao hai lưỡi: Lưỡi cắt miếng bánh ngọt ngào là động lực thúc đẩy xã hội phát triển và lưỡi kia có thể đưa con người đến vực thẳm đen tối. Cơ chế thị trường thể hiện hai mặt đối lập biện chứng cùng trên một dòng chảy”.

Với một bút pháp đậm đặc chất báo chí, theo tôi, tiểu thuyết “Tơ vò” là một tiểu thuyết tư liệu không chỉ phác họa mặt trái tiêu cực của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà còn thể hiện sinh động cuộc sống xã hội Việt Nam trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, biến động phức tạp và ẩn tàng những hiểm họa khó lường, đúng như dự báo thiên tài của V.I. Lênin “Giành được chính quyền đã khó, nhưng xây dựng được chính quyền mới còn khó hơn gấp trăm vạn lần”. Trong cuộc đấu tranh sống còn quyết liệt đó với kẻ thù trong nội bộ ta, trong mỗi con người cán bộ đảng viên chúng ta, tác giả bước đầu khắc họa được sự lãnh đạo của Đảng, từng bước loại trừ những người thoái hóa biến chất, tự tha hóa, tự chuyển biến, chọn lựa được người đứng đầu tâm huyết, giải quyết được những vấn đề bức xúc do thực tiễn cuộc sống đổi mới đặt ra, tiếp tục đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến thành công.

Tham nhũng kinh tế đã là một mối nguy hiểm, nhưng tham nhũng quyền lực còn nguy hiểm hơn nhiều. Chính sự tham nhũng đó đã tạo nên một ê kíp, một tốp những cán bộ kém cỏi, chỉ vun vén cho cá nhân mình, không chăm lo đến lợi ích của nhân dân, của cộng đồng xã hội, làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Thông qua tiều thuyết, tác giả như muốn khẳng định, chỉ có thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả những quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta về phát huy vai trò làm chủ thực sự của nhân dân và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, thì mới có thể đưa đất nước tiến lên, vững vàng bước vào thời kỳ mới, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Đó chính là bảo bối gỡ mối tơ vò - thông điệp tinh thần mà tác giả muốn gửi tới bạn đọc.

Thật vậy, 11 chương của tiểu thuyết đã thể hiện một cách ý vị và sâu sắc thông điệp tinh thần ấy. Cũng có thể nói, đó là sự đồng tình ủng hộ và bước đầu quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII của Đảng ta về công tác cán bộ trong tình hình hiện nay và trước những yêu cầu cấp thiết của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với vị trí vai trò và tầm quan trọng là then chốt của then chốt. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... Bất cứ chính sách, công tác gì có cán bộ tốt thì thành công” và “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Người khẳng định: Một cán bộ tốt phải có đủ cả đức và tài, “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài, như ông bụt ngồi trong chùa không giúp ích gì được cho ai”. Người còn nhấn mạnh: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Cho nên, muốn trưởng thành, muốn tiến bộ và phát triển thì người cán bộ phải được đào tạo, bồi dưỡng, giám sát chặt chẽ và bản thân phải tự tu dưỡng, tự rèn luyện, tự kiểm tra mình như soi gương, rửa mặt hàng ngày, kịp thời sửa chữa những méo mó và nguy cơ dị dạng, tẩy rửa những vết bẩn trên khuôn mặt và trong tâm hồn mình.

Tiểu thuyết “Tơ vò” đã miêu tả chân thực bằng những cứ liệu đầy tính thuyết phục bộ mặt và tâm địa xấu xa của những cán bộ cấp huyện và cấp tỉnh ở một địa phương đã không chịu tu dưỡng rèn luyện bản thân theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh, trở thành những kẻ thoái hóa, biến chất, phá hoại uy tín của Đảng , làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng.

