Bao bọc di sản luôn có không gian văn hóa xung quanh

Giới hạn đến đâu phải căn cứ vào quy định của luật pháp. Song bao bọc một di sản luôn có không gian xung quanh mà người ta gọi là không gian văn hóa, chính quan niệm này dẫn đến mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến:

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến:

PV: Thưa nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến, là người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu Hà Nội, lại có nhiều năm làm việc gần hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm), ông thấy không gian này có vị trí như thế nào với người Hà Nội?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến: Có nhiều quan niệm khác nhau, với các nhà quy hoạch đô thị thì Hồ Gươm là lẵng hoa giữa lòng thành phố là lá phổi; với các nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng thì Hồ Gươm là nơi sinh ra nhiều truyền thuyết trong đó có truyền thuyết Lê Lợi trả kiếm cho thần Kim quy và bài học chữ tín, vay thì phải trả. Về phong thủy đây cũng là nơi tụ và tỏa khí thiêng. Nhưng với người dân thì Hồ Gươm là khu vực trung tâm, nơi vui chơi giải trí. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lớn nhỏ của Hà Nội từ khi nó được quy hoạch lại từ cuối thế kỷ 19.

Qua những bức ảnh tư liệu thì có thể thấy, trước đây, Hồ Gươm cũng đã diễn ra nhiều sự kiện, thậm chí có cả những cuộc đua thuyền?

- Ngược dòng thời gian, thế kỷ 18, Hồ Gươm là nơi vui chơi giải trí của vua chúa. Các chúa tổ chức câu cá ở Gò Rùa (sau là Tháp Rùa), tiệc tùng ở đảo Ngọc (sau là đền Ngọc Sơn). Khi con đường quanh hồ hoàn thành cuối năm 1892, đúng Tết năm 1893 chính quyền đã tổ chức nhiều cuộc vui chơi xung quanh hồ như: Bịt mắt đập niêu, vật, đốt pháo bông, bắt vịt trên hồ… và đặc biệt là trò đua thuyền thúng. Sau năm 1954 trên mặt nước và quanh hồ diễn ra nhiều sự kiện nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc như mít tinh, diễu hành cùng với các hoạt động văn nghệ thể thao gồm: lướt ván, đua thuyền đua xe đạp, chạy vòng quanh hồ và nhiều trò giải trí xung quanh hồ. Thậm chí còn có cả biểu diễn piano ở Tháp Rùa.

Gần đây, không gian Hồ Gươm lại trở thành tâm điểm của dư luận khi có những dự án mới được đề xuất thực hiện, có thể tác động đến không gian, cảnh quan của hồ. Ví như đặt cửa ga tàu điện ngầm C9, đặt cột biểu tượng Km 0, rồi bê tông hóa bờ hồ, lát đá vỉa hè… Theo ông, đâu là giới hạn cho phép để làm mới Hồ Gươm, và đâu là không?

- Giới hạn đến đâu phải căn cứ vào quy định của luật pháp. Song bao bọc một di sản luôn có không gian xung quanh mà người ta gọi là không gian văn hóa, chính quan niệm này dẫn đến mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển.

Tòa Hàm Cá Mập từng gây xôn xao dư luận.

Cụ thể về biểu tượng Km 0 dự kiến sẽ đặt quanh khu vực Hồ Gươm, trong tư cách một nhà nghiên cứu văn hóa của Hà Nội, ông có ủng hộ?

- Tôi ủng hộ vì từ khi Pháp phá chùa Bái Ân để xây bưu điện Bờ Hồ năm 1886 thì họ tính khoảng cách từ Hà Nội đi các tỉnh bắt đầu từ bưu điện Bờ Hồ. Khi Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương năm 1902 thì nơi đây còn là mốc để tính khoảng cách đi Viên chăn và Phnompenh

Còn việc mở cửa ga tàu điện ngầm ở phố Hàng Dầu, việc xây khách sạn gần Bờ Hồ, quan điểm của ông thế nào?

- Cách đây gần 30 năm, báo chí khi đó đã không đồng tình việc xây dựng khách sạn “Hà Nội vàng” cao gần 30m. Với chiều cao sừng sững như vậy bên Hồ Gươm thì hồ sẽ trở thành như cái ao làng. Bị dư luận phản đối, sau đó Chính phủ vào cuộc nên công trình này có giảm chiều cao chút ít.

Cá nhân tôi luôn phản đối các công trình quá cao mọc lên xung quanh Hồ Gươm, ngoài biến hồ thành ao còn phá vỡ quy hoạch khu vực này. Về tín ngưỡng, tâm linh các công trình cao sẽ ngăn cản, che chắn sự giao hòa giữa khu vực phố cổ, phố cũ với hồ- nơi tụ và tỏa khí thiêng của một đô thị nghìn năm tuổi.

Về ga tàu điện ngầm C9, có hai luồng ý kiến trái ngược. Ở đây có sự bất hợp lý: quyết định đền Ngọc Sơn là di sản đặc biệt ra đời sau trong khi quy hoạch ga tàu điện này. Nếu cứ lấy những quy định ra đời sau để điều chỉnh cái đã có thì xã hội sẽ ra sao? Mặc khác nếu ai từng sang thủ đô của nhiều nước châu Âu thì sẽ thấy một số ga tàu điện ngầm rất gần với các công trình văn hóa, lịch sử, chẳng nhẽ châu Âu không tôn trọng các di sản này?

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Thu Phố (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bao-boc-di-san-luon-co-khong-gian-van-hoa-xung-quanh-489843.html