'Bảo bối' dưới sông Tô Lịch cần thêm 'trợ thủ' sau 1 tháng hoạt động

Do mực nước sông Tô Lịch xuống thấp nên máy sục khí Nano cần có thiết bị hỗ trợ để có thể xử lý ô nhiễm trên sông Tô Lịch.

4 chiếc máy sục khí Nano công nghệ Nhật Bản đặt dưới sông Tô Lịch vẫn hoạt động ổn định

4 chiếc máy sục khí Nano công nghệ Nhật Bản đặt dưới sông Tô Lịch vẫn hoạt động ổn định

Ngày 14/6, tức sau gần 1 tháng công nghệ Nano – Bioreactor được đặt xuống sông Tô Lịch tại khu vực đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy, Hà Nội), PV có mặt tại hiện trường.

Theo ghi nhận, 4 chiếc máy sục khí vẫn hoạt động bình thường. Mực nước sông xuống khá thấp, để lộ một khoảng trống bùn ở vệ bờ. Nước sông tại khu vực đầu cống Hoàng Quốc Việt (đoạn trước máy sục số 1 và 2) nông, màu đen sệt, một dòng nước màu vàng đục chảy ra từ trong cống.

Đoạn máy sục 3 và 4 nước sâu hơn, tầng mặt có vẻ trong nhưng nhìn chung vẫn có màu đen. Đứng ở ven bờ, mùi hôi thối đã giảm đi nhiều.

Nước sông khu vực đầu nguồn xuống khá thấp, hở cả một khoảng bùn ven bờ

Một cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phẩn cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) có mặt tại bờ sông Tô Lịch cho hay, kể từ khi đặt xuống lòng sông, các máy sục khí vẫn hoạt động ổn định.

Gần đây, một chiếc máy bơm được đặt thêm xuống sông đoạn giữa máy sục 1 và 2. Theo giải thích của cán bộ kỹ thuật JVE: “Chiếc máy này có tác dụng bơm nước ngược lại phía đầu nguồn để giúp đánh tan bùn ở vệ bờ, đồng thời cung cấp thêm nước cho máy sục số 1 do mực nước sông đang xuống thấp”.

Cán bộ kỹ thuật JVE tiết lộ thêm, trưa 14/6, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị JVE cũng đã ghé thăm đoạn sông Tô Lịch được xử lý bằng công nghệ Nano của Nhật Bản.

Một đoạn sông Tô Lịch ở đầu nguồn trước khi chảy qua máy sục

Dự tính, sáng thứ 2 (ngày 17/6), các chuyên gia sẽ tiếp tục lấy mẫu nước sông Tô Lịch để kiểm tra đánh giá tính hiệu quả của công nghệ sau 1 tháng hoạt động.

Ở thời điểm sau 2 tuần, báo cáo của JVE cho hay, công nghệ Nano - Bioreactor cơ bản đáp ứng được yêu cầu khi mùi hôi sông Tô Lịch giảm đáng kể và các chỉ số về độ dày bùn giảm khớp với chỉ số dự kiến trước lúc đặt máy.

Đặc biệt, độ dày của bùn sông giảm đáng kể. Cụ thể, tại điểm B cách khu vực cống Hoàng Quốc Việt 50 m, độ dày bùn giảm từ 91,3 cm xuống 72 cm. Tại điểm C cách 110 m, độ dày giảm từ 96,7 cm xuống còn 76 cm. Tại điểm D cách 210 m, độ dày bùn giảm từ 87,7 cm xuống còn 79 cm.

Một chiếc máy bơm mới được lắp thêm đoạn giữa máy sục số 1 và số 2

Trước đó, từ ngày 16/5, Hà Nội đã triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản. Dự án thí điểm do đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt thực hiện bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản.

Bốn chiếc máy sục khí Nano và các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor được đặt xuống đầu nguồn sông Tô Lịch tại khu vực đầu đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy). Các chuyên gia Nhật Bản cho hay, khi đặt máy sục khí bio-nano xuống thì 3 ngày sau, mùi hôi của sông Tô Lịch sẽ giảm và sau từ 1-2 tháng các chỉ số quan trắc nước sẽ đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Triệu Quang

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/bao-boi-duoi-song-to-lich-can-them-tro-thu-sau-1-thang-hoat-dong-988559.html