Đó là một Trương Tồn với tham vọng “Có quyền là có tiền, có tình, là có tất cả. Mất quyền thì chẳng có ma nào nhòm ngó...”, đã không từ một thủ đoạn nào, kể cả vu khống, tố cáo bỉ ổi, lợi dụng cả bố đẻ nguyên bí thư tỉnh ủy đã nghỉ hưu để thực hiên ý đồ đen tối, làm hại đồng chí mình để tranh giành chức bí thư và chủ tịch tỉnh với Ngô Quyên và Hoàng Thùy. Với các quân sư quạt mo và đám đệ tử, Trương Tồn không úp mở bộc lộ tham vọng: “Vấn đề là phải chủ động ra đòn hiểm, kết hợp với báo chí tạo “bão truyền thông”, gây sức ép về dư luận để củng cố thanh thế, hạ gục đối thủ trước khi vào chung kết”, thực hiện bằng được dã tâm của mình. Nhưng rồi kết cục Trương Tồn đã xôi hỏng bỏng không, phải “hạ cố xuống làm giám đốc sở trong tâm thế dằn vặt, thua thiệt, ấm ức, chưa được bao lâu, bệnh hen tái phát, khó thở, phải đi cấp cứu, điều trị ở bệnh viện lâu dài”.

Đó là một “Thạch Phí nguyên là cựu chiến binh sau khi giải ngũ đi học cao đẳng kiểm sát. Học xong, dược tuyển về công tác ở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Bố vợ... khi đó là Trưởng ban tổ chức tỉnh, là chỗ dựa để tiến thân... Khi tách tỉnh, Thạch Phí là Phó chủ tịch thường trực, rồi lên làm Chủ tịch tỉnh, thay Trần Bố lên làm Bí thư Tỉnh ủy”. Và khi đã nắm quyền hành trong tay, “Thạch Phí đã phù phép cho nhạc mẫu làm bìa đỏ đứng tên quyền sử dụng gần 10 ha đất đồi nay thuộc thành phố trực thuộc tỉnh theo hình thức làm trang trại trồng cây ăn quả”. Hành động lợi dụng chức quyền “nuốt” đất làm trang trại, đã “làm cho hình ảnh vị này từng được coi là người tận tâm đóng góp xây dựng tỉnh bỗng chốc đổ xuống sông, xuống biển”. Có thể khẳng định: “Xuất phát từ lòng tham, ông ta bất chấp dư luận mà không nghĩ rằng bị mất lòng tin là mất tất cả”.

Đó là một Trịnh Quỳ “kẻ hợm của, hám làm giàu”, “được bơm thổi lên như cồn nhờ truyền thông”, vốn “làm nghề “thày cãi” khó kiếm ăn..., mon men chuyển sang “nuốt đất” kinh doanh bất động sản, xây dựng các khu du lịch sinh thái gắn với sân golf, resort, chung cư cao tầng gặp may trúng mánh nhanh chóng phất lên trở thành đại gia”. Và thế là, chỉ trong một thời gian ngắn, Trịnh Quỳ đã “thâu tóm khá nhiều danh hiệu “Gương sáng tư pháp”, “Luật sư tiêu biểu”, “Hãng luật tiêu biểu”... mà dư luận đàm tiếu chỉ có đi “mua” thì mới nhanh như vậy”. Lợi dụng các danh hiệu đó, Trịnh Quỳ đã làm bao điều phi pháp, làm bao người dân mất đất canh tác, tan cửa nát nhà. Kết cục của Trịnh Quỳ là: “Dù cố tình dùng xảo thuật để che lấp nhưng sự dối trá, mất gốc của hắn cuối cùng cũng lòi ra. Gieo nhân nào gặp quả ấy. Cha mẹ hắn đang phải chịu hậu quả, bị làng xã tẩy chay, sống trong nỗi cô đơn và lạc lõng. Nhục đến thế là cùng!”.

