'Bảo bối' giúp cụ ông phản kèo lấy lại tài sản đã tặng vợ chồng con trai

Ông Lư, bà Thi cho vợ chồng người con trai nhà, đất giá trị để xây dựng kinh tế, vun đắp gia đình hạnh phúc. Nhưng sau đó người con dâu yêu cầu Tòa giải quyết ly hôn, chia tài sản là căn nhà cha mẹ chồng đang ở, dẫn đến một cuộc chiến pháp lý vô cùng gian nan khi cha mẹ chồng quyết đòi lại tài sản.

Theo hồ sơ, ông Nguyễn Văn Lư và bà Nguyễn Thị Bích Thi (ngụ phường Phương Sài, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) có 3 người con, trong đó có người con út là Nguyễn Thanh Hải (sinh năm 1978). Anh Hải kết hôn với chị Phạm Ngọc Phương vào năm 2005. Vợ chồng ông Lư vốn siêng năng, nên tích góp được tài sản là nhà, đất tại các địa chỉ phường Phước Hòa và phường Phương Sài, TP Nha Trang.

Ông Lư, bà Thi vốn quý và hy vọng nhiều vào anh Hải, nên khi lập gia đình vợ chồng ông không ngần ngại tặng các tài sản trên để các con tự đứng tên trên giấy chứng nhận. Tuy nhiên, khi tặng tài sản thì ông bà có giao kèo với vợ chồng người con, là những tài sản phục vụ mục đích cho hai vợ chồng cùng nhau chung sống, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Tuy nhiên, vào năm 2016, người con dâu bất ngờ khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết ly hôn với ông Hải và chia tài sản trong đó có các tài sản do cha mẹ tặng, cho. Đáng lưu ý, vợ chồng ông Lư vẫn còn sống trên đất đã tặng cho vợ chồng người con. Do đó, việc người con dâu khởi kiện ly hôn chia tài sản chẳng khác nào đuổi cha mẹ già ra đường.

Sau khi tặng cho nhà, đất thì vợ chồng người con dâu đã đứng tên. Nếu căn cứ vào giấy chứng nhận thì ông Lư, bà Thi không có cơ sở đòi lại quyền sở hữu, sử dụng đối với hai tài sản này. Vì tài sản đã được cơ quan chức năng công nhận quyền quản lý, sử dụng cho vợ chồng người con dâu. Như vậy, ông Lư, bà Thi đã bị tước đi quyền lợi chính đáng của mình đối với các tài sản do mình tạo lập từ mồ hôi, công sức.

Không đành lòng thấy cảnh gia đình con mình tan nát, nhìn con dâu lấy khối tài sản do mồ hôi công sức mình tạo lập. Vợ chồng ông Lư quyết định nghiên cứu phương án “lật kèo”. Theo ông Lư, các tài sản vợ chồng ông cho vợ chồng người con trai, con dâu là tự nguyện. Tuy nhiên với điều kiện: các tài sản đó phải được sử dụng vào mục đích xây dựng hạnh phúc gia đình, có nghĩa vợ chồng các con phải sống hạnh phúc. Nay, vợ chồng người con ly hôn, có nghĩa mục đích tốt đẹp ban đầu không đạt được nên ông có căn cứ để đòi lại tài sản đã tặng. Về pháp luật, đây được xem là thỏa thuận tặng cho có điều kiện. Ông Lư làm đơn ra Tòa yêu cầu Tòa tuyên vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại Tòa sơ thẩm, bị đơn là người con dâu lập luận rằng, ngày 22/06/2010, ông Lư, bà Thi đã ký Hợp đồng tặng cho bị đơn Hải và Phương quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại đường Nhị Hà, phường Phước Hòa, TP Nha Trang. Do đó người con dâu cho rằng, việc tặng cho này được lập hợp đồng và đã đăng ký sang tên tại cơ quan chức năng, mọi thứ đã hoàn thành thì việc đòi lại tài sản là không có căn cứ. Vụ việc ngỡ như rơi vào ngõ cụt thì ông Lư phản bác và cho rằng, việc tặng cho này có điều kiện.

Ông Lư đưa trong tập hồ sơ một văn bản màu vàng ố có tên “Lời căn dặn của cha mẹ trước khi cho các con thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản gắn liền với đất” ngày 23/03/2010. Văn bản được xem như “bảo bối” để bẻ hướng hoàn toàn vụ án. Theo đó, sau khi nhận tặng cho căn nhà tại đường Nhị Hà thì vợ chồng ông Lư đã bàn tính kỹ khi buộc các con phải cam kết thực hiện các điều kiện sau: Ông Hải và bà Phương có nghĩa vụ chăm sóc ông Lư, bà Thi cho đến phút cuối trước khi qua đời; Ông Lư, bà Thi vẫn có quyền ở tại căn nhà này cho đến khi qua đời.

Cẩn trọng hơn, văn bản này ông Lư đã gọi tất cả những người con trong gia đình và con dâu đến 3 mặt một lời đọc và ký xác nhận. Tại phiên tòa sơ thẩm, tất cả những người ký tên trong văn bản này đều có lời khai thừa nhận về việc đã ký vào văn bản đúng nội dung trên. Tại Tòa, ông Lư chứng minh được, việc vợ chồng người con sống không hạnh phúc, phải ly thân và cuối cùng là ly dị cho nên việc sử dụng tài sản của vợ chồng ông không đúng mục đích. Hơn nữa, nghĩa vụ nuôi, phụng dưỡng cha mẹ của vợ chồng ông Hải, bà Phương tới cuối đời không thực hiện.

Đối với nhà đất tại phường Phương Sài nguồn gốc do ông Lư và bà Thi mua lại của ông Lê Tuấn Phong với giá 1.100.000.000 đồng với mục đích cho thuê để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, do tuổi đã cao, khả năng ngoại ngữ còn hạn chế (do căn nhà đang cho người nước ngoài thuê) nên ông Lư, bà Thi đã quyết định cho ông Hải và bà Phương đứng tên trên căn nhà này. Ngày 23/07/2013, ông Hải đã lập “Bản cam kết đứng tên hộ tài sản” trong đó xác nhận nội dung: Toàn bộ số tiền mua nhà đất là của ông bà Lư, bà Thi, vợ chồng ông Hải, bà Phương không được tự ý chuyển nhượng. Tuy nhiên, sau đó ông Hải đã tặng cho bà Phương phân nửa tài sản trên, như vậy trái với văn bản cam kết.

Từ căn cứ trên, Tòa án phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lư, bà Thi. Không chấp nhận, bà Phương kháng cáo bản án yêu cầu chia tài sản. Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra căn cứ: khoản 3, Điều 470, Bộ luật dân sự 2005 thì: “Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Bên cạnh đó, bên đứng hộ tài sản cố tình vi phạm cam kết buộc Tòa tuyên vô hiệu hợp đồng đứng hộ tài sản.

Vụ án kết thúc, vợ chồng người con trai chấp nhận trắng tay. Vụ án tưởng như bí lối nhưng được giải quyết triệt để vì sự cẩn trọng “gừng già càng cay” của người cha chồng. Nếu như người được cho tặng tài sản làm đúng trách nhiệm, nghĩa vụ thì người cha già không đi đến cùng vụ án để lấy lại tài sản. Có lẽ, sau vụ án, vợ chồng cụ ông cân nhắc, trao cho người con nào xứng đáng nhất.

Văn Kỳ

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/bao-boi-giup-cu-ong-phan-keo-lay-lai-tai-san-da-tang-vo-chong-con-trai-84555.html