'Bảo bối' để phát triển Đà Nẵng

Cơ chế đặc thù mà Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua được kỳ vọng như 'bảo bối' thúc đẩy Đà Nẵng phát triển nhanh, mạnh, bền vững, xứng đáng là đầu tàu dẫn dắt khu vực miền Trung theo mục tiêu của Nghị quyết 43.

Cơ chế đặc thù mà Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua được kỳ vọng như "bảo bối" thúc đẩy Đà Nẵng phát triển nhanh, mạnh, bền vững, xứng đáng là đầu tàu dẫn dắt khu vực miền Trung theo mục tiêu của Nghị quyết 43.

Mô hình CQĐT tại Đà Nẵng sẽ không tổ chức HĐND cấp quận, phường.

Mô hình CQĐT tại Đà Nẵng sẽ không tổ chức HĐND cấp quận, phường.

Từ chính quyền đô thị

Chính quyền đô thị (CQĐT) là một cơ chế đặc thù quan trọng giúp Đà Nẵng tinh giảm bộ máy, hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn. Mô hình CQĐT Đà Nẵng thực hiện sẽ không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp quận, phường mà chỉ có HĐND cấp TP. Riêng huyện Hòa Vang và các xã trực thuộc vẫn giữ nguyên như hiện nay, gồm cả HĐND và UBND. Do không tổ chức HĐND quận, phường nên một số nhiệm vụ của HĐND cấp quận chuyển lên HĐND TP, một số nhiệm vụ của HĐND phường chuyển lên UBND quận cho phù hợp. Để thực hiện chức năng giám sát, tại các quận, phường sẽ có các tổ đại biểu của HĐND TP. UBND các quận, phường chỉ gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Chỉ huy trưởng quân sự, Trưởng công an; UBND cấp trên bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, cách chức Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND cấp dưới. Với mô hình này thì chỉ tổ chức một cấp ngân sách TP, các quận, phường chỉ là một đơn vị dự toán ngân sách của TP thay vì 3 cấp ngân sách TP như trước.

Theo ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ, Đà Nẵng có nhiều thuận lợi để triển khai thí điểm mô hình CQĐT. Bởi lẽ, TP có diện tích tương đối nhỏ (1.285,4 km2), có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao, số lượng đơn vị hành chính trực thuộc không nhiều, gồm 8 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó có 6 quận) và 56 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 45 phường). Ngoài ra, Đà Nẵng đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 6 quận, huyện Hòa Vang và 45 phường trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2016 đạt kết quả tốt. Trong giai đoạn thí điểm này, công tác chỉ đạo điều hành quản lý hành chính của UBND từ cấp TP đến quận, phường được xuyên suốt, nâng cao tính chủ động của cơ quan hành chính và trách nhiệm của người đứng đầu, tạo được sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức và người dân.

Mô hình CQĐT được coi là cơ chế đặc thù đầu tiên, quan trọng bên cạnh nhiều cơ chế đặc thù khác để tạo động lực phát triển đột phá cho Đà Nẵng.

Dư địa phát triển lớn

Ngoài CQĐT, Đà Nẵng còn được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua 4 chính sách đặc thù khác. Trước tiên, Đà Nẵng được phân quyền điều chỉnh quy hoạch TP, điều chỉnh quy hoạch cục bộ đô thị từ Thủ tướng. Điều này tạo điều kiện rất lớn để TP tự quyết, xử lý nhanh các vấn đề quy hoạch, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo đột phá trong phát triển. Kế tiếp, HĐND TP Đà Nẵng được giao quyền quyết định bổ sung, tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí trên địa bàn. Đặc biệt, Đà Nẵng được thực hiện cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực phát triển. Theo ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ chế này rất quan trọng, bởi lẽ muốn phát triển nhanh, mạnh, đột phá trước hết phải huy động được nguồn lực lớn, đa dạng. Cụ thể, với cơ chế đặc thù này, Đà Nẵng được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho TP vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách TP. Theo tính toán, khi áp dụng cơ chế này, Đà Nẵng có thêm dư địa được vay để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển trong giai đoạn 5 năm tới khoảng 6,3 tỷ USD.

Một cơ chế đặc thù khác liên quan tới quản lý tài chính-ngân sách cũng được kỳ vọng tạo nguồn lực quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển đột phá cho Đà Nẵng. Cụ thể, Đà Nẵng được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội (tương tự cơ chế áp dụng cho TP.HCM). Hiện nguồn cải cách tiền lương còn dư tính đến hết năm 2019 còn hơn 3.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2020 sẽ dư khoảng 9.500 tỷ đồng, trong 5 năm tới dự kiến còn dư khoảng 20.385 tỷ đồng. Nguồn này sẽ được sử dụng để chi đầu tư phát triển và chi cho các chính sách an sinh xã hội.

Cũng liên quan tới cơ chế đặc thù về tài chính - ngân sách, khi Đà Nẵng vượt thu ngân sách theo dự toán thì số vượt thu điều tiết về ngân sách Trung ương sẽ được bổ sung cho TP 70%. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng được cho cơ chế để quyết định hình thức hỗ trợ xây dựng khu khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, các dự án đầu tư trong khu khởi nghiệp sáng tạo của Đà Nẵng được hưởng thuế suất thuế thu nhập DN 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

Có thể nói, với các cơ chế đặc thù này, Đà Nẵng có dư địa lớn để huy động tổng thể các nguồn lực phát triển. Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu xây dựng Đà Nẵng là trung tâm kinh tế- xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là đô thị biển quốc tế, đô thị sinh thái hiện đại và thông minh... Để thực hiện được mục tiêu đó ngoài quyết tâm, khát vọng, tinh thần sáng tạo của địa phương thì cần cơ chế huy động nguồn lực đủ mạnh, đủ hấp dẫn đi kèm. Huy động được nguồn lực mạnh, đầu tư đúng định hướng sẽ giúp Đà Nẵng phát triển đột phá, hiện đại, quy mô đúng tầm nhìn và kỳ vọng.

VĂN THUẤN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_227570_-bao-boi-de-phat-trien-da-nang.aspx