Đó là Cấn Vân Đại, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Sông Cà Bé, “đứng đầu một huyện, mệnh danh là “ông vua con” tiền hô hậu ủng,... nhiều ý kiến cử tri phản ánh gay gắt... chỉ lo thu vén cá nhân, vô trách nhiệm với dân, tìm mọi cách vơ vét làm giàu”. Điều nực cười là chính Cấn Văn Đại, “người từng lẩn tránh nghĩa vụ quân sự”, nay “là Chủ tịch Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện Sông Cà Bé”, lại “sang sảng phát biểu rao giảng về đạo đức... lớn tiếng huấn thị, dạy bảo lớp trẻ lên đường tòng quân phải xứng đáng với tinh thần yêu nước, quật cường của cha anh, truyền thống vẻ vang của quê hương”. Đặc biệt, Cấn Vân Đại đã “bất chấp quy định trong điều lệ Đảng, coi thường kỷ cương phép nước” đưa con gái mình vốn không phải là đảng viên trở thành bí thư chi bộ, phó trưởng phòng giáo dục - đào tạo huyện để chuẩn bị bổ nhiệm làm trưởng phòng. Có thể khẳng định, chỉ có những “ông vua con” như Bí thư Cấn Vân Đại “mới coi trời bằng vung, dám làm liều như vậy!”. Cuối cùng, Cấn Vân Đại rời huyện đường “không thanh thản, đầu óc cứ nặng trĩu, luôn bị ám ảnh những điều chẳng lành”.

Tiểu thuyết kết thúc bằng hình ảnh Cấn Vân Đại bị tai nạn ô tô như một quả báo “ngã vật đập đầu xuống hè đường, bị chấn thương sọ não”, cuối cùng “phải có người trợ giúp bằng xe lăn, trở thành bán thân bất toại, sống thực vật”. Và vào một ngày đẹp giời “Trương Tốn đã gắng gượng đến thăm Cấn Vân Đại... Cấn Vân Đại nhìn Trương Tốn, nước mắt chảy dài, tay run bần bật. Cám cảnh đối với Cấn Vân Đại, Trương Tốn cùng hai mắt đỏ hoe”. Đó là sự kết thúc bi thảm của những kẻ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, như quy luật nhân quả và ước nguyện của nhân dân: Cái ác tất yếu sẽ bị đẩy lùi, sẽ bị diệt vong, không thể có chỗ dung thân.

Trong tiểu thuyết “Tơ vò”, đối nghịch với các nhân vật thoái hóa, biến chất, Xuân Vũ đã xây dựng thành công nhân vật Hoàng Thùy kinh qua rèn luyện thực tiễn, đã có đủ phẩm chất và năng lực, được tín nhiệm cao, trở thành một bí thư tỉnh ủy đáp ứng yêu cầu xây dựng tỉnh trước những đòi hỏi và thách thức mới. Dưới sự lãnh đạo của Hoàng Thùy, tỉnh đã khởi sắc, hơn 80% số xã trong tỉnh đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, hơn 94% lao động trong tỉnh có việc làm, gần 80% người dân tham gia bảo hiểm y tế, thu nhập bình quân đầu người gấp 1,6 lần so với bình quân chung của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 2%... Tiểu thuyết khẳng định: “Mọi người đều cảm nhận được sự ổn định, tiến bộ rõ nét bắt đầu chuyển động từ người đứng đầu tỉnh Hoàng Thùy, từng bước gây dựng lại lòng tin của dân chúng”. Tuy nhiên, Bí thư Hoàng Thùy cũng nhận rõ: “Phải tìm cách giải quyết đống “tơ vò” tích tụ từ nhiều năm nay đang ẩn chứa nhiều hiểm họa khó lường, không phải là chuyện đơn giản”.

Điều cuối cùng phải nói rằng, viết về tham nhũng quyền lực, đặc biệt là về những cán bộ, đảng viên có chức có quyền thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tác giả “Tơ vò” đã chinh phục tôi bằng ngòi bút chân thực và thẳng thắn, không giấu giếm sự thật, bằng trái tim chân thành, trong sáng và tấm lòng rộng mở, với tinh thần trách nhiệm xây dựng Đảng cao, không hề có sự chỉ trích, oán thán hay đả kích, châm biếm. Chính điều đó đã làm cho tiểu thuyết “Tơ vò” có sức sống và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

Phố Vương Thừa Vũ - Hà Nội, Ngày 2-9-2018 - Q.H

Quang Hoài

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bao-boi-go-moi-to-vo--thong-diep-tinh-than-cua-mot-tieu-thuyet-